Mercedes-Benz Việt Nam tư vấn cho khách hàng 'độ ống thở' là vi phạm Luật

author 06:24 21/08/2018

(VietQ.vn) - Mercedes-Benz Việt Nam tư vấn cho khách hàng khắc phục bằng cách độ ống thở lên cao, nếu khách hàng thực hiện (chưa nói bên nào là bên phải trả phí) là vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Mới đây, hàng loạt khách hàng sử dụng dòng xe sang bán chạy nhất Việt Nam Mercedes GLC phản ánh tình trạng nước lọt vào cầu khi di chuyển dưới trời mưa, rửa xe và cho rằng đây là 'lỗi thiết kế' của Mercedes-Benz GLC dẫn tới thiệt hại cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bỏ quên khách hàng, tối ngày 13/8, hãng mới có phản hồi nhưng vẫn không thừa nhận lỗi do thiết kế.

Cùng với đó, việc Mercedes-Benz Việt Nam tính phí cho lỗi nghiêm trọng nêu trên và chỉ khuyến nghị sửa chữa thay cho việc triệu hồi chính thức đang khiến nhiều khách hàng không hài lòng.

Quảng cáo sai sự thật và vi phạm pháp luật

Trước đó, quảng cáo xe GLC của Mercedes-Benz Việt Nam có thể “bon bon” chạy qua nhiều dạng địa hình khác nhau từ đường trường, đồi núi, đường cát trên bờ biển và thậm chí là các vũng nước sâu hiểm trở. Tuy nhiên, mới đây hãng xe Mercedes-Benz Việt Nam lại đưa ra khuyến cáo cho người dùng là không nên đi qua vùng ngập nước sâu quá… 30 cm.

Trong sách hướng dẫn sử dụng của xe Mercedes-Benz GLC (trang 367) có ghi chú thông tin mực nước tối đa mà GLC có thể đi qua là 30cm (mực nước tĩnh). Nếu người lái chủ ý hoặc vô ý đi qua vùng ngập nước cao hơn 30 cm hoặc gặp những cơn sóng nước cao hơn 30cm, thì rất có thể sẽ gặp rủi ro nhất định thậm chí bị thủy kích. Và lỗi này “không được hãng bảo hành”.

Hình ảnh được sử dụng để quảng cáo Mercedes GLC tại Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Công ty Luật TNHH CHD LAW) cho rằng, Khoản 7, Điều 109 Luật Thương Mại quy định Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại bao bì, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ và khoản 9, điều 8 Luật quảng cáo 2012 quy định "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố’’. Đối chiếu với các quy định nêu trên thì rõ ràng hành vi quảng cáo xe GLC của Mercedes-Benz Việt Nam là hành vi quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, hành vi của Mercedes-Benz Việt Nam là đưa thông tin sai làm người tiêu dùng nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm.

“Chế tài xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật của nước ta là có. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, việc bảo vệ người tiêu dùng, xử lý các trường hợp sai phạm trong quảng cáo sai sự dẫn tới thiệt hại cho người tiêu dùng ở nước ta chưa được nghiêm minh, chưa có sức răng đe. Do vậy, khi xảy ra thiệt hại, thường người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại đầu tiên, bởi tâm lý sợ mất thời gian và không biết có được giải quyết, đền bù, hỗ trợ gì hay không? Bên cạnh đó, bản thân Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm trong các vụ việc này dẫn tới hậu quả là người dùng phải chịu những thiệt hại này”, luật sư Hùng chia sẻ.

Khách hàng ồ ạt đưa Mercedes-Benz GLC đi 'khám bệnh'

Khách hàng “độ ống thở” là vi phạm luật

Để trấn an khách hàng đang sử dụng dòng xe sang GLC, mới đây Mercedes-Benz đưa ra một biện pháp kỹ thuật khắc phục với khuyến nghị lắp thêm van thông hơi nối dài bằng phụ tùng chính hãng, ở một mức giá hợp lý như là một biện pháp đề phòng khi xe di chuyển xe mực nước sâu trên 30 cm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hùng cho rằng, Mercedes-Benz Việt Nam tư vấn cho khách hàng cách để khắc phục bằng cách độ ống thở lên cao, nếu khách hàng thực hiện (chưa nói bên nào là bên phải trả phí) là vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Cụ thể khoản 2, điều 55 Luật giao thông đường bộ quy định “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”.

Vì vậy, trước khi tiến hành “độ ống thở” người tiêu dùng cần liên hệ với cơ quan đăng kiểm để được giải đáp, hướng dẫn. Tránh trường hợp vừa mất tiền,, vừa bị xử phạt do vi phạm các quy định về cải tạo phương tiện trái phép.

Nói về trách nhiệm của Mercedes-Benz Việt Nam, Luật sư Hùng cũng cho rằng, trách nhiệm của Mercedes-Benz Việt Nam đến đâu, trước hết cần phải xác định rõ thiệt hại của vụ việc trên có phải xuất phát từ lỗi của Mercedes-Benz Việt Nam hay không? Hậu quả của hành vi gây ra ở mức độ nào, thiệt hại ra sao? Và để trả lời câu hỏi đó, bản thân người tiêu dùng cần phải có đơn gửi đến Hiệp hội người bảo vệ tiêu dùng, Cục đăng kiểm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước khác để đề nghị làm rõ.

“Trên cơ sở đơn thư, khiếu nại của người tiêu dùng, các cơ quan phải tiến hành điều tra, xác minh từ đó công bố công khai. Nếu phát hiện sai phạm, phải đưa ra các biện pháp xử lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”, luật sư Hùng nhấn mạnh.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang