Tiêm kích Trung Quốc điều ra Biển Đông cũng chỉ là ‘bình mới rượu cũ’?

author 11:31 25/02/2016

(VietQ.vn) - JH-7 và J-11 chỉ là những máy bay chiến đấu đời cũ được Trung Quốc mới cải tiến, tuy nhiên vẫn có khả năng đe dọa tình hình Biển Đông hiện nay.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Ngày 23/2, hãng tin Fox News của Mỹ dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này cho hay hai loại máy bay chiến đấu Trung Quốc là Thẩm Dương J-11 và tiêm kích bom Tây An JH-7 mới đây đã xuất hiện trên đường băng tại đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, một động thái có khả năng làm ‘tăng nhiệt’ tình hình Biển Đông.

Đáng chú ý, động thái này của Trung Quốc được cho là tiếp diễn hành động gây leo thang an ninh quân sự ở khu vực Biển Đông khi nước này đã tiến hành triển khai dàn tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm từ vài ngày trước đó. Đánh giá về sức mạnh của J-11 và JH-7, giới chuyên gia quân sự nhận định hai loại máy bay chiến đấu này chỉ là những tiêm kích đời cũ được Trung Quốc mới cải tiến với hỏa lực kém xa so với F-22 của Mỹ, tuy nhiên các chiến đấu cơ này vẫn có thể giúp Bắc Kinh mở rộng đáng kể tầm hoạt động và phạm vi kiểm soát quân sự trên Biển Đông.

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện thông tin Trung Quốc điều vũ khí quân sự như máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không ra Biển Đông

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện thông tin Trung Quốc điều vũ khí quân sự như máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không ra Biển Đông

Máy bay chiến đấu Tây An JH-7

Theo thông tin trên báo Ngày Nay, Tây An JH-7 là loại máy bay tiêm kích ném bom được trang bị trong lực lượng không quân thuộc hải quân Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc từng tán tụng máy bay chiến đấu JH-7 với những cải tiến gần đây được coi là khắc tinh đối với tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ - vũ khí mà Nhà Trắng đã mang đến Hàn Quốc sau vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian vừa qua.

JH-7 được trang bị công nghệ hiện đại, trang bị các tên lửa không đối không chống bức xạ tầm trung có khả năng phát hiện và bắn hạ những chiến đấu cơ tàng hình như F-22 của Mỹ. Theo một số chuyên gia quân sự Trung Quốc, máy bay chiến đấu JH-7 có bán kính tác chiến và tốc độ tương đương với tiêm kích J-11, và khi bay phối hợp với các loại tiêm kích này, nó có thể hình thành một lớp khiên phòng thủ điện tử bảo vệ chiến đấu cơ khỏi các máy bay tàng hình của đối phương.

Lợi thế của chiến đấu cơ JH-7 đó là mẫu máy bay này đơn giản và nhẹ hơn so với máy bay Su-24 hay F-111 cánh cụp cánh xòe, và rẻ hơn rất nhiều so với máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30 hiệu năng cao. Khả năng mang vũ khí cho phép nó có thể mang được từ 2 tên lửa sản xuất ở Trung Quốc YJ-82 trong nhiệm vụ tấn công trên biển.

JH-7 là mẫu máy bay tiêm kích - ném bom mới nhất và có tỷ lệ nội địa hóa cao của Trung Quốc. Tuy nhiên những chuyên gia quân sự đã nhanh chóng chỉ ra những điểm yếu của loại máy bay này, nó chỉ có tốc độ trung bình với động cơ Mk.202/WS-9, và khả năng mang vũ khí chỉ có 6,5 tấn, thấp hơn so với Sukhoi Su-24 và Su-30 (8 tấn), và General Dynamics F-111 (14 tấn).

JH-7 bắt đầu được nghiên cứu chế tạo nó từ năm 1973 nên đây được coi là điểm yếu của loại máy bay chiến đấu này với những vấn nạn về động cơ, điều khiển và vũ khí tấn công chính xác. Loạt JH-7 đầu tiên sử dụng động cơ nội địa WS-9 ra đời giữa thập niên 90 nhưng chất lượng quá kém, loại máy bay chiến đấu này được đánh giá là có mặt còn không bằng tiêm kích bom cổ xưa của Nga là Su-24.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng máy bay chiến đấu JH-7 có khả năng phát hiện và phóng tên lửa diệt  F-22

Truyền thông Trung Quốc cho rằng máy bay chiến đấu JH-7 có khả năng phát hiện và phóng tên lửa diệt  F-22

Trên thực tế, JH-7 đã gặp rất nhiều vấn đề về động cơ, điều khiển và vũ khí tấn công chính xác. Không quân Trung Quốc từng từ chối tiếp nhận một loạt tiêm kích bom JH-7 trang bị động cơ WS-9 vì chất lượng loại động cơ này quá kém, buộc nhà sản xuất phải nâng cấp lên phiên bản JH-7A trang bị động cơ RD-93 của Nga.

Tiêm kích bom Thẩm Dương J-11

Bên cạnh Tây An JH-7, Trung Quốc còn cử thêm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 Thẩm Dương J-11 - mẫu chiến đấu cơ được cải tiến dựa trên kiểu máy bay Sukhoi Su-27SK. Được biết đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị tố đưa chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm. Hồi tháng 11/2015, truyền thông Trung Quốc đăng tải những bức ảnh cho thấy loại tiêm kích thế hệ 4 này hạ cánh trên đường băng trên đảo. Tuy nhiên, giới quan sát cho hay Trung Quốc đã phải rút máy bay chiến đấu J-11 về đất liền chỉ sau một thời gian ngắn, báo VnExpress đưa tin.

Tiêm kích J-11 là vũ khí đóng vai trò chủ lực trong không quân Trung Quốc hiện nay, với hàng trăm chiếc hiện có trong biên chế. Tuy nhiên, loại tiêm kích thế hệ 4 này ngày càng đánh mất vị thế cạnh tranh so với các mẫu chiến đấu cơ của phương Tây, do nó được phát triển từ máy bay Su-27 của Nga có từ cách đây nhiều thập kỷ.

Năm 1990, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định mua 24 chiếc Su-27, loại tiêm kích tối tân nhất do Liên Xô sản xuất thời kỳ đó. Theo chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau, các lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây và những căng thẳng trong vấn đề Đài Loan là động lực để Trung Quốc đưa ra quyết định này.

Với những chiếc Su-27 có trong tay, các kỹ sư hàng không Trung Quốc thuộc Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương đã nhanh chóng nghiên cứu, bắt chước thiết kế, công nghệ để cho ra đời "hàng nhái" J-11 và biến thể J-11B nhằm thu hẹp khoảng cách về không quân đối với Đài Loan và phương Tây. Biến thể do Trung Quốc chế tạo từ Su-27SK với 70% các bộ phận do nước này tự sản xuất, với một số cải tiến so với Su-27SK nguyên bản, đó là radar, thiết bị điều khiển bay và thêm khả năng tấn công cường kích.

Radar của chiến đấu cơ J-11 được cải tiến có thể theo dõi đồng thời 10 mục tiêu. Tuy nhiên, khi chọn 1 mục tiêu trong số 10 mục tiêu theo dõi để tấn công, radar nguyên bản sẽ mất tất cả 9 mục tiêu theo dõi còn lại, và phải khởi động lại một quá trình theo dõi khác sau khi tấn công. Thiết bị điều khiển bay được trang bị tổng cộng 2 màn hình hiển thị.

Máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc vốn là ‘hàng nhái’ từ mẫu tiêm kích Su-27 của Liên Xô

Máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc vốn là ‘hàng nhái’ từ mẫu tiêm kích Su-27 của Liên Xô

Cho dù được bổ sung thêm khả năng tấn công cường kích, J-11 vẫn không có khả năng cường kích đầy đủ như các mẫu máy bay chiến đấu mới, vì sự hạn chế của radar, các tên lửa không đối đất dẫn hướng bằng radar không thể lắp đặt trên máy bay này. Bên cạnh đó J-11 nội địa vẫn còn mang nhiều lỗi đến mức từng có thời gian ngay cả lực lượng không quân và không quân hải quân của Trung Quốc cũng đã 2 lần từ chối trang bị.

Dù là ‘hàng nhái’ vẫn phải coi chừng!

Theo các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế, với việc đưa J-11 xuống Hoàng Sa, không quân Trung Quốc có thể kéo dài phạm vi hoạt động của mình thêm 1.000 km xuống phía Nam, và nếu tàu sân bay Liêu Ninh được triển khai ở vùng biển này, máy bay chiến đấu Trung Quốc hoàn toàn có thể hoạt động trên khắp Biển Đông và mở rộng phạm vi kiểm soát quân sự trên vùng biển này.

Đặc biệt, tiêm kích J-11 và tiêm kích bom JH-7 kết hợp với các giàn tên lửa HQ-9 có thể hình thành nên những lớp chiến đấu đan xen nhau xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ cửa ngõ phía Nam của các căn cứ hải quân và tàu ngầm trên đảo Hải Nam cũng như một vùng biển rộng lớn ở phía Bắc quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, báo VnExpress dẫn lời chuyên gia quân sự David Tsui thuộc Đại học Tôn Dật Tiên, Đài Loan, cho rằng tiêm kích J-11 chỉ đủ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, không có những khả năng tối tân để có thể phát động các cuộc không kích hoặc tấn công đường không trên Biển Đông. "Trung Quốc nhận ra rằng đối thủ chính của họ là Mỹ, nước rất có thể sẽ lập tức tham gia vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ nếu quân đội Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng trên Biển Đông", Tsui nói.

"Các loại máy bay chiến đấu này chỉ có thể đóng vai trò hạn chế trên Biển Đông, và chủ yếu là thực hiện chức năng phòng thủ, bởi chúng đều là những mẫu phi cơ khá lạc hậu, khó có thể đọ sức với những tiêm kích tàng hình hiện đại của không quân Mỹ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Tsui nhấn mạnh.

Thanh Huyền (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang