Máu chất xám vẫn chảy (bài 3)

author 10:32 07/08/2012

(VietQ.vn) - Nhằm tìm ra một giải pháp để tránh hiện tượng chảy máu chất xám ở các lưu học sinh, Chất lượng Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng cục
Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT

Xin ông cho biết, việc dừng để án 322 có liên quan gì đến vấn đề hiện nay các du học sinh sau khi tốt nghiệp không mặn mà với việc về nước làm việc?.

Đề án 322 dừng tuyển sinh đi mới, những người đang học hiện nay vẫn được cấp kinh phí bình thường theo QĐ cử đi học. Việc dừng đề án 322 không có liên quan gì đến việc lưu học sinh sau khi tốt nghiệp không mặn mà với việc về nước làm việc bởi vì: thứ nhất là đề án 322 theo QĐ của Chính phủ sẽ kết thúc vào năm 2014. Thứ hai là một điều kiện bắt buộc của LHS 322 là phải về nước phục vụ và các LHS đều phải ký cam kết quay về nước nếu không thực hiện cam kết thì họ phải bồi hoàn kinh phí cho nhà nước.

Hiện nay Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện 1 đề án mới thay thế đề án 322.

Ông nghĩ sao khi nhiều người lo ngại về sự lãng phí nguồn lực do nhiều du học sinh muốn ở lại nước ngoài làm việc khi có cơ hội?

Như đã nói ở trên, nghĩa vụ của LHS theo cam kết có bảo lãnh đều phải về nước phục vụ căn cứ điều kiện để được cấp học bổng. Sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước (tức là trả nợ xong) thì họ có thể làm việc ở đâu là tùy họ. Nếu LHS ở lại nước ngoài thì rõ ràng nguồn lực đầu tư cho họ là chưa hiệu quả.

Hiện chúng tôi không có số liệu nào về việc du học sinh ở lại nước ngoài hay về nước làm việc. Các sứ quán cũng không nắm được do chế độ, quy định nhập cảnh với du học sinh ở các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau. Theo quan sát cá nhân tôi, nhiều du học sinh ở lại nước ngoài làm việc nhưng vẫn đi đi về về với gia đình ở VN.

Tôi cho rằng thu hút được những người đã được đào tạo, làm việc ở nước ngoài về nước làm việc là điều đáng quý, bất kể họ sẽ làm việc ở khu vực nhà nước hay tư nhân. Vấn đề là có thu hút được họ về làm việc trong nước hay không. Để giải quyết được việc này cần phải nghiên cứu nghiêm túc và có chính sách phù hợp.

Chúng tôi luôn ý thức nỗ lực trong việc kết nối với du học sinh. Với du học sinh đi học bằng học bổng của Nhà nước, khi họ trở về chúng tôi đều trả họ về cơ quan cũ nơi họ làm việc trước khi đi học hoặc các trường, bộ, ngành mà chúng tôi nắm được thông tin tuyển dụng. Với du học sinh du học tự túc, chúng tôi vẫn đang cố gắng tiếp cận với các em. Cục có website riêng, công khai email tất cả cán bộ của cục để các em liên hệ.

Từ hai năm nay, năm nào chúng tôi cũng cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Cán sự Đảng ở nước ngoài giao lưu trực tuyến với du học sinh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Năm ngoái, chúng tôi và Ban Cán sự Đảng ở nước ngoài có ý tưởng tổ chức một đại hội du học sinh VN trên toàn thế giới nhưng không thực hiện được vì không có kinh phí.

Hiện chúng tôi vẫn theo đuổi ý tưởng này, tìm nguồn tài trợ để có thể tổ chức trong thời gian sớm nhất.

Để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám, xin ông cho biết cần có những chính sách như thế nào?

Nhà nước đã đầu tư giúp cho các cơ quan nhà nước cử cán bộ đi học để quay về phục vụ và đó là điều kiện để được nhận học bổng. Tình trạng chảy máu chất xám hiện nay không chỉ xảy ra giữa các nước và ngay trong một nước khi các cơ quan cạnh tranh nhau về nguồn lực chất lượng cao. Các cơ quan hay người sử dụng lao động cần tạo điều kiện làm việc tốt, có môi trường làm việc tốt và đặc biệt là chính sách tiền lương và hỗ trợ thu nhập tốt cho những người có năng lực tốt và không chỉ áp dụng đối với đối tượng học ở nước ngoài về và nên áp dụng chung cho các đối tượng khác nhau kể cả học trong nước. Tôi cho rằng ngoài chính sách đãi ngộ chung của nhà nước, người sử dụng lao động cần có những chính sách hấp dẫn, minh bạch như đề bạt chức vụ giao trọng trách …

Hiện nay, ngoài đề án 322 còn nhiều chương trình học bổng khác nữa và có nhiều người hưởng các học bổng nay trước khi đi học chưa có cơ quan công tác và cần phải thu hút họ. Các cơ quan cần cải tiến thủ tục hành chính về việc tiếp nhận hồ sơ, quy trình tuyển chọn công khai, minh bạch, cầu thị.. để những người này không bị tâm lý phải đi “xin” việc như thời bao cấp nữa …

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang