Mất ngủ bởi thiết bị công nghệ cao

author 06:21 17/03/2015

(VietQ.vn) - Nhiều người có thói quen thức trắng đêm với chiếc smart phone hoặc những thiết bị công nghệ cao mà quên mất rằng việc mất ngủ sẽ mang lại những hệ lụy tai hại cho bản thân.

Con người thường ngủ nhiều hơn vào ban đêm bởi nhịp sinh học hoạt động chặt chẽ với quy trình hoạt động của mặt trời. Ngày nay, ánh sáng nhân tạo có thể giúp kéo dài thời hoạt động nhưng lại gây ra những phiền nhiễu, khiến nhiều người dễ bị tình trạng mất ngủ.

Mặc dù mỗi người có thời gian ngủ khác nhau, nhưng một số chuyên gia khuyên nên ngủ đủ 9 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, thật không may, có đến 1/3 người sinh sống ở Bắc Mỹ được cho là bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ giấc ngủ.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, nhiều người có nguy cơ mắc chứng mất ngủ bởi họ thực hiện các hoạt động gây kích thích thần kinh 1 tiếng trước khi đi ngủ : 90% xem TV, 33% ngồi máy tính và 43% làm việc tại nhà. Điều đó đồng nghĩa với việc, xem TV và lướt web có thể khiến thức giấc cả đêm, theo ghi nhận của báo Zing News.

Tình trạng mất ngủ là vấn đề khá nhiều người gặp phải

Chứng mất ngủ do thói quen xấu dùng đồ công nghệ cao

81% những người có smart phone thú nhận là họ luôn sử dụng chúng bất kì khi nào có thể, thậm chí cả ở trên giường. Cứ 10 thanh niên thì có 4 người cho biết họ vớ lấy smart phone ngay mỗi khi thức dậy hay những lúc tỉnh ngủ trong đêm. Thời gian họ dành cho việc kiểm tra email, vào mạng vào buổi sáng nhiều gấp hơn 2 lần so với thời gian ăn sáng, gấp 1,6 lần thời gian chăm sóc ngoại hình bản thân.

Các chuyên gia đã cảnh báo sự gia tăng thời gian sử dụng các phương tiện khai thác công nghệ cao này đã khiến con người không có được giấc ngủ đầy đủ chất lượng và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của họ.

Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng ánh sáng màu xanh phát ra từ điện thoại, màn hình máy tính gây ra sự rối loạn cho nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, lừa “nó” cho rằng vẫn đang ở thời điểm ban ngày. Sự hiểu lầm này sẽ khiến cơ thể ngừng sản xuất các hormone cho giấc ngủ tự nhiên, melanin và giữ chúng ta ở trạng thái thức.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ là do việc sử dụng sản phẩm công nghệ cao

Tránh mất ngủ bằng cách tắt thiết bị công nghệ vài tiếng trước khi lên giường

Ngày càng nhiều người còn trẻ nhưng hay đau ốm, yếu ớt. Các chuyên gia cho biết chính là do việc thiếu ngủ liên tục đã khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu, làm tăng nguy cơ bệnh tim, huyết áp cao và bệnh tiểu đường. Nó cũng khiến cho thần kinh trở nên nhạy cảm hơn, tăng khả năng mắc các bệnh tâm thần như lo âu, trầm cảm và làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam giới và phụ nữ.

Người đưa tin trích lời của tiến sĩ Nerina Ramlakhan, để có một giấc ngủ đầy đủ năng lượng, mọi người nên tắt tất cả các thiết bị công nghệ ít nhất 60-90 phút trước khi đi ngủ để não bộ chúng ta có thời gian thư giãn và thả lỏng. Thật vậy, đôi khi truy cập internet trước khi đi ngủ chỉ với ý nghĩ là kiểm tra nhanh e-mail, nhưng  nhiều người sẽ nhanh chóng lọt vào “mê trận” của các kênh truyền thông xã hội, các trình duyệt mạng khiến bộ não cứ tiếp tục làm việc không ngừng và càng về sau càng khó dứt ra để đi ngủ.

Ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ vì thường xuyên sử dụng điện thoại ban đêm

Mất ngủ gây cảm giác uể oải, kiệt sức và nhiều vấn đề sức khỏe

Nguy cơ này hiện không chỉ dừng ở những người lớn, cuộc khảo sát của tiến sĩ Ramlakhan trên 500 học sinh ở lứa tuổi từ 13-15 cho thấy tình hình đáng báo động số em phàn nàn vì gặp vấn đề với giấc ngủ cùng cảm giác kiệt sức. 80% những học sinh này cho biết họ có sử dụng các thiết bị điện tử ở trên giường.

Tiến sĩ Ramlakhan nói: "Điều quan trọng là mọi người cần nhìn nhận tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon. Việc thiếu ngủ mãn tính sẽ gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, cũng như tiềm ẩn những mầm mống tai họa khôn lường".

Cô khuyên mọi người nên “trục xuất” tất cả các sản phẩm công nghệ truyền thông khỏi phạm vi phòng ngủ. Đó là cách đơn giản nhất để có một môi trường thư giãn thúc đẩy giấc ngủ nhanh tới, đảm bảo cho sự nghỉ ngơi và khôi phục cơ thể qua đêm.

Lê Liên (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang