Mất nước kéo dài ai chịu trách nhiệm?

author 07:26 30/04/2014

(VietQ.vn) - Mất nước kéo dài nhiều ngày nay và hiện tại, hàng ngàn hộ dân khu vực Quận Thanh Xuân vẫn chưa có nước trở lại nhưng chẳng thấy cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp nào tới động viên, thăm hỏi hoặc có phương án ứng phó cho dân.

Liên tục vỡ đường ống nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội

Liên tục vỡ đường ống nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội. Ảnh minh họa

Liên hệ với Công ty CP Nước sạch Vinaconex - đơn vị trực tiếp xử lý sự cố đường ống nước từ Sông Đà về Hà Nội bị vỡ lần thứ 7, diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua được biết, đơn vị này đã hoàn thành việc khắc phục sự cố đường ống bị vỡ và nước đã lưu thông được ngày 26/4. Một nhân viên công ty này khẳng định, "họ đã làm hết trách nhiệm".

PV đã thực hiện việc liên hệ với ông Nguyễn Văn Tốn, Giám đốc Cty CP Nước sạch Vinaconex để có những ý kiến đầy đủ về việc vỡ đường ống nước và mất nước đợt này nhưng qua hai ngày liên hệ vẫn chưa thể gặp được ông này.

Khi nhiều người dân thắc mắc, các câu hỏi lại được gửi tới lãnh đạo Công ty CP đầu tư kinh doanh nước sạch (Viwaco) - đơn vị phân phối nước cho hàng chục ngàn hộ gia đình ở Quận Thanh Xuân, ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty này cho biết: "Cũng không biết làm cách nào vì biến áp bị hỏng, mất điện, tới sáng qua 29/4 mới khắc phục được, bơm nước trở lại". Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, do nước mất kéo dài nên việc lấp đầy nước trong các đường ống sẽ tốn rất nhiều thời gian, các hộ gia đình ở vùng xa, "hẻo lánh" có thể hơn môt tuần nữa mới có nước trở lại.

"Dịp 30/4 vầ 1/5 các hộ gia đình đi chơi, về quê nhiều nên chắc cũng chẳng dùng nhiều tới nước", ông Việt nhận định. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam trong các ngày từ 28/4 đến nay (30/4), hàng ngàn hộ dân khu vực phường Khương Trung, Phường Khương Đình, Khương Hạ... thuộc Quận Thanh Xuân đến nay vẫn chưa có nước.

Bà Nguyễn Thị Hải ở Ngõ 358/25 phố Bùi Xương Trạch - Khương Đình - Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mất nước kéo dài đến cả tuần nay rồi. Các bể ngầm, bể nổi hết sạch, đến đi toa lét cũng không có nước mà dội. Đi về quê, đi du lịch thì được khuyến cáo là dịch sởi bùng phát, nguy hiểm lây lan, nên ở nhà. Nhưng ở nhà mà nước mất thế này, chắc chẳng dính bệnh sởi thì cũng dính nhiều bệnh khác.

Chị Hoàng Thị Mai ở Khương Trung - Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, mỗi lần thu tiền nước, người thu đến tận cửa gọi, đòi nằng nặc phải trả liền. Đang bận mấy cũng phải trả tiền gấp cho họ. Thế nhưng, mất nước tới cả tuần rồi mà chẳng có ai ngó ngàng, hỏi thăm, hoặc tiếp tế nước cho dân.

"Họ - công ty cấp nước được thành phố cho làm mạng lưới cấp nước tới các hộ dân, ngoài mục đích kinh doanh ra, họ còn phải làm nhiệm vụ chính trị, an ninh nguồn nước, đảm bảo cấp nước đầy đủ cho dân. Họ không phải đơn vị kinh doanh đơn thuần mà còn là doanh nghiệp công ích. Mỗi lần mất nước, họ mất mặt. Đi thu tiền không được thì mắng mỏ, dọa cắt nước", chị Mai nói.

Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 bị mất nước kéo dài

Đến hôm nay 30/4, 1/5, hàng ngàn hộ dân khu vực Quận Thanh Xuân vẫn chưa có nước trở lại. Ảnh minh họa

Theo nhiều hộ dân ở phố Khương Hạ - Khương Đình - Thanh Xuân (Hà Nội), không chỉ các doanh nghiệp có liên quan, các cơ quan chức năng của phường, quận và thành phố cần vào cuộc, khắc phục rứt điểm vấn đề vỡ đường ống nước, thiếu nước sinh hoạt, mất nước kéo dài. 

"Cứ để tình trạng mất nước kéo dài, chắc chắn người dân sẽ la ó. Kinh tế trên địa bàn sẽ bị đình đốn. Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng vì cơ thể người tới 70% là nước và cần dùng nước hàng ngày", bác Sinh ở Khương Hạ nói.

Trong một động thái gần đây, ghi nhận có sự vào cuộc của lãnh đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) khi sự cố vỡ đường ống nước đã diễn ra. Tuy nhiên, các cơ quan này vào cuộc rồi, đâu vẫn vào đó và nước sạch đến nay vẫn chưa tới được với người dân. Đặc biệt, việc khuyến cáo dịch sởi, người dân không nên tập trung chỗ đông người nếu không cần thiết hoặc không nên đi lại nhiều như về quê, thăm hỏi... nên dịp 30/4 và 1/5 năm nay, hầu như các hộ dân ở nhà. Trong thời gian này, nhu cầu dùng nước lại rất cao, trong khi đó mất nước kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới vệ sinh môi trường không chỉ trong gia đình mà còn cả ngoài xã hội.

Được biết, dự án đầu tư nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội đã được đầu tư với con số hàng ngàn tỷ nhưng đến nay, đã 7 lần hệ thống đó gặp sự cố. Mạng lưới cấp nước cho người dân liên tục bị ngưng trệ do các sự cố đường ống.

Mất nước kéo đài tới nay đã nhiều ngày nhưng theo người dân, chẳng có cơ quan nào, cá nhân nào lên tiếng phải chịu trách nhiệm về việc này. Điều này đặt ra câu hỏi, khi làm đường ống cấp nước cho dân, họp dân để làm, người dân chỉ chông chờ vào một nguồn cấp nước duy nhất. Đến nay, sự cố diễn ra, mất nước kéo dài người dân lại không thể nhờ cậy vào ai.

Chị Đỗ thị Hùng ở Khương Đình cho rằng, nếu ở quê, không có nước máy tôi còn ra ao, ra sông để giặt, để rửa nhưng ở Hà Nội sẽ ra đâu để rửa. Cả tuần chẳng tắm được, quần áo chất đầy hôi thối trong máy giặt. Cả gia đình đến bữa lại ra quán ăn cơm bụi. Có quán còn chẳng bán được hàng vì cũng không có nước dùng.

Những bức xúc về nước sạch của người dân Quận Thanh Xuân những ngày này rất cần có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan chức năng, sớm khắc phục đưa nước về cho người dân, không nên để tình trạng "có trách nhiệm cũng như không" như hiện nay.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang