Máy bay Airbus đạt kỷ lục số bộ phận làm từ công nghệ in 3D

author 19:36 06/05/2015

(VietQ.vn) - Mới đây hãng máy bay Airbus đã lập kỷ lục với việc cho ra đời chiếc máy bay Airbus A350 XWB với hơn 1.000 bộ phận được tạo ra từ công nghệ in 3D, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất trước đây.

Hãng máy bay Airbus thiết kế phi cơ có hơn 1.000 bộ phận được tạo ra từ công nghệ in 3D. Ghi nhận trên báo VnExpress, chiếc A350 XWB có các bộ phận được in 3D với số lượng hơn 1.000, nhiều hơn bất kỳ phương tiện nào trước đây. Đây được coi là một bước tiến lớn bởi nhờ đó, các loại vật liệu nhẹ có thể được sử dụng và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn hàng không.

Máy bay Airbus có hơn 1.000 bộ phận làm từ công nghệ in 3D

Máy bay Airbus có hơn 1.000 bộ phận làm từ công nghệ in 3D

Trong một bài phát biểu, hãng máy bay cho biết 1.000 bộ phận này được tạo ra bằng cách sử dụng hệ thống sản xuất FDM 3D của công ty Stratasys, hãng có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí sản xuất cho một chiếc máy bay. Các bộ phận của A350 XWB đã được chuyển giao hồi tháng 12 năm ngoái. Theo BBC, Airbus sẽ giám sát quy trình sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp đúng hạn cho các hãng hàng không.

Ông James Woodcock, một chuyên gia trong công nghệ in 3D cho biết, điều này sẽ mở ra một quy mô sản xuất lớn chưa từng có. Được biết trong lịch sử, việc sử dụng công nghệ in 3D đã từng được áp dụng đối với các máy bay quân sự. Đây là một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay bởi điều này có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí sản xuất.

Báo Giao Thông đưa tin, ngày 25/2, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Monash của Australia công bố đã chế tạo hai động cơ máy bay đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ in 3D. Đây là một bước đột phá mà các kỹ sư cho là sẽ mở đường tiến tới sản xuất những chiếc máy bay phản lực nhẹ hơn, giá thành rẻ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Công nghệ 3D 'in' động cơ máy bay khi mới ra mắt đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của hãng máy bay Airbus

Công nghệ 3D 'in' động cơ máy bay khi mới ra mắt đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của hãng máy bay Airbus

Các động cơ trên được chế tạo dựa trên mẫu động cơ tuốc bin khí ga của hãng chế tạo động cơ máy bay Safran của Pháp. Các nhà khoa học Australia đã tháo rời một động cơ cũ và đưa các linh kiện qua máy quét. Với ứng dụng này, động cơ và các linh phụ kiện máy bay có thể được thử nghiệm và sản xuất trong vài ngày thay vì vài tháng như trước đây.

Một động cơ máy bay ứng dụng công nghệ in 3D được trưng bày vào cuối tháng 2 vừa qua, tại Triển lãm hàng không quốc tế Australia ở Avalon. Thành tựu mới này đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn và hãng sản xuất lớn, trong đó có hai hãng khổng lồ chế tạo máy bay Boeing và Airbus.

Công nghệ in 3D được phát minh vào những năm 80 của thế kỷ trước, sử dụng các tia laser để “in” các vật thể bằng kim loại hoặc chất dẻo theo thiết kế số hóa. Theo giáo sư trường Đại học Monash Ian Smith, điểm ưu việt của công nghệ in 3D là tạo mẫu và tùy chỉnh thiết bị nhanh với chi phí thấp. Trong tương lai có thể ứng dụng công nghệ này cho các ngành khác như chế tạo kim loại, lĩnh vực y sinh học tạo các bộ phận cơ thể người.

Thùy Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang