Máy bay AirAsia mất tích: Phi công kỳ cựu Việt Nam nhận định

author 16:41 29/12/2014

Phi công kỳ cựu Nguyễn Thành Trung nêu nhận định ban đầu về nguyên nhân máy bay của hãng AirAsia mất tích.

Sự kiện: Máy bay AirAsia chở 162 hành khách mất tích

Trả lời phỏng vấn PV, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200 cho rằng thời tiết xấu là nguyên nhân lớn nhất khiến chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia gặp sự cố.

- Thế giới lại nhận một tin buồn nữa về ngành hàng không trong năm 2014 khi chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia bị mất tích, ông bình luận gì về vụ việc này?

Đến nay, nhà chức trách đã chính thức công bố chiếc may bay mất tích, nhưng nguyên nhân vì sao thì vẫn chưa được làm rõ.

Các nước liên quan cũng đã triển khai các cuộc tìm kiếm với hi vọng sẽ cứu sống các hành khách và phi hành đoàn. Tôi cũng như tất cả mọi người trên thế giới, đều mong những người đi trên chuyến bay được an toàn và nhà chức trách sớm tìm ra vị trí chiếc máy bay gặp nạn.

- Có giả thiết cho rằng do thời tiết xấu nên chiếc máy bay đã gặp sự cố. Ông đánh giá thế nào?

Qua báo chí, tôi được biết, tổ bay trên chuyến bay đã xin thay đổi độ cao để tránh thời tiết xấu, nên giả thiết về việc chiếc máy bay gặp nạn do thời tiết xấu là hoàn toàn có cơ sở. Bản thân tôi cũng nghiêng về nguyên nhân này.

 

Chiếc máy bay của hãng AirAsia mất tích bí ẩn - Ảnh minh họa  

Đường bay từ Indonesia về Singapore cũng đơn giản, không có núi. Lúc máy bay xin thay đổi độ cao vì thời tiết xấu, mà đột ngột như vậy nên khả năng lớn là do thời tiết. Còn về hỏng hóc máy bay thì khó có thể xảy ra, vì nếu trụ trặc kĩ thuật thì phi công đã báo về cho kiểm soát viên không lưu.

 

- Trong khi đó, báo New Straits Times dẫn một bản tin thời tiết từ trang Weather Bug cho biết trời có nhiều sấm chớp trong đường bay của chuyến bay QZ 8501. Mức độ ảnh hưởng của việc này đến chuyến bay của hãng AirAsia thế nào?

Sấm chớp ảnh hưởng rất lớn đến an toàn chuyến bay. Trong đời phi công, tôi sợ nhất là sấm chớp, mây mưa. Không thể coi nhẹ với mây mưa được, vì nó tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm mà chúng ta không thể lường trước được.

Vào khu vực thời tiết xấu, thứ nhất sẽ gây sốc, thứ 2 sẽ hạn chế tầm nhìn, thứ ba là có thể bị sét đánh.

- Trên đường bay, khi gặp thời tiết xấu, phi công sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

Quá trình bay, phi công có radar nên sẽ phát hiện được trước trên đường bay có mây dữ hoặc không dữ. Nếu gặp mây dữ, phi công nên tránh lên cao nếu vượt qua được, hoặc tránh qua phải, tránh qua trái. Và việc tránh này phải xin phép kiểm soát không lưu, khi bộ phận này cho phép thì phi công mới được phép tránh.

Trong trường hợp của chiếc máy bay QZ 8501, nhiều khả năng khi tổ bay xin thay đổi độ cao, đã gặp yếu tố bất ngờ trong thời tiết xấu dẫn đến sự cố.

Ngày 28/12, Máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia chở 155 hành khách cùng 7 thánh viên phi hành đoàn khởi hành từ Surabaya đi Singapore đã mất liên lạc lúc 7h24 phút cùng ngày gần đảo Belitung.

Chuyến bay này dự kiến hạ cánh xuống Singapore lúc 8h30 phút ngày 28/12.

Trên chuyến bay có 149 hành khách người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia và 1 người mang quốc tịch Anh.

Phi hành đoàn gồm 6 người mang quốc tịch Indonesia, 1 người Pháp.

Sau khi xảy ra sự cố, Indonesia đã huy động 2 máy bay tuần thám, 3 trực thăng, 8 tàu cứu hộ vào cuộc tìm kiếm. Phía Singapore cũng huy động 2 máy bay vận tải quân sự, 2 tàu hải quân. Malaysia có 3 máy bay và 3 tàu hải quân hỗ trợ trong cuộc tìm kiếm này.

Một số nước khác, trong đó có Việt Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ cuộc tìm kiếm chiếc máy bay

 

 

Theo VTCnews
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang