Mẹo giúp cả nhà dễ dàng mua được rau hữu cơ

author 07:20 08/05/2016

Chưa bao giờ người tiêu dùng quan tâm đến rau củ đạt chứng nhận Organic ( hữu cơ) nhiều như hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị kinh doanh rau hữu cơ chất lượng cao là không ít cơ sở kinh doanh “ăn theo” quảng cáo thực phẩm hữu cơ bán giá ngất ngưởng khiến không ít người phải trả tiền cao cho sản phẩm được trồng, nuôi theo phương pháp thông thường.

Rau “được trồng theo hướng hữu cơ”

Nếu đến Phiên chợ xanh tử tế do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TP.HCM vừa qua, chúng ta mới hiểu được người tiêu dùng “khát khao” rau củ quả sạch đến thế nào.

Công ty Việt Tâm, đơn vị chuyên cung cấp rau quả hữu cơ ở khu vực chợ Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) cho biết công ty luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Dù giá rau cao hơn rau bình thường nhiều nhưng đa phần người tiêu dùng đều chấp nhận, không phàn nàn về giá miễn là hàng chất lượng cao, đáng tin cậy.

Chính vì nhu cầu cao nên thị trường hiện nay khá bát nháo về tình trạng cung ứng rau củ hữu cơ. Tại TP.HCM vẫn còn khá ít điểm bán rau củ hữu cơ đúng chuẩn trong khi có nhiều nơi lại nhập nhèm với rau củ thường bán giá cao gấp 5 - 10 lần giá rau bình thường.

Tại một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), chúng tôi thật sự hoang mang trước lời giới thiệu “trồng đạt chuẩn VietGap nhưng theo hướng hữu cơ đảm bảo chất lượng, tốt cho sức khỏe”. Giá các sản phẩm này khá cao, chẳng hạn đậu cô ve Nhật 40.000 kg đồng/kg, bông cải 75.000 đồng/kg, mồng tơi 55.000 đồng/kg, rau dền 50.000 đồng/kg...

Một cửa hàng bán rau hữu cơ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) cũng bán nhiều loại như măng tây, nấm linh chi trắng, cà chua… với giá cao gấp 4 - 5 lần so với sản phẩm thường, trong khi tem dán trên khay cà chua, xà lách ghi tên cửa hàng, tiêu chuẩn là G.A.P và số điện thoại hotline, chứ không hề có thông tin gì về rau hữu cơ.

Ảnh minh họa

Đến một cửa hàng ở Q.2, TP.HCM - nơi chính thức phân phối rau hữu cơ do một đơn vị ở Đà Lạt chuyên sản xuất, chúng tôi được biết chủng loại rau hữu cơ dù có nhiều (trên 150 loại) nhưng hiện tại có khoảng 10 loại được bày bán.

Nhân viên cho biết, thời điểm nhiều hàng nhất cũng chỉ có trên 20 loại rau hữu cơ chứ không có đủ hết các chủng loại. Có lúc có nhiều loại rau hữu cơ bị “đứt hàng” do rơi vào thời điểm nhiều sâu bệnh, trồng không hiệu quả. Một chuyên gia sản xuất và kinh doanh rau củ hữu cơ cho biết, ở những nơi quảng cáo, chào bán đủ chủng loại rau hữu cơ thì khả năng rau bị trà trộn là rất cao.

Bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp, rau hữu cơ còn được rao bán qua mạng theo phương thức đặt hàng online hoặc gọi điện thoại, giao hàng tận nơi. Một số trang web quảng cáo chuyên cung cấp nông sản sạch các loại, ngoài rau VietGap, GlobalGap còn bán rau hữu cơ với giá cao ngất ngưởng như: cà chua, xà lách hữu cơ giá đến 70.000, 150.000 đồng/kg.

Củ dền có giá hơn 80.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với giá củ dền bán ngoài thị trường… Thắc mắc về giá cao thì chúng tôi được nghe giải thích như sau “rau được trồng trong nhà kính, không dùng chất hóa học, thời gian thu hoạch lâu gấp 3 lần loại rau thông thường nên năng suất thấp, giá cao mới đủ bù chi phí đầu tư”.

Nhưng đáng nói, theo quy định rau hữu cơ phải được chứng nhận nhãn hữu cơ trên sản phẩm thì những nơi này đều cho biết rau được đóng gói trọng lượng 300 - 500 gr trong bao bì ni lông không nhãn để tiết giảm chi phí nhưng cam kết “bảo đảm là rau hữu cơ và có đủ các loại, chỉ tính riêng xà lách đã có trên 10 loại xà lách hữu cơ (!?).

Có bao nhiêu lựa chọn ?

Theo các cơ quan chức năng, hiện ngoài hai tiêu chuẩn rau hữu cơ chủ yếu tại thị trường TP.HCM là rau đạt chứng nhận Organic quốc tế và đạt chứng nhận Organic PGS VN còn có loại rau củ đang được sản xuất theo tiêu chuẩn Organic nhưng chưa được chính thức chứng nhận và có tên là rau chuyển đổi hữu cơ.

Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre, cho biết rau đạt chứng nhận Organic quốc tế có giá bán đắt gần gấp ba lần rau chứng nhận Organic PGS VN. Bởi vì để đạt được chứng nhận của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp phải tốn chi phí khá lớn, còn hiện tại để đạt tiêu chuẩn Organic PGS VN, các doanh nghiệp được tổ chức phi chính phủ Seed to Table tài trợ.

Trong khi tiêu chuẩn rau hữu cơ Organic PGS VN cũng được dựa trên tiêu chuẩn Organic quốc tế như được trồng theo phương pháp phát triển tự nhiên; không dùng các loại giống biến đổi gien, phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản. Đất và nước trồng cũng đảm bảo không nhiễm các loại độc tố như kim loại nặng… Trên bao bì đều có ghi rõ nơi sản xuất. Nếu bịch rau có gặp “vấn đề” hoàn toàn có thể truy xuất được nguồn gốc rau đó do hộ nông dân nào trồng.

Đại diện Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt cho biết, nhìn bên ngoài khó phân biệt được rau hữu cơ với rau thường. Chỉ có điểm khác biệt là rau trồng hóa học nhìn bên ngoài đẹp hơn. Tuy nhiên khi ăn mới cảm nhận. Theo ông Bình, người tiêu dùng nên chọn rau có chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic PGS VN và Organic quốc tế.

Nếu là rau chuyển đổi hữu cơ thì trên bó rau cũng phải ghi rõ xuất xứ để người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc thì mới mua (giá loại rau này thường rẻ hơn rau đã được chứng nhận đạt Organic PGS VN khoảng 20 - 30%).

Đó là rau cũng được trồng ở nơi đất và nước đảm bảo an toàn, không bị nhiễm độc tố nhưng còn trong thời gian thử thách, rau củ của họ phải đảm bảo trồng theo đúng tiêu chuẩn của rau hữu cơ, trong vòng 6 tháng liên tục thì rau của họ sẽ được chứng nhận đạt chuẩn Organic PGS VN.

>> Du lịch liên kết hàng không: Giá tour giảm, người tiêu dùng hưởng lợi

Theo Thanh niên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang