Mặt hàng xăng dầu thời gian qua bị lách luật?

author 16:02 21/09/2015

(VietQ.vn) - Đó là một trong những ý kiến của bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự thảo Luật thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ của Quốc hội ngày hôm nay (21/9).

Đề nghị nghị kiểm tra lại việc tạm nhập tái xuất với mặt hàng xăng dầu

Liên quan đến câu hỏi: “Miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định?” về dự thảo Luật thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội hôm nay, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, dự thảo luật quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế này.

Để thực hiện tốt được điều này, trước tiên Chính phủ cần phải có tổng kết để giải đáp quan ngại rất có cơ sở của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về việc miễn thuế với những mặt hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập. Bởi trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

“Đề nghị Chính phủ trả lời thời gian qua, việc miễn thuế đối với những mặt hàng tạm nhập tái xuất thường bị lách luật và lợi dụng tập trung vào những mặt hàng nào?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Dẫn quy định tại điểm e, Khoản 9, Điều 16 về hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập trong thời hạn nhất định, quy định: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời hạn gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp này cho rằng, những nội dung này chưa rõ là những mặt hàng nào.

Đại biểu Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đại biểu Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh Infonet)

“Khi chúng tôi nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu cho thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. Trong 4 năm thì có số liệu cho rằng đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Chúng tôi thấy rằng việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là công ước của Kyoto”, bà Nga nói.

Từ quan điểm trên, bà Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không?

Đề nghị kiểm tra quy định ở Khoản 9, Điều 16, liên quan đến những mặt hàng chúng ta cho miễn thuế tạm nhập tái xuất liệu có tuân thủ những quy định về mặt nguyên tắc để tránh thất thu và giải quyết những quan ngại mà Ủy ban Tài chính –Ngân sách của Quốc hội đã nêu.

Đánh giá tác động của ngành yếu thế

Nhấn mạnh quy định về thuế phải cụ thể chứ không thể mơ hồ, định tính, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị quy định rõ hơn về thuế suất, miễn thuế. Ngoài ra, việc thay đổi chính sách thuế ảnh hưởng đến nền kinh tế nên trong điều kiện nước ta cần lưu ý đến tác động với những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, đánh giá sâu hơn về tác động xã hội, đặc biệt với một số ngành yếu thế. Qua đó đánh giá và Chính phủ chuẩn bị giải pháp gì với ngành nông nghiệp nói chung, bởi trong 10 năm tới nước ta hội nhập sâu hơn.

“Giờ thịt gà Mỹ, thịt bò Úc vào cũng như nhiều mặt hàng khác đang cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng của chúng ta. Chính sách về thuế xuất nhập khẩu giúp người tiêu dùng được sử dụng nhiều mặt hàng với giá thấp hơn nhưng một số ngành sẽ rất khó khăn, như chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp”, bà Mai nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh HùngChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh VOV)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Bởi qua nhiều năm hội nhập cho thấy tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng tăng trưởng giảm, cạnh tranh kém. Hàng loạt dự án nước ngoài đầu tư lớn như ô tô, máy tính, điện tử, viễn thông... nhưng bên trong không có công nghiệp phụ trợ.

“Nói sẽ dùng Nghị định nhưng Nghị định sao bằng luật được. 3 lần ra Nghị định đưa doanh nghiệp về nông thôn nhưng đưa không nổi vì vướng các luật khác. Luật này phải tính thế nào vì hội nhập thì sức bên trong phải khỏe, thuế khóa cứ theo làm mãi thì làm sao khỏe lên được. Ngoài ra, trong tổng thể cải cách thuế chung thì thuế khác cũng phải tính tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đang cho đánh giá tổng kết lại các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) ra đời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế với các quy định minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp như đơn giản thủ tục, ưu đãi thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính tán thành với nhiều ý kiến cho rằng phải quan tâm hơn lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp - thuỷ sản và cơ bản các chính sách về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, đóng tàu xuất khẩu... để thúc đẩy nội địa hoá đã được đưa vào luật.

Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, Luật này ban hành sẽ tác động về thuế, tăng thu từ thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, giảm thu ngân sách khoảng 800 tỷ đồng/năm. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ để điều chỉnh các chính sách thuế nội địa, đáp ứng thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Hải Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang