Vén màn bí ẩn của mật vụ Mỹ áo đen - những người sẵn sàng dùng thân hứng đạn

author 06:41 22/05/2016

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama với những viên mật vụ mặc áo đen đặc trưng, cuộc sống và công việc của họ luôn chìm trong một bức màn bí mật...

Nhân viên mật vụ có thể dùng thân mình hứng đạn để bảo vệ yếu nhân khi cần thiết.

Những người dùng thân hứng đạn

Nhà Trắng trong tháng 3.1981, trời đang đổ mưa và nhân viên mật vụ Mỹ Tim McCarthy thì vừa được cấp cho một chiếc áo mới. “Đó không phải là một chiếc áo pha nylon bình thường” - anh chia sẻ với phóng viên trang tin CBS - “Đó là một chiếc áo rất tốt, nhưng trời thì mưa rất to”.

Không muốn làm ướt chiếc áo, anh và một nhân viên mật vụ nữa đã tung đồng xu để xem ai sẽ tháp tùng Tổng thống Ronald Reagan tới khách sạn Hilton ở Washington. “Chúng tôi tung đồng xu và tôi phải đi. Chuyện cũng chẳng có gì đặc biệt, cho tới khi tôi bị bắn” - anh kể.

Chỉ trong vẻn vẹn vài giây, tay súng John Hinckley Jr. đã bắn liền 6 phát. Những viên đạn bay ra dĩ nhiên không nhằm để giết McCarthy. “Tất cả những gì tôi thấy khi ấy là chớp lửa của khẩu súng và vị trí xuất phát chớp lửa ấy” - McCarthy nhớ lại - “Tôi biết những viên đạn đã tới từ đâu và chẳng hề nghi ngờ về điều đó. Rồi tôi xoay mình về hướng súng nổ, giang rộng hết cỡ thân mình”. Và như thế, McCarthy đã dùng thân thể của anh để chắn đạn cho Reagan. Các viên đạn xuyên qua sườn, chọc thủng phổi, gan, cơ hoành và một khu vực gần thắt lưng anh. Nhưng một viên đạn vẫn bay sượt anh và trúng vào người Reagan.

“Trong tôi vừa có cảm giác đã làm tốt công việc của mình, vừa có cảm giác thất bại. Bởi ông ấy vẫn bị bắn. Bất chấp tất cả những điều tôi đã làm, ông ấy vẫn bị bắn. Nên đó là một thất bại” - anh tự dằn vặt mình. Nhưng phần lớn người Mỹ đều gọi hành động của McCarthy là anh hùng, thay vì thất bại. Người ta càng nói nhiều hơn về hành động của anh sau hàng loạt sự cố gây bẽ mặt xảy ra trong vài năm trở lại đây của lực lượng mật vụ.

Đơn cử như tháng 9.2014, một cựu chiến binh thuộc Lục quân Mỹ đã mang theo một con dao và trèo qua hàng rào nằm bên ngoài Nhà Trắng tới một cánh cửa không khóa của tòa nhà rồi mới bị khống chế. Nếu kẻ này vào Nhà Trắng thành công, chẳng ai biết chuyện gì có thể xảy ra.

Trước đó, vào năm 2012, một nhóm mật vụ bị kỷ luật do mời các cô gái điếm tới một khách sạn ở Cartagena, trước chuyến công du của ông Obama tới Colombia. Đầu năm 2015, các nhân viên mật vụ trở về sau một đêm nhậu nhẹt túy lúy đã có hành vi gây cản trở hoạt động của một đội phá bom ngay trước Nhà Trắng. Tệ hơn, giới chức lãnh đạo mật vụ đã giấu nhẹm chuyện này và chẳng kỷ luật bất kỳ ai.

“Chúng ta không có giải pháp thay thế. Chúng ta phải sửa chữa sai lầm này” - đó là các tuyên bố đầy giận dữ của Elijah Cummings - một thành viên Ủy ban Giám sát thuộc Hạ viện Mỹ. Ông là một trong những người lớn tiếng nhất đòi cải tổ toàn diện lực lượng mật vụ.

“Sự hiệu quả của lực lượng mật vụ nằm rất nhiều trong hình ảnh và danh tiếng. Người ta vẫn tin rằng không gì có thể chọc thủng hàng rào bảo vệ của họ” - ông Cummings nói - “Nếu xảy ra chuyện không may với vị lãnh đạo có ảnh hưởng bậc nhất thế giới thì đó sẽ là một vấn đề an ninh quốc gia rất lớn”.

Công ty khởi nghiệp mua xe Tesla Model 3 cho nhân viên để thu hút nhân tài(VietQ.vn) - Công ty khởi nghiệp ở Mỹ - Practichem dự định sẽ mua xe ô tô Tesla Model 3 cho nhân viên của mình nhằm thu hút nhân tài.

“Các cỗ pháo hạng nặng” của mật vụ

Sau các bê bối, từ giữa năm 2015, Mỹ đã bắt đầu tiến hành cải tổ mật vụ. CBS nói rằng công việc được giao cho Giám đốc Mật vụ Joe Clancy - người có 27 năm hoạt động trong mật vụ và từng thuộc đội bảo vệ Tổng thống Barack Obama.

Yêu cầu đầu tiên của ông là tăng cường huấn luyện. Tân binh sẽ có nhiều tuần huấn luyện tại cơ sở của mật vụ ở Washington, nơi các bài tập thể lực nặng nề đã xuất hiện dày đặc hơn rất nhiều. Họ cũng phải huấn luyện võ thuật, bắn súng và quan trọng hơn là tính kỷ luật khi làm nhiệm vụ.

Đơn vị CAT, những chiến binh tinh nhuệ nhất của mật vụ Mỹ, cũng được yêu cầu tăng cường huấn luyện. Cần phải nói thêm một chút về CAT, không giống các nhân viên mật vụ thông thường, chuyên ở gần và bảo vệ yếu nhân, họ đóng vai trò các “cỗ pháo hạng nặng”.

Trong đội hình mật vụ, họ luôn mặc áo giáp màu đen và đeo đầy đồ hỗ trợ chiến đấu trông rất dữ dằn. Họ tuần tra quanh Nhà Trắng và đi trên một chiếc xe tải màu đen trong đoàn xe tổng thống, với nhiệm vụ rất rõ ràng: Nếu xảy ra một vụ tấn công, họ sẽ phải bắn chế áp dữ dội về phía đối phương, khiến chúng không thể ngóc đầu lên được. Theo Ronald Kessler - tác giả cuốn “Trong lực lượng mật vụ bảo vệ tổng thống”, các đội CAT thường mang theo súng trường SRE-16, một thứ vũ khí có khả năng xả ra lượng đạn rất lớn trong thời gian ngắn.

Ngoài các lực lượng trực tiếp bảo vệ yếu nhân, các đơn vị khác trong mật vụ như chó nghiệp vụ cũng được đưa tới Washington để đào tạo. “Vấn đề luôn là lần sau phải tốt hơn lần trước” - Bill Glady - người phụ trách huấn luyện chó nghiệp vụ - cho biết - “Chúng tôi phải giúp những con chó, người điều khiển chúng, các viên cảnh sát hoặc nhân viên mật vụ tiếp xúc với nhiều kịch bản khác nhau, để đảm bảo họ luôn sẵn sàng ứng phó, bởi kẻ xấu luôn thay đổi”.

Hiện khu vực tập luyện đã có mô hình một chiếc chuyên cơ Air Force One, một chiếc trực thăng Marine One và Clancy đang đề nghị Quốc hội cấp cho 8 triệu USD để xây dựng mô hình Nhà Trắng phục vụ hoạt động tập luyện. “Chúng tôi muốn có các mô hình để tập luyện và có cảm giác chính xác về khoảng cách. Họ phải nắm được vị trí của từng bụi cây, từng vòi nước tại khu vực được bảo vệ” - ông nói.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy phần lớn vụ tấn công nhằm vào Tổng thống Mỹ đều diễn ra ngoài Nhà Trắng. Người dân Mỹ vẫn chưa thể quen cái ngày tồi tệ xảy ra ở Dallas vào năm 1963, khi Tổng thống J.F.Kennedy bị ám sát và phản ứng nhanh nhẹn của mật vụ Clint Hill.

Lần ấy, Clint Hill đã leo lên phía sau chiếc xe chở Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy rồi bắt bà ngồi xuống ghế. Sau đó anh dùng thân hình to lớn của mình che chắn, để đảm bảo bà không bị thương trên đường tới bệnh viện.

Khi Tổng thống Gerald Ford bắt tay với dân Mỹ ở Sacramento, nhân viên mật vụ Larry Buendorf đã nhanh tay khống chế Lynette “Squeaky” Fromme - một thành viên của gia đình Manson khét tiếng, lúc gã định ám sát ông vào năm 1975. Thật khó tin khi chỉ 17 ngày sau đó, một kẻ xấu khác định bắn chết Ford bên ngoài một khách sạn ở San Francisco và gã cũng lại bị mật vụ ngăn chặn.

“Cần rất nhiều phẩm chất để trở thành một mật vụ. Công việc này đòi hỏi một dạng người rất khác biệt” - Alan Biladeau - viên mật vụ từng có thời gian bảo vệ Phó Tổng thống Dick Cheney và sau này là ông Joe Biden - chia sẻ. Theo anh, việc một nhân viên mật vụ dùng thân mình chắn đạn để cứu yếu nhân sẽ khiến anh ta và gia đình phải trả cái giá rất đắt. Nhưng đó là yêu cầu công việc mà bất cứ ai bước chân vào lực lượng mật vụ đều hiểu và chấp nhận.

Thành công vẫn nhiều hơn thất bại

Đáng kinh ngạc là chỉ có một nhân viên mật vụ từng bị giết khi đang bảo vệ một Tổng thống Mỹ. Đó là trường hợp của Leslie Coffelt - người đã hy sinh lúc đang bảo vệ Tổng thống Harry Truman. Chuyện xảy ra tại một tòa nhà có tên Blair House, nơi Truman ở tạm trong thời gian Nhà Trắng được sửa chữa. Khi ấy, hai người Puerto Rico đã nổ súng và xông vào Blair House. Coffelt trúng đạn và bị thương rất nặng, song vẫn cố đứng dậy, bình tĩnh bắn một phát trúng tai một kẻ tấn công. 

Nhưng hiếm khi các nhân viên mật vụ được người ta biết tới rộng rãi như thế. Thường thì họ chỉ đi lặng lẽ bên lề lịch sử, là những gương mặt chẳng ai nhận ra trong một đám đông luôn được ngồi hàng đầu tại các sự kiện của thế giới.

Vậy cảm giác của họ ra sao khi ở gần một nhân vật quyền uy như Tổng thống Mỹ? “Khi làm việc, bạn chỉ nghĩ về một mục tiêu nằm cách mình chừng 1 mét” - Clancy nói - “Bạn không nghĩ gì về lịch sử nữa. Bạn không quan tâm tới các bài phát biểu hay những thứ đại loại như vậy. Bạn chỉ tìm xem mối đe dọa kế tiếp là gì”.

Chính Tổng thống Abraham Lincoln đã tạo ra lực lượng mật vụ Mỹ cách đây 151 năm. Nghiệt ngã thay, lực lượng này thành lập đúng ngày ông bị ám sát. Tuy nhiên Lincoln không có ý định tạo ra mật vụ để bảo vệ ông hay văn phòng của ông mà để chống nạn làm tiền giả. Trong năm 1865, đây là vấn đề nhức nhối tại Mỹ, với các đồng tiền giả chiếm 1/3 tổng lượng tiền đang lưu thông tại Mỹ. 

Ngày hôm nay, chống tiền giả vẫn là mối quan tâm chủ chốt của mật vụ Mỹ bên cạnh hoạt động bảo vệ yếu nhân, dù công việc của lực lượng nay đã gồm chống tin tặc và đột nhập đánh cướp dữ liệu. Phần lớn công việc của mật vụ Mỹ hiện vẫn đang nằm trong bí mật. Và dù đối mặt với nhiều bê bối gần đây, lịch sử hơn 150 năm của mật vụ cho thấy lực lượng này vẫn có nhiều thành công hơn thất bại.

“Sống sao cho xứng với di sản ấy là một nhiệm vụ hết sức khó khăn” - Clancy chia sẻ - “Những con người đi trước chúng tôi đã để lại nhiều điều mà người dân Mỹ có thể tự hào”.

Về phần Tim McCarthy, anh đã không bao giờ có thêm một chiếc áo mới trong mật vụ. Việc bị bắn nhiều phát đạn khiến anh không còn đủ sức khỏe nên phải chuyển qua làm cảnh sát và giờ là Giám đốc cảnh sát vùng Orland Park, Illinois.

Anh biết rằng những gì bản thân thực hiện cách đây 35 năm vẫn là thành tích tốt nhất mà một thành viên mật vụ có thể làm được. Nhưng chưa bao giờ anh nhận mình là người hùng: “Tôi nghĩ rằng mình đã thực hiện công việc được giao. Những gì tôi thu được và mang theo suốt cuộc đời mình sau biến cố ấy, là khi được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, tôi đã hoàn thành”. 

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang