Doanh nghiệp và Nhà nước ứng phó hàng Thái trong dịp tết

author 11:06 22/01/2015

(VietQ.vn) – Trong thị trường đầy biến động và chịu sự cạnh tranh của hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sớm đề ra được nhiều chiến lược để giành lại thị phần trong dịp tết Nguyên Đán.

Doanh nghiệp Thái Lan tấn công thị trường Việt Nam

Hiện nay, các mặt hàng tết của Thái Lan có mặt gần như hầu hết ở các hệ thống phân phối, trung tâm mua sắm, cửa hàng, chợ, thậm chí trang mua sắm.

Với việc Công ty Power Buy (công ty con của Tập đoàn Central Group - Thái Lan) chuyên về bán lẻ hàng điện máy, điện tử mua 49% cổ phần Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (chủ sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim), thì Central Group đã thực sự chính thức dấn sâu hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, tập đoàn này đã đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại thời trang gồm 2 trung tâm Robins tại TP HCM và Hà Nội.

Các mặt hàng tết của Thái Lan xuất hiện khắp nơi

Các mặt hàng tết của Thái Lan xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Ảnh Siêu thị hàng Thái Lan

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2014, Thái Lan là quốc gia đứng thứ ba trong khu vực ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore, Malaysia) với 371 dự án, tổng vốn 6,7 tỉ USD (chiếm 14% tổng số dự án và 12% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của nhiều tỉ phú Thái Lan với hàng loạt dự án lớn và các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ, tiêu dùng. Việt Nam được nhận định là thị trường gần, nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng ổn định, dân số đông và đặc biệt là cửa ngõ để tiến vào thị trường Lào, Campuchia và miền Nam Trung Quốc.

Sự phủ sóng của hàng Thái Lan trong dịp tết đã tạo thêm cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn trên thị trường, song các DN trong nước cũng đứng trước nguy cơ giảm dần thị phần và nguy hiểm hơn là phụ thuộc vào hàng hóa Thái Lan.

Bộ Công Thương 'nhúng tay' vào thị trường tết

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết lượng hàng hóa được các doanh nghiệp chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt 200.000 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm trước

Dựa vào tình hình thị trường hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, chuẩn bị nguồn cung hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống và đánh giá sát nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Số lượng các mặt hàng tết trong nước có thể không tăng nhiều

Số lượng các mặt hàng tết năm nay không tăng nhiều. Ảnh VCCI

Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo DN triển khai chương trình bình ổn trên địa bàn tăng thời gian bán hàng phục vụ Tết (nghỉ muộn hơn và bán hàng trở lại sau Tết sớm hơn năm trước) để tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng nên thị trường khó xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng đang có xu hướng giảm mạnh sẽ tác động đến chi phí đầu vào (như cước vận chuyển hàng hóa) nên giá các mặt hàng tết cũng sẽ ổn định hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Doanh nghiệp giảm chỉ tiêu tăng lượng các mặt hàng tết

 Khác với mọi năm doanh nghiệp thường tăng lượng hàng từ 20-30% chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, năm nay hầu hết doanh nghiệp chỉ đặt chỉ tiêu tăng khoảng 5-10%.

Mặc dù nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi, nhưng trước tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng thể hiện qua sức mua yếu, các doanh nghiệp tỏ ra dè dặt trong kế hoạch chuẩn bị hàng Tết.

Doanh nghiệp giảm chỉ tiêu tăng các mặt hàng tết

Doanh nghiệp giảm chỉ tiêu tăng các mặt hàng tết. Ảnh Bạc Liêu online

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food cho biết: Do sức mua vẫn kém nên Saigon Food sẽ chuẩn bị lượng hàng thành phẩm nhiều hơn Tết năm trước khoảng 5-10%, tùy từng mặt hàng". Nằm trong nhóm hàng thực phẩm, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng cho biết: năm nay, công ty chỉ đặt kế hoạch tăng sản lượng 10% so với năm ngoái do sức mua thị trường được dự báo là không cao.

Với mặt hàng trứng, cả Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt đều đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn so với mọi năm. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc công ty Ba Huân cho biết, năm nay công ty đặt kế hoạch khá thận trọng, chỉ tăng 10-20% sản lượng so với năm ngoái.

Trong khi đó, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay, nếu năm trước công ty dự trữ các mặt hàng tết tăng 20% sản lượng thì năm nay chỉ tăng 10% so với bình thường.

Đi đôi với việc giảm chỉ tiêu tăng số lượng các mặt hàng tết, các Doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng không tăng giá thành và thêm kênh bán hàng.

Ông Văn Đức Mười, Giám đốc Vissan cho biết, để kích cầu và tăng sức mua, Tết năm nay công ty sẽ phối hợp với các hệ thống siêu thị đẩy mạnh hàng về nông thôn và vùng sâu vùng xa bằng các chuyến hàng lưu động. Đây cũng là giải pháp được Ba Huân, SaiGon Food và Vĩnh Thành Đạt lựa chọn trong dịp Tết này.

Vy Vy (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang