Vũ khí 'chim ưng biển' của Mỹ diệt mục tiêu thần tốc ở mọi địa hình

author 21:30 24/08/2017

(VietQ.vn) - Máy bay V-22 Osprey là vũ khí đặc biệt của Mỹ có động cơ có thể xoay một góc 90 độ giúp nó cất cánh thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi như một máy bay phản lực.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Máy bay V-22 Osprey được mệnh danh là “chim ưng biển” được phát triển từ năm 1983 với mục đích tạo ra chiếc máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp, từ trong rừng rậm cho đến các đường băng dã chiến cực ngắn và các tàu sân bay trực thăng nhỏ.

Với hệ thống động cơ và trang thiết bị phức tạp, cùng quá trình nghiên cứu và phát triển đắt đỏ, mỗi chiếc máy bay V-22 Osprey có giá lên đến gần 100 triệu USD, và Lầu Năm Góc đã chi tới 56 tỷ USD cho toàn bộ chương trình phát triển, chế tạo chiếc máy bay đặc biệt này.

Về thiết kế, máy bay V-22 Osprey có chiều dài 17,5 m, chiều rộng (cả cánh) 25,8 m, trọng lượng cất cánh tối đa 27,4 tấn, tầm hoạt động 1.600 km. Chiếc máy bay lai này có thể chở theo 24 binh sĩ và 9 tấn hàng hóa, khí tài quân sự.

Máy bay V-22 Osprey. Ảnh: VnExpress

Máy bay V-22 Osprey. Ảnh: VnExpress 

Điểm đặc biệt của máy bay V-22 Osprey là nó có động cơ có thể xoay một góc 90 độ để vừa có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi trên không trung như một máy bay động cơ cánh quạt thông thường.

Nhờ trang bị hai động cơ АЕ1107С Liberty có công suất 6.150 mã lực, V-22 Osprey có thể đạt vận tốc tối đa 510 km/h ở chế độ phản lực, 184 km/h ở chế độ trực thăng.

Một ưu điểm khác tạo nên độ cơ động của máy bay V-22 Osprey là có thể chuyển đổi chế độ bay từ trực thăng sang phản lực cánh quạt chỉ trong 16 giây. Thêm nữa, hai cánh quạt có thể gấp lại gọn gàng, giúp thuận tiện trong việc bảo quản. Với tốc độ nhanh và khả năng cơ động cao, V-22 Osprey được xem là loại máy bay phù hợp để triển khai bộ binh cũng như tham gia tấn công ở nhiều chiến trường khác nhau.

Ngoài ra, với khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn cùng độ linh hoạt khi có thể cất và hạ cánh ở nhiều loại địa hình phức tạp, V-22 Osprey còn được lục quân Mỹ thường xuyên sử dụng trong các chiến dịch cứu hộ-cứu nạn đặc biệt. V-22 Osprey có thể bay là là trên mặt biển, hoặc các khu vực bị chia cắt để viện trợ hàng hóa cũng như tìm kiếm nạn nhân, đồng thời có thể tăng tốc để ứng cứu khẩn cấp khi nhận được thông tin của sở chỉ huy mặt đất. V-22 Osprey có khả năng gấp gọn 2 cánh quạt nên là loại máy bay tiết kiệm diện tích bậc nhất trên các tàu sân bay.

Máy bay V-22 Osprey có thể cất cánh thẳng đứng ngoạn mục. Ảnh: Zing News

Máy bay V-22 Osprey có thể cất cánh thẳng đứng ngoạn mục. Ảnh: Zing News

Thân máy bay được gắn nhiều loại cảm biến khác nhau để cảnh báo cho phi công trong các trường hợp có sự cố bên ngoài. Bên trong khoang lái là hệ thống bản đồ điện tử thời gian thực, phần mềm cảnh báo tên lửa, radar cũng như hệ thống gây nhiễu đối phương.

V-22 được trang bị súng máy M240, súng nòng xoay đạn 7.62mm và một tháp pháo gắn phía bụng. V-22 có khả năng tự động xoay cánh quạt và dùng lực nâng của 2 cánh chính để hạ cánh an toàn như máy bay phản lực thông thường trong khi các trực thăng khác vẫn phải quay cánh quạt với công suất thấp trong lúc hạ cánh.

Với thế mạnh của mình, mỗi giờ bay V-22 tiêu tốn của quân đội Mỹ 10.000 USD trong khi Sea Knight chỉ mất 4.600 USD mỗi giờ. Dù nhận nhiều lời chỉ trích cũng như có giá không hề rẻ nhưng V-22 được các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Canada đặt hàng để trang bị cho quân đội của họ.

Tuy có nhiều điểm mạnh như vậy nhưng trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm trong giai đoạn 1991 - 2000, V-22 Osprey chịu nhiều tai nạn khác nhau, làm 30 người thiệt mạng. Rủi ro đi kèm với thế mạnh khiến V-22 Osprey trở thành loại khí tài tốn nhiều giấy mực với các nhận xét khác nhau của các chuyên gia quân sự.

Vấn đề đầu tiên là các cánh quạt khép quá sát sườn trong lúc chuyển hướng bay, khiến nó mất thăng bằng và dễ bị lật. Hiện các phi công được đào tạo để tránh tình huống này.

Một vấn đề nữa của V-22 là hệ thống dẫn chất lỏng bằng titan có thể cọ sát vào các dây khác, gây cháy nổ. Đây chính là nguyên nhân của vụ tai nạn năm 2000 khiến 5 lính thủy đánh bộ thiệt mạng. Hiện vấn đề được khắc phục bằng cách cố định các đường ống titan trong khoang.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang