Máy bay lại liên gặp sự cố: Cục trưởng Cục Hàng không nói gì?

author 06:33 05/04/2015

(VietQ.vn) - Theo ông Lại Xuân Thanh, tuy xảy ra hàng loạt sự cố nhưng theo thống kê quý I/2015, số vụ máy bay gặp sự cố kỹ thuật đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng loạt sự cố

Khá nhiều sự cố kỹ thuật máy bay đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Gần đây nhất là vụ máy bay của Vietjet Air chuyến VJ117 từ Đà Nẵng đi Thành phố HCM khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất phải dùng xe kéo kéo về bến.

Cụ thể, ngày 25/3/2015, tàu bay VN-A681 của Công ty CP Hàng không Vietjet đã thực hiện chuyến bay VJ117 hành trình  Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh và hạ cánh tại đường cất hạ cánh 25R/07L của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vào hồi 19h28 (Giờ Việt Nam).

Sau khi hạ cánh 2 phút, lúc 19h30, Tổ bay thông báo rằng tàu bay bị trục trặc kỹ thuật, không thể tự lăn và yêu cầu hỗ trợ xe kéo để kéo tàu bay về bến. Trực ban Trưởng của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai xe kéo ra kéo tàu bay về. Sau đó hơn nửa tiếng, xe kéo và thợ máy đã tiếp cận tàu bay, phối hợp cùng các đơn vị kiểm tra kỹ thuật và cho đẩy lùi tàu bay lại, kèo tàu bay rời khỏi đường CHC và về bến đỗ số 37 lúc 21h20.

Về chi tiết sự cố, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, sau khi hạ cánh, hệ thống phanh tự động đang làm việc tốt  ở chế độ trung bình và giảm tốc độ xả đà của tàu bay bình thường. Khi tốc độ xả đà của tàu bay đạt 80kts (khoảng 148 km/h), tổ lái ngắt chế độ phanh tự động để chuyển sang chế độ phanh điều khiển trực tiếp và đạp phanh để giảm tốc độ nhưng không thấy có tác dụng của hệ thống phanh điều khiển trực tiếp này. Ngay lập tức, tổ lái đã quyết định áp dụng quy trình phanh dự phòng tương ứng cho trường hợp này để dừng tàu bay. Tàu bay đã được dừng ở cuối đường cất hạ cánh 25R.

Trước đó, ngày 4/1, chuyến bay VN350 của Vietnam Airlines, hành trình từ TP Hồ Chí Minh đi Fukuoka (Nhật Bản), cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 0 giờ 50 phút sáng 4/1, đã phải hạ cánh ở Hồng Kông lúc 4 giờ 10 phút (giờ địa phương) vì hỏng quạt thông khí.

Theo báo cáo ban đầu của Vietnam Airlines, khi tàu bay đang bay bằng, tổ lái phát hiện có mùi khói trong buồng lái và trên màn hình cảnh báo quạt thông khí khoang vô tuyến bị hỏng, sau đó có cảnh báo  trục trặc ở hệ thống thông khí. Ngay khi sự cố xảy ra, tổ bay xử lý theo quy trình khai thác và quyết định hạ cánh xuống sân bay Hồng Kông.

Máy bay Vietnam Airlines

Nhiều sự cố xảy ra khiến máy bay của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp. Ảnh minh họa

Tại sân bay Hồng Kông nhân viên kỹ thuật của Công ty HAECO Hồng Kông do Việt Nam Airlines thuê để bảo dưỡng tàu bay tại Hồng Kông xác định nguyên nhân dẫn đến có mùi khói trong buồng lái là do hỏng quạt thông khí. Đây là sự cố mức D theo phân loại của Cục Hàng không Việt Nam.

Số vụ máy bay gặp sự cố đã giảm trong 3 tháng qua

Chiều 3/4, trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về những sự cố nêu trên, đặc biệt là chuyến bay VJ117, ông Lại Xuân Thanh cho hay, Cục Hàng không đánh giá trong vụ việc trên toàn bộ hành khách và tổ lái đều an toàn tuyệt đối, tổ lái đã thực hiện đúng quy trình an toàn. Ngoài ra, cấu trúc và các hệ thống của tàu bay đều ở trạng thái tốt, ngoại trừ phát hiện có chảy dầu thủy lực tại cụm phanh số 3 và số 4 (càng bên phải), 2 lốp số 3 & 4 của cảng bên phải phải thay thế do bị dầu thủy lực chảy vào. “Chúng tôi đã có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính vì phi công đã xử lý đúng quy trình sự cố kỹ thuật hỏng phanh tay”, ông Lại Xuân Thanh nói.  

Về công tác an toàn bay khi xảy ra hàng loạt sự cố như nêu trên, ông Lại Xuân Thanh cho hay, thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong quý I/2015, đặc biệt trong dịp Tết và các giai đoạn chuyển mùa (là giai đoạn ngành hàng không gặp khó khăn nhất trong công tác đảm bảo an toàn bay) thì công tác đảm bảo an toàn bay đã được thực hiện rất tốt. Số vụ bị sự cố kỹ thuật và tỷ trọng sự cố kỹ thuật gây chậm, hủy chuyến đều giảm hẳn.

Còn về việc những sự cố như nêu trên vẫn xảy ra, ông Lại Xuân Thanh cho hay, Cục Hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn bản lề nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không, Cục đã hợp tác với các cơ quan và tổ chức hàng không có uy tín trên thế giới để nâng mức xếp hạng cấp độ an toàn hàng không của Việt Nam. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng quản lý an toàn bắt buộc theo 4 mức từ bị động đến chủ động phòng ngừa rủi ro cũng đang được Cục Hàng không tích cực triển khai nhằm đảm bảo việc giám sát và nâng cao an toàn hàng không, ông Lại Xuân Thanh cho hay.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang