Nhận biết mũ bảo hiểm rởm bằng mắt thường

author 13:13 18/10/2013

(VietQ.vn) - Có những dấu hiệu rất rõ ràng để người tiêu dùng (NTD) nhận biết thế nào là một sản phẩm mũ bảo hiểm (MBH) chất lượng hoặc không chất lượng.

Khi được hỏi, không ít NTD nói rằng, họ không biết một sản phẩm MBH như thế nào thì gọi là đạt chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy, đảm bảo an toàn khi sử dụng. Chính vì thế họ đã lựa chọn phải những MBH kém chất lượng, không đạt chuẩn.

Thế nhưng, không ít người lại biết rất rõ, thế nào là MBH đạt chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy, đảm bảo an toàn khi sử dụng nhưng họ lại mua và sử dụng nhưng sản phẩm kém chất lượng, không an toàn.

Mu bao hiem dat chua chat luong

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đứng giữa) hướng dẫn cách nhận biết MBH đạt chất lượng. Ảnh: N. Nam

Cùng với nhiều lý do khác nhau như về công tác quản lý, thị trường có cung, “ắt” có cầu… mũ giả MBH, MBH kém chất lượng lại được “tuồn” ra thị trường và đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội hiện nay.

Theo các chuyên gia kỹ thuật của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, NTD khi mua cần quan tâm là mua MBH có gắn dấu hợp quy, có nhãn mác đầy đủ, MBH của cơ sở có uy tín và đặc biệt không mua MBH bán rong, trên vỉa hè...

NTD có thể căn cứ vào những dấu hiệu trực quan sau để nhận biết và lựa chọn MBH hợp quy: kết cấu của MBH phải có đủ 3 bộ phận:

Vỏ mũ (phần vỏ bên ngoài có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội); Đệm hấp thụ xung động (hay còn gọi là đệm bảo vệ) bên trong vỏ mũ (phải đủ rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội); Quai đeo (phải đủ bền chắc, có tác dụng giữ chắc mũ vào đầu người đội). 

Ngoài ra, trên bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc.

Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ. Nhãn mũ phải có đầy đủ các thông tin như: tên sản phẩm là “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR. MBH đội phải vừa đầu, đảm bảo góc nhìn và đảm bảo phạm vi che phủ theo từng loại mũ.

Doi mu bao hiem phai cai quai

Đội MBH nhớ phải cài quai. Ảnh: N. Nam

Hơn nữa, để lựa chọn được MBH đạt chuẩn chất lượng, NTD cần tới các cửa hàng của những doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín, có niêm yết công bố chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, dấu CR cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Không nên ham rẻ mà mua MBH trôi nổi trên thị trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi việc đội MBH đối với người đi mô tô, xe máy, xe gắn máy khi tham gia giao thông và đã thành quy định bắt buộc thì tất cả người dân phải chấp hành. Việc chấp hành đó không chỉ đạt kết quả ở góc độ quản lý mà cao hơn cả là góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mỗi dân khi tham gia giao thông.

Người tham gia giao thông khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy cũng không nên nghĩ, chiếc MBH đã hợp chuẩn, hợp quy, đảm bảo chất lượng mà phó mặc cho nó để rồi có những hành vi phạm luật giao thông như đi sai làn đường, lạng lách, đánh võng… Những hành động đó dù có đội mũ hay không đội MBH thì tính mạng cũng đã bị đe dọa nghiêm trọng.

Chiếc MBH cũng chỉ là vật dụng góp phần bảo vệ phần đầu đối với người đi mô tô, xe máy, xe gắn máy mà nó không thể bảo vệ toàn bộ cơ thể của mỗi người. Và trên thực tế, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) năm 2011 có 21% ca chấn thương sọ não do đã đội MBH không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. 12% và  3% ca chấn thương sọ não do không đội MBH hoặc đội mà không cài quai.

Một số liệu điều tra khác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố mới đây cũng cho thấy, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan tới xe máy chiếm 70%, trong đó, khoảng 46% số vụ có nạn nhân bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong hoặc mang di chứng suốt đời, mà một trong những nguyên nhân đến từ việc sử dụng MBH kém chất lượng.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang