Máy bay Malaysia mất tích bị không tặc đưa đi đâu?

author 10:11 16/03/2014

Truyền thông quốc tế và giới chức Malaysia lần lượt đưa ra những dự đoán rằng chiếc máy bay chở 239 người của Hãng hàng không Malaysia Airlines có thể bị không tặc khống chế hoặc đã hết nhiên liệu sau nhiều giờ bay về phía Ấn Độ Dương và đã rơi xuống vùng biển này.

Sự kiện:

Theo Reuters, các nhà phân tích dùng dữ liệu rađa và những tín hiệu vệ tinh thu được để ước tính rằng chiếc máy bay đã chuyển hướng về hướng tây, băng ngang bán đảo Malay và bay theo hướng tây bắc hướng đến vịnh Bengal hoặc theo hướng tây nam để vào Ấn Độ Dương.

Có người vô hiệu hóa hệ thống liên lạc

Mỹ triển khai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Kidd đến Ấn Độ Dương để tham gia tìm kiếm. Ông V.S.R. Murthy, chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ, cho biết hải quân nước này đã đưa gần 10 tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay tuần tra và máy bay trực thăng càn khắp quần đảo Andaman và vịnh Bengal để tìm kiếm chiếc MH370 trong ba ngày qua. Song vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào của chiếc máy bay.

Trong cuộc họp báo tại khách sạn Sama-Sama ở Kuala Lumpur sáng 15-3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak lần đầu tiên xác nhận chiếc máy bay xuất hiện trên rađa của không quân hoàng gia Malaysia chính là chiếc MH370 và nó đã đi chệch với hướng bay ban đầu từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.

Ông Najib cho rằng có bằng chứng cho thấy ai đó đã tác động “có chủ ý” để chiếc MH370 chuyển hướng.

Các nhà điều tra đang tập trung vào phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay. Song ông vẫn để ngỏ khả năng chiếc máy bay bị không tặc.

Từ các dữ liệu mới này, Malaysia đang nghiêng về giả thiết hệ thống báo cáo và xử lý thông tin liên lạc máy bay (ACARS) của chiếc MH370 đã bị vô hiệu hóa chỉ trước khi nó đến bờ biển phía đông của Malaysia.

Rất nhanh sau đó, hệ thống tiếp sóng của chiếc máy bay đã bị tắt ở khu vực gần tiếp giáp giữa vùng thông báo bay của Malaysia và Việt Nam.

Từ điểm này trở đi, dữ liệu trên rađa của quân đội Malaysia cho thấy chiếc máy bay đã quay đầu về hướng tây bán đảo Malay, trước khi chuyển sang hướng tây bắc.

“Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi vẫn đang điều tra mọi khả năng xem điều gì đã khiến chiếc MH370 đi chệch hướng bay ban đầu của nó. Căn cứ trên các dữ liệu vệ tinh, chúng tôi có thể xác nhận chiếc máy bay xuất hiện trên rađa của không quân hoàng gia Malaysia chính là chiếc MH370” - báo The Star dẫn lời ông Najib cho biết.

Chiếc MH370 đã kết nối thông tin với vệ tinh lần cuối cùng vào khoảng 8g11 ngày 8-3 giờ Malaysia (khoảng 7g11 giờ Việt Nam).

Một quan chức giấu tên trong Chính phủ Malaysia khẳng định các nhà điều tra kết luận một trong các phi công hoặc một ai đó có kinh nghiệm bay đã cướp máy bay.

Máy bay thay đổi độ cao nhiều lần

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ am hiểu cuộc điều tra cho biết chiếc MH370 đã nhiều lần thay đổi độ cao sau khi mất liên lạc và chuyển hướng về phía tây Malaysia. “Chiếc máy bay đã bay theo một lộ trình lạ lùng” - quan chức trên cho biết.

Rađa của quân đội Malaysia ghi nhận chiếc máy bay đã nâng độ cao lên 45.000 feet (khoảng 13,7km) ngay sau khi biến mất khỏi màn hình rađa dân sự, sau đó hạ xuống khoảng 7km, rồi lại bay cao lên. Những bằng chứng này củng cố giả thiết rằng đã có sự can thiệp của con người vào đường đi của chiếc máy bay lúc đó.

“Tuy nhiên, kết luận cuối cùng về chiếc máy bay mất tích vẫn chưa được đưa ra” - quan chức trên nói.

Các nhà điều tra cũng căn cứ vào thông tin trước đó của phía Mỹ cho biết hệ thống báo cáo thông tin tự động trên máy bay đã phát ra những tiếng “ping” lên các vệ tinh của Công ty viễn thông vệ tinh Inmarsat của Anh.

Những tiếng “ping” này vẫn phát ra sau vài giờ chiếc máy bay mất liên lạc với trạm không lưu dân sự ở bờ biển phía đông của Malaysia.

Theo CNN, các nhà điều tra đang xem xét liệu có khả năng có chuyện thảm khốc đã xảy ra trên chiếc máy bay hay không. Bởi những tiếng “ping” đã không còn phát ra từ chiếc máy bay sau khi nó biến mất khỏi màn hình rađa quân sự vài giờ.

Một điều tra khác của Mỹ cho biết những tiếng “ping” đã tắt ở một điểm trên Ấn Độ Dương, lúc đó chiếc MH370 đang bay ở độ cao bình thường.

Xác định hai hành lang

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã công bố hai hành lang mà máy bay mất tích MH370 có thể đã bay tới và Malaysia đang dồn lực để tìm kiếm ở hai hành lang này.

Cơ quan hàng không dân dụng Malaysia và các chuyên gia hàng không quốc tế khẳng định hai hành lang đó là: hành lang phía bắc kéo dài từ khoảng biên giới Kazakhstan và Turkmenistan đến miền bắc Thái Lan, còn hành lang phía nam kéo dài từ Indonesia đến nam Ấn Độ Dương.

“Các dữ liệu vệ tinh cho thấy lần liên lạc cuối cùng của chiếc MH370 với vệ tinh là nó đang ở một trong hai hành lang này. Theo dữ liệu của vệ tinh nhận được, chúng tôi chưa thể khẳng định chính xác vị trí của chiếc máy bay sau khi mất liên lạc với vệ tinh” - ông Najib cho biết.

Các nhóm điều tra đang tiếp tục xử lý thông tin để biết được chiếc máy bay đã bay thêm bao xa. Malaysia cũng đã công bố hình ảnh đồ họa cho thấy khu vực máy bay MH370 có thể bay tới. Các nhà điều tra xác định máy bay đã đi qua các điểm dẫn đường hàng không Igari, Vampi, Gival, Igrex, theo đường P628 đi qua quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương.

Sơ đồ phác họa đường đi của chiếc MH370 tương thích với nhận định trước đó của giới chuyên gia rằng một ai đó rất rành về kỹ thuật bay Boeing 777 đã tác động có chủ ý để máy bay chuyển hướng, không loại trừ khả năng là một trong các phi công.

Cũng chính người này đã tắt hệ thống thông tin liên lạc ngay sau khi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình rađa.

Bị không tặc hay rơi xuống Ấn Độ Dương?

Hãng AP ngày 15-3 đưa tin các nhà điều tra Malaysia đưa ra kết luận chiếc máy bay mất tích MH370 đã bị không tặc. Một quan chức Chính phủ Malaysia cho biết các điều tra viên kết luận MH370 bị chính phi công hoặc ai đó thành thạo lái máy bay bắt cóc. Ông khẳng định “cướp máy bay” giờ đây không còn là giả thiết nữa.

Các nguồn tin am hiểu cuộc điều tra cho biết các nhà điều tra đang củng cố giả thiết trên, bởi các chứng cứ đều cho thấy chiếc máy bay đã bay ngang bán đảo Malay, hướng về phía quần đảo Andaman và vịnh Bengal.

Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 14-3 cho biết giới chức Malaysia không loại trừ khả năng một trong hai phi công có liên quan tới vụ máy bay biến mất.

Bằng chứng chiếc máy bay bay tiếp khoảng bốn giờ mà không liên lạc gì với mặt đất đã khiến các nhà điều tra chuyển hướng sang tìm hiểu hồ sơ của các phi công, cơ trưởng 53 tuổi Zaharie Ahmad Shah và cơ phó 27 tuổi Fariq Abdul Hamid.

“Đó phải là một phi công thạo nghề và đang còn hành nghề” - AFP dẫn lời một quan chức Malaysia giấu tên cho biết.

Các nhà điều tra cũng cho biết thêm những loạt xung động điện tử thu được từ chiếc máy bay mất tích cũng cho thấy nó có thể đã hết nhiên liệu và rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi bay hàng nghìn kilômet về hướng tây.

Một nguồn tin khác nói rằng còn một khả năng là chiếc máy bay đã bay thẳng về hướng Ấn Độ, nhưng khả năng này rất thấp.

Song một số chuyên gia hàng không nhận định việc đáp một chiếc máy bay khổng lồ và giấu nó ở một địa điểm nào đó là chuyện không dễ làm.

Ở khu vực đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, chỉ có sân bay quốc tế ở thành phố Port Blair mới có đường băng tương thích với máy bay Boeing 777. Tuy nhiên, vùng này là vùng quân sự của Ấn Độ nên những kẻ không tặc không thể lẩn trốn.

“Không có cơ hội như thế và cũng không có chiếc máy bay nào khổng lồ như thế có thể đáp ở các đảo Andaman và Nicobar” - Denis Giles, biên tập báo Andaman Chronicle, cho biết.

Thất vọng!
“Thất vọng” là từ mà các đồng nghiệp ở Sepang (Malaysia) mô tả với Tuổi Trẻ tối 15-3. Họ cho biết việc nhà chức trách Malaysia đột ngột hủy bỏ cuộc họp báo ấn định lúc 17g30 với lý do “không có gì để cập nhật thêm” là sự né tránh giới truyền thông, bởi các nhà báo hoàn toàn chưa thỏa mãn với những gì mà Thủ tướng Malaysia Najib Razak đọc bản thông cáo viết sẵn vài giờ trước đó và từ chối trả lời mọi câu hỏi của phóng viên.
Chính vì thiếu sự hồi đáp kịp thời của giới chức có trách nhiệm nên giới truyền thông lại tiếp tục rơi vào “mê hồn trận” của những lời đồn đoán và những nguồn tin thiếu sự xác nhận chính thức hoặc công khai tên. Đặc phái viên BBC Jonah Fisher chiều qua thậm chí cung cấp thông tin một quan chức Malaysia giấu tên cho biết chiếc máy bay MH370 có thể rơi gần biên giới Trung Quốc và Kyrgyzstan!
Phóng viên Đài ABC (Úc) Stephen McDonell nói: “Cho dù thủ tướng (Malaysia) né tránh nói rằng chuyến bay đã bị không tặc nhưng thật khó để nghĩ khác đi về việc can thiệp có chủ ý của các thiết bị thông tin liên lạc (trên máy bay)”.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ tối 15-3, nhà làm phim kiêm nhà báo Jules Ong (Malaysia) bày tỏ: “Quả là cũng tốt khi họ (giới chức Malaysia) tiết lộ thông tin (về việc MH370 quay ngược lại đường bay và đi theo hướng tây ra Ấn Độ Dương - PV). Nhưng tôi tự hỏi họ đã biết điều này từ bao giờ và có cần phải mất cả một tuần kiểm tra dữ liệu từ vệ tinh để xác nhận điều này hay không!”.
Anh Donald Lim, tài xế taxi ở thủ đô Kuala Lumpur, nói với Tuổi Trẻ: “Suốt tuần qua chúng ta đã có quá nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh việc tìm kiếm máy bay. Điều quan trọng bây giờ là sau khi đã xác định nguyên nhân chính xác cho việc mất tích thì chúng ta phải cố gắng tìm ra chiếc máy bay cũng như hi vọng cứu được những hành khách nếu còn sống. Người dân Malaysia chúng tôi vẫn mong các hành khách vẫn còn an toàn”

 

 

Theo TT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang