Máy in 3D tạo mô hình chuỗi protein hỗ trợ điều trị ung thư

author 16:15 30/08/2015

(VietQ.vn) - Nhờ công nghệ in 3D, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã tạo ra mô hình các chuỗi protein nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu phương thức chữa trị bệnh ung thư, giúp các bác sĩ gia tăng chất lượng điều trị.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nhờ công nghệ in 3D, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã tạo ra mô hình các chuỗi protein, thành phần thiết yếu của quá trình nhân đôi ADN, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu phương thức chữa trị bệnh ung thư, giúp các bác sĩ gia tăng chất lượng điều trị. 

Nhờ vào máy in 3D lớn, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các mô hình cấu trúc protein dựa trên các hình ảnh có độ phân giải cao. Từ các mô hình cấu trúc protein này, các nhà nghiên cứu đã thấy được cách thức các thành phần protein siêu nhỏ tập hợp và tạo ra bộ máy sao chép của tế bào và cũng từ đó, các nhà khoa học phát hiện ra nếu protein Cdc6 không tham gia vào quá trình hình thành "bộ máy" sao chép thì "bộ máy" này không hoạt động và quá trình sao chép ADN cũng dừng lại. 

Các nhà khoa học khẳng định phát hiện này sẽ giúp cải thiện các phương pháp chữa trị ung thư hiện có. Hiện nay các phương pháp chữa trị chủ yếu nhằm vào việc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách phá hủy ADN của chúng, báo Vietnamplus đưa tin. 

Nhờ công nghệ in 3D, các bác sĩ có thể gia tăng chất lượng điều trị ung thư

Nhờ công nghệ in 3D, các bác sĩ có thể gia tăng chất lượng điều trị ung thư. Ảnh minh họa

Trước đây, năm 2014, một nhóm các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác in mô hình 3D về khối u ung thư, cung cấp thông tin chi tiết về môi trường của khối u và từ đó giúp các nhà khoa học tìm ra cách điều trị hiệu quả nhất.

Một nhóm các nhà nghiên cứu nói trên, đến từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Drexel (Mỹ), đã tạo ra mô hình mẫu của cấu trúc lưới có diện tích 1 cm2, làm từ gelatine, alginate và fibrin để tái tạo các protein xơ, vốn cấu thành ma trận ngoại bào của một khối u, theo thông tin từ báo Thanh Niên. 

Cấu trúc lưới này được bao phủ bằng tế bào Hela, tức một dòng tế bào “bất tử” độc nhất vô nhị, lấy từ một bệnh nhân ung thư cổ tử cung vào 1951. Nhờ vào khả năng phân bào vô hạn của những tế bào trên, đây là dòng tế bào góp phần vào một số công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá trong vòng 50 năm qua.

Và mô hình 3D chứa những đặc điểm tương đồng hơn như trong trường hợp khối u thực sự, so với các mẫu 2D, cũng như kháng cự mạnh hơn đối với thuốc chống ung thư, từ đó hứa hẹn sẽ giúp cải thiện quy trình điều chế thuốc.

Hà Chi


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang