Mê Linh (Hà Nội): Điển hình ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng hoa thương phẩm

author 06:30 20/02/2018

(VietQ.vn) - Những ứng dụng KH&CN nhằm tăng năng suất và chất lượng hoa như trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng phân hữu cơ... đã được người dân Mê Linh (Hà Nội) áp dụng đem lại hiệu quả cao.

Với nghề trồng hoa truyền thống 30 năm, Mê Linh nổi tiếng khắp trong và ngoài Hà Nội bởi sự đa dạng của các loại hoa nhiều màu sắc và độ bền hoa cắt dài ngày. Vì là nghề truyền thống, nên trồng hoa được bà con nông dân sản xuất quanh năm nhưng cứ vào mỗi dịp Tết đến xuân về, không khí nơi đây thường nhộn nhịp, tấp nập hơn thường lệ.

Bà Nguyễn Thị Kim, nông dân trồng hoa ở xã Mê Linh cho biết, so với nghề trồng lúa thì trồng hoa cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần nhưng rất vất vả vì ngày nào cũng phải ra ruộng để chăm sóc, nhất là trong hoàn cảnh thời tiết có nhiều bất lợi như năm nay. Nhưng bù lại, năm nay nghề trồng hoa tuy mất mùa nhưng được giá nên giá hoa bán được cao hơn năm trước. Gia đình bà Kim ngoài trồng 3 sào hồng còn trồng 2 sào cúc và một sào ly, tổng thu nhập cho khoảng 200 triệu.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, hiện huyện Mê Linh có khoảng 430 ha diện tích canh tác hoa, đã hình thành vùng chuyên canh hoa quy mô 20 ha trở lên, tập trung ở các xã Mê Linh 200 ha, Đại Thịnh 90 ha, Văn Khê 107 ha...

Hàng năm, Mê Linh cung cấp khoảng 295 triệu cành hoa, gồm các loại hoa hồng (hồng Pháp, Ý, tỷ muội, hồng thơm...), cúc (cúc vàng, cúc pha lê, cúc tiger), loa kèn, lyly (hoa ly đỏ, vàng, đỏ đậm)... cho người tiêu dùng ở Hà Nội và khắp các vùng miền của đất nước. Không những thế nghề trồng hoa ở Mê Linh đã tạo được thương hiệu của mình ở ngoài biên giới Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan…

Cùng với việc triển khai trồng các loại hoa chất lượng cao, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được nông dân ứng dụng vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng hoa như: Trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng phân hữu cơ đặc biệt là đậu tương ngâm để tăng độ bền cây và bông hoa... Bên cạnh đó, việc trồng hoa lấy bông, các mô hình trồng hoa thảm, hoa chậu... cũng dần được phát triển.

Để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất và bảo đảm năng suất, hàng năm UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn sản xuất hoa theo chương trình IPM giúp người nông dân có những kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên hoa. Đồng thời, để tăng năng suất cũng như độ bền cây và bông hoa, người dân sử dụng các loại phân bón thông thường, phân chuyên dùng cho hoa, bên cạnh đó không thể thiếu các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh và đậu tương ngâm.

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng hoa chất lượng cao ở Mê Linh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Cổng TTĐT Hà Nội 

Đặc biệt, để bảo quản hoa, hiện nay trên địa bàn huyện đã có khoảng 168 nhà lạnh tập trung ở xã Mê Linh, diện tích từ 25m3- 40m3, bảo quản được khoảng 20.000 - 30.000 bông/nhà. Hoa được bảo quản bằng kho lạnh đạt khoảng 40% - 50% sản lượng hoa trên địa bàn huyện. Khoảng 50% - 70% lượng hoa còn lại được bà con đưa đi tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch.

Nhờ nghề trồng hoa lâu năm với giàu kinh nghiệm của nông dân trong vùng, nhất là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương. Điển hình như việc trồng hoa hồng, với tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu đồng/ha/năm sẽ cho lợi nhuận khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm.

Lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Hoặc hoa đồng tiền, nếu người dân bỏ tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu đồng/ha/năm, sẽ cho lợi nhuận khoảng 900-950 triệu đồng/ha/năm. Con số này cao gấp 22 lần so với trồng lúa. Đặc biệt là trồng hoa hồng thế, với tổng mức đầu tư khoảng 1,9 – 2 tỷ đồng/ha/năm, sẽ  cho lợi nhuận khoảng 3,5-3,7 tỷ triệu đồng/ha/năm. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao tuy nhiên cũng cần phải đầu tư lớn và yêu cầu kỹ thuật cao.

Với hiệu quả kinh tế cao và phát huy lợi thế của vùng trồng hoa truyền thống, theo Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục quan tâm chuyển đổi cơ cấu giống hoa. Trong đó chú trọng phát triển các loại hoa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu ở địa phương. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn cho nông dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất hoa.

Bên cạnh đó sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất như: Đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, điện, nước để phục vụ sản xuất. Đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản hoa sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng hoa cũng như xây dựng thương hiệu hoa Mê Linh để giúp người dân thuận lợi trong tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và yên tâm phát triển sản xuất.

Bảo Bình

 
Thái Nguyên: Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để tăng năng suất sản phẩm nông nghiệp(VietQ.vn) - Trong năm 2017, Sở KH&CN Thái Nguyên đã tăng cường chỉ đạo triển khai ứng dụng KH&CN để tăng năng suất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang