Trung Quốc chế tạo 'Mặt Trời thứ hai' bằng phản ứng hạt nhân

author 17:41 12/02/2016

(VietQ.vn) -Trung Quốc xây dựng lò phản ứng có thể chịu được 100 triệu độ C và kiểm soát phản ứng tổng hợp hạt nhân tương đương với việc tạo ra mặt trời nhân tạo.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Các nhà khoa học Trung Quốc có thể tạo ra khí hydro nóng gấp ba lần lõi của Mặt Trời bằng cách sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân và duy trì mức nhiệt độ này trong 102 giây. Thành công đột phá này giúp Trung Quốc đi trước một bước trong cuộc đua toàn cầu nhằm khai thác năng lượng Mặt Trời nhân tạo, VnExpress dẫn theo South China Morning Post hôm 5/2 .

Năng lượng Mặt Trời nhân tạo được cho là sạch hơn và gần như vô tận, trong khi các nguồn năng lượng dự trữ trong thiên nhiên của Trái Đất đang cạn kiệt nhanh chóng. Theo công bố của Viện Khoa học Vật lý tại Hợp Phì, Trung Quốc, một thí nghiệm được tiến hành vào đầu tháng hai trên lò phản ứng thực nghiệm tiên tiến siêu dẫn Tokamak (EAST), làm nóng khí hydro ở dạng plasma tới nhiệt độ 49.999.000 độ C. Trong khi đó, phần lõi Mặt Trời ước tính có nhiệt độ chỉ khoảng 15 triệu độ Kelvin. Nhiệt độ siêu cao này có thể được duy trì trong 102 giây.

Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo Mặt Trời nhân tạo sẽ . Ảnh: Wikipedia

Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo Mặt Trời nhân tạo. Ảnh: Wikipedia

Nhiệt độ mà các nhà khoa học Trung Quốc vừa đạt được gần giống một vụ nổ nhiệt hạch cỡ vừa. Mục đích của thí nghiệm là lặp lại các điều kiện phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra sâu bên trong Mặt Trời. Một thí nghiệm khác được tiến hành trong thập kỷ trước đã tạo ra nhiệt độ cao hơn con số này, nhưng nó không tồn tại trong thời gian dài như kết quả vừa công bố tại Trung Quốc, và người ta cũng không thể lặp lại thí nghiệm đó.

Trong khi đó, các nhà vật lý tại Nhật Bản và châu Âu cũng đạt được nhiệt độ bằng với nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc, nhưng thời gian khống chế nhiệt độ này kéo dài không quá một phút do những lo ngại về khủng hoảng lò phản ứng. Tới lúc đó, Hợp Phì sẽ trở thành viện đầu tiên trên thế giới xây dựng được một lò hình bánh rán, hoàn toàn siêu dẫn như vậy, hay còn gọi là mặt trời nhân tạo.

Theo Vietnamnet, cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu đe doạ thế giới, vì dầu, than và các nguồn năng lượng phi tái sinh khác đang cạn kiệt. Các nhà khoa học đề xuất tách deuterium từ nước biển và khởi động phản ứng tổng hợp hạt nhân của nguyên tố này ở 100 triệu độ C.

Lò phản ứng EAST tại Hợp Phì. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc

Lò phản ứng EAST tại Hợp Phì. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc

Trong phản ứng tổng hợp hạt nhân, deuterium được tách từ 1kg nước biển có thể tạo ra năng lượng tương đương với năng lượng của 300 lít xăng. Việc xây dựng một lò phản ứng có thể chịu được 100 triệu độ C và kiểm soát phản ứng tổng hợp hạt nhân của deuterium nhằm đảm bảo công suất ổn định, liên tục, tương đương với việc tạo ra một Mặt Trời nhân tạo. Mặt Trời có một lò phản ứng tổng hợp hạt nhân ở lõi.

Loại lò này có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch, vô tận giống như Mặt Trời. Trong khi đó, nước biển gần như không bao giờ cạn kiệt. Khi được nung nóng tới hàng trăm triệu độ C, hỗn hợp gồm deuterium và tritium hai đồng vị của hydro - sẽ hợp nhất với nhau để tạo helium và các neutron tốc độ cao.

Nhiệt do neutron tạo ra sẽ được sử dụng để vận hành tua-bin. Các nam châm siêu dẫn sẽ giữ plasma trên ở giữa không trung trong lò phản ứng hình bánh rán. Plasma là hỗn hợp ion hoá nóng của hai đồng vị hydro - deuterium and tritium.

Trong năm 1990, Viện Vật lý Plasma của Trung Quốc đã xây dựng được HT-7, lò phản ứng tổng hợp hạt nhân siêu dẫn đầu tiên của nước này. Với HT-7, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có một thiết bị như vậy sau Nga, Pháp và Nhật Bản. Trong năm 2000, các nhà khoa học nước này bắt đầu xây dựng một lò phản ứng thế hệ mới, hoàn toàn siêu dẫn, hình bánh rán, trên cơ sở HT-7 và đặt tên là EAST. EAST đưa Trung Quốc vào nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu phản ứng tổng hợp hạt nhân. Đây cũng là dự án trọng điểm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 9 của Trung Quốc.

Bích Phượng (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang