Mẹo vặt giúp người dùng mua được máy ảnh cũ nhưng chất lượng vẫn tốt

author 06:15 09/12/2017

(VietQ.vn) - Dù là máy ảnh cũ nhưng nếu nắm được một số đặc điểm cơ bản về kiểm tra máy, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu được sản phẩm với chất lượng tốt.

Kiểm tra cảm biến

Cách tốt nhất để kiểm tra cảm biến có lỗi hay không là chụp vào một vật sáng, chẳng hạn như bầu trời hay bức tường màu trắng với khẩu độ nhỏ nhất. Xem lại bức ảnh vừa chụp trên máy tính hoặc trên màn hình với độ phóng đại tối đa. Nếu cảm biến có lỗi, chẳng hạn như dính bụi, người dùng sẽ phát hiện được ngay.

Các điểm chết trên cảm biến cũng có thể được phát hiện bằng cách trên. Nhưng thay vì chụp vật sáng, người dùng nên chụp vật tối, hoặc chụp với ống kính được đậy nắp.

Ảnh: Vnreview 

Người dùng cũng nên kiểm tra cảm biến bằng cách tháo gương lật ra để phát hiện xem cảm biến có vết xước hay dính bụi không. Kiểm tra cả hộp gương (mirrox box) xem có vấn đề gì không. Bụi thì có thể lau được, nhưng những vết trầy xước trên cảm biến có thể khiến cho máy ảnh phát sinh lỗi nghiêm trọng.

Kiểm tra ống kính

Người dùng cần kiểm tra bộ phận thấu kính phía trước và phía sau để xem có vết xước nào không. Nếu ống kính có vòng điều chỉnh khẩu độ bằng tay, hãy xoay thử để đảm bảo nó chuyển động nhẹ nhàng. Nếu điều kiện cho phép, hãy mang theo một hoặc hai kính lọc để vặn vào ống kính xem có "ăn" vào rãnh không. 

Ảnh: Tiki.vn 

Một trong những vấn đề hay gặp đối với ống kính cũ là nấm mốc (còn được dân nhiếp ảnh gọi là "mốc rễ tre"). Nó ảnh hưởng đến bề mặt của thấu kính. Nếu bị mốc rễ tre ảnh hưởng nhiều bạn thậm chí không thể đem đi sửa mà phải thay mới ống kính. Khi mua máy cũ, cần phải hỏi người bán đã bảo quản máy thế nào, cất máy ở đâu. Nếu họ đựng máy trong túi trong thời gian dài thì nên xem xét kỹ trước khi mua.

Người mua cũng cần kiểm tra phần vỏ ống kính bên ngoài để xem có trầy xước hay vết lõm nào không. Nếu xuất hiện vết lõm có nghĩa là ống kính đã từng bị đánh rơi. Khi xoay ống kính, đặc biệt với các ống zoom để tăng hoặc giảm tiêu cự, cần đảm bảo thao tác được mượt mà.

“Check” số shots

Với máy ảnh DSLR, số shots là yếu tố quyết định nhiều nhất đến giá trị của chiếc máy. Và khi đăng tin rao bán máy, bao giờ người bán cũng đính kèm số shots hiện tại của máy.

Tuy nhiên số shots hoàn toàn có thể reset về 0 được, trước chỉ có ở máy Canon thì nay cũng đã rộ lên tin đồn ngay cả máy ảnh Nikon cũng có thể bị reset số shots. Tuổi thọ của màn trập máy ảnh DSLR phổ thông thường dao động trong khoảng từ 100.000 đến 150.000 shots (trên lý thuyết) áp dụng cho các máy phổ thông và bán chuyên.

Đối với các máy ảnh chuyên nghiệp như Canon 1D mark IV, Nikon D3 thường có tuổi thọ khoảng 400.000 shots (lý thuyết). Con số này có thể cao hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào điều kiện bảo quản và sử dụng của từng người. Người dùng nên mua những máy có số shots dưới 30.000 đối với máy ảnh phổ thông.

Ảnh: Genk.vn 

Để check số shots có thể dùng các phần mềm từ các hãng thứ ba, như EOSInfo cho máy Canon. Ngoài ra, các phần mềm đọc ảnh EXIF với các thông số siêu dữ liệu kèm ảnh cũng có thể cho biết số lần cửa trập đã sử dụng.

Số shots ít cũng đảm bảo một điều rằng sensor (cảm biến) của chiếc máy còn mới và tốt. Bởi vì theo thời gian, sensor sẽ kém dần đi về cảm nhận ánh sáng, màu sắc, thậm chí bị một số bệnh như dead pixel. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp chủ cũ bảo quản không cẩn thận hoặc là máy reset shots nên dù số shots rất thấp nhưng trông máy đã rất xấu. Vì thế cần xem xét đến ngoại hình của máy nữa.

Ngoại hình máy

Một máy ảnh cũ nhưng ngoại hình còn đẹp chứng tỏ máy được giữ gìn và bảo quản tốt, có những máy số shots đã vượt quá cột mốc 100.000 nhưng ngoại hình vẫn còn rất đẹp. Với Nikon thì có một bệnh cố hữu với các dòng máy cũ là bong lớp cao su bọc ngoài do lớp keo dán không tốt, bệnh này có xảy ra cả với máy ảnh Canon nhưng ít hơn. Canon thì lại có phần cao su che các cổng kết nối nhanh bị lão hóa và đứt gãy sau 1 thời gian dài sử dụng.

Ảnh: Genk.vn 

Tiếp đến là kiểm tra toàn bộ các nút bấm và bánh răng xem có trục trặc gì trong quá trình sủ dụng không. Một số bánh răng bị trờn lẫy hoặc kẹt cứng rất khó quay nên hãy xoay đi xoay lại nhiều lần để kiểm tra thật kỹ. Thử các nút bấm xem độ phản hồi còn tốt hay không, đặc biệt là nút chụp, một số bị quá cứng hoặc quá nhạy có thể khiến chụp 1 nhưng lại thành 2 tấm hình.

Các thành phần bên trong

Đầu tiên hãy gỡ miếng eye piece (miếng cao su ở trước ống ngắm) để kiểm tra hai con ốc phía dưới đã có dấu hiệu mở hay chưa. Nếu chưa thì chứng tỏ máy chưa qua sửa chữa và có thể tin tưởng được, hãy dò hỏi thêm người bán để thêm phần chắc chắn với vấn đề này.

Ảnh: Vuanhiepanh.vn 

Kế tiếp là ngó vào bên trong viewfinder (ống ngắm) và nhìn kỹ bên trong xem có bụi bẩn hay vết nứt vỡ nào không, nếu có vết nứt vỡ thì chứng tỏ máy đã từng bị va đập trong quá trình sử dụng trước đó. Phần tiếp theo mà bạn cần phải để ý đến là Hot Shoe - khu vực gắn flash mà máy nào cũng có. Nếu máy dùng nhiều với đèn flash thì khu vực này sẽ bị trầy xước và bong tróc nhiều.

Màn hình, phụ kiện và bảo hành

Ảnh: Tinhte.vn 

Màn hình là nơi người dùng nhìn vào nhiều nhất chỉ sau viewfinder, vì thế hãy kiểm tra nó thật kỹ, thường thì màn hình máy ảnh rất ít khi hỏng hay mắc bệnh, chỉ cần kiểm tra xem nó có vết bầm hay điểm chết hay không. Máy nào có cảm ứng thì kiểm tra luôn cả cảm ứng bằng các thao tác vuốt và chạm khắp màn hình.

Bảo Bình (T/h)

 
Dưới 5 triệu đồng, mua máy ảnh du lịch nào ‘chất’ nhất?(VietQ.vn) - Với kinh phí chỉ từ 5 triệu đồng trở xuống, những loại máy ảnh du lịch dưới đây vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu của người dùng về chất lượng hình ảnh.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang