Mẹ đã biết vì sao con uống thuốc cam bị ngộ độc?

author 11:41 15/08/2017

(VietQ.vn) - Thời gian qua đã không ít trẻ em bị ngộ độc do uống thuốc cam tuy nhiên nguyên nhân của nó thì không phải bà mẹ nào cũng biết.

Theo thống kê của khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6, đã có 8 trường hợp trẻ nhập viện với những biểu hiện rối loạn nặng về thần kinh và tiêu hóa do sử dụng thuốc cam. Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam do sự thiếu hiểu biết của người lớn.

Tương tự, theo bác sĩ Dương Văn Linh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thời gian gần đây, khoa liên tiếp tiếp nhận các ca ngộ độc do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Nhiều trẻ em đã bị ngộ độc thuốc cam phải nhập viện trong thời gian qua. Ảnh: Lao động

Nhiều trẻ em đã bị ngộ độc thuốc cam phải nhập viện trong thời gian qua. Ảnh: Lao động 

Thuốc cam là một loại thuốc đông y có thành phần từ rất nhiều những cây thuốc nam và dược liệu kết hợp, vốn từ xưa đã được các bà các mẹ rỉ tai nhau là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân. Thậm chí ở một số vùng nông thôn, thuốc cam còn được quảng cáo như một loại “thuốc tiên” có thể chữa được bách bệnh: Lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy… cho trẻ em. Tuy nhiên, thuốc cam không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng ẩn chứa nhiều kim loại nặng. Nếu nhiễm một trong những kim loại này có thể gây tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh, di chứng tới não, thậm chí là tử vong. 

Thuốc cam nhiễm chì có thể làm ảnh hưởng tới thần kinh

Theo thống kê của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ 2011-2016, trong số gần 2.800 trẻ em đến khám tại trung tâm nghi ngộ độc chì, có gần 900 em có chì máu cao hơn ngưỡng an toàn của VN (trên 10 mcg/dL), trong số này đã có 2 trẻ em tử vong. Tất nhiên, những cháu còn lại cũng chịu ảnh hưởng tới thần kinh, tim mạch, gan thận… do lượng chì trong máu tồn dư lâu dài.

 
Theo các bác sĩ, để đề phòng ngộ độc chì, thủy ngân hay asen ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi. Nếu có, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng.
 

Trước đó, vào đầu năm 2012, Viện Hóa học đã kiểm tra 500 mẫu sản phẩm “thuốc cam” và bệnh phẩm thì có 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao (đặc biệt có mẫu 85% chì). Mặc dù không hề được đăng ký kiểm định, cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng những loại thuốc cam này vẫn trôi nổi trên thị trường và được rất nhiều bà mẹ mua dùng cho con.

Tuy nhiên, chì không phải là nguyên nhân duy nhất có thể gây ngộ độc cấp tính, hay ngộ độc mạn tính ở trẻ khi sử dụng các loại thuốc thảo dược không chuẩn hóa. Sau đây là một số “thủ phạm giấu mặt” khác có trong thảo dược không chuẩn hóa.

Thuốc cam có khả năng nhiễm kim loại nặng gây tử vong

Thuốc cam có khả năng nhiễm nhiều kim loại nặng. Ảnh: Vietnamnet

Thuốc cam có khả năng nhiễm nhiều kim loại nặng. Ảnh: Vietnamnet 

Qua phân tích và thu mẫu nhiều loại thảo dược đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, các chuyên gia phát hiện nhiều kim loại nặng khác nhau như  thủy ngân, asen. Đây đều là những độc tố có thể gây độc cấp tính trên trẻ nếu hàm lượng quá cao. Biểu hiện ngộ độc cấp tính kim loại nặng là kích thích thần kinh, cơn co giật, suy gan, suy thận… thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Nếu hàm lượng kim loại nặng không đủ gây ngộ độc cấp tính, chúng vẫn có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng vĩnh viễn tới sự phát triển hệ thần kinh của trẻ, tới chức năng bình thường của gan thận, và gây ra các bệnh lý tim mạch khi trẻ lớn lên. 

Độc tố nấm mốc gây dị ứng

Nấm mốc làm giảm chất lượng dược liệu, tiết men phân huỷ hoạt chất trong dược liệu, tiết các độc tố (mycotoxin) đặc biệt là các aflatoxin trong dược liệu. Nấm mốc và độc tố nấm gây bệnh nấm như viêm giác mạc, viêm màng trong tim… gây bệnh dị ứng do tiếp xúc bào tử nấm, bệnh độc tố nấm do ăn, uống phải mycotoxin (ngộ độc, nhiễm độc, tổn thương gan, ung thư gan). Các loại dược liệu nếu không có quy trình nghiêm ngặt từ khâu thu hái, chế biến, bảo quản, đều rơi vào tình trạng nhiễm loại độc tố này.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang