Mệt mỏi và sai sót trong xét tuyển ĐH đợt 1: Hậu quả cuộc đua vào Đại học bằng mọi giá

author 15:28 24/08/2015

Chiều 23.8, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng, mọi bước thử nghiệm đều có “sạn” và Bộ GDĐT đã nhận ra những điểm sai của mình, hứa sẽ sửa sai. Cùng với việc chờ đợi sự sửa sai này, theo ông, phụ huynh và học sinh cũng cần nhìn lại đợt tuyển sinh vừa qua để thấy rằng, những mệt mỏi, căng thẳng và sai sót còn là hậu quả của cuộc đua vào đại học bằng mọi giá.

Rút, nộp hồ sơ xét tuyển ĐH đợt 1 tại Trường ĐH Tài chính (Hà Nội).

Quá nhiều hạn chế

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, kỳ thi và đợt xét tuyển vừa qua rõ ràng đã có nhiều cải tiến, trong đó có sử dụng CNTT để kiểm soát, nhưng đáng tiếc là việc thực hiện chủ trương này chưa hoàn thiện, chưa kể thời gian xét tuyển quá dài gây mệt mỏi chờ đợi, HS đổ dồn vào trường “tốp” trên để nộp hồ sơ tạo nên sự nháo nhào, hỗn loạn…, trong khi nhiều trường khác thì “ngồi không”. Mục đích, ý định của Bộ GDĐT khi muốn tăng cơ hội cho thí sinh là rất tốt, nhưng cách làm thì còn quá nhiều hạn chế.

Hiện có một nhược điểm trong giáo dục phổ thông của nước ta là HS mà không thi thì sẽ không học! Cấp I thì bị o ép, cấp II mà không thi thì GV thả nổi, cuối cùng cũng phải cho HS điểm. Hệ quả là phần lớn HS vừa thiếu kiến thức cơ bản, vừa mất hết tư duy, thói quen chờ đợi, ỷ lại. Nhiều nước khác bỏ được thi tốt nghiệp vì ngay từ đầu triết lý giáo dục của họ rất rõ ràng. HS ý thức học không vì điểm, thi cử hay bằng cấp mà học vì sự phát triển cá nhân của các em.

Chưa phân tầng được ĐH theo chất lượng

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, kỳ thi mang tính chất “2 trong 1”, mức độ câu hỏi dễ tăng lên khiến mặt bằng điểm đẩy lên cao. Nhưng điều này không quá đặt thành vấn đề, bởi các trường vẫn lấy điểm từ trên xuống chứ ta không gạt học trò, điểm lên thì cả “làng” cùng lên. Tuy vậy, vì HS cứ thấy điểm cao hơn mọi năm nên ra sức “chạy đua” thôi, cha mẹ lại càng có tâm lý muốn con vào trường ĐH danh giá nên càng ra sức chạy cùng con. 

Và vì thế cuộc chạy đua này chỉ diễn ra ở những trường “tốp” trên. Qua đợt này, bản thân Bộ GDĐT cũng nhìn ra hạn chế của mình là chưa làm được công việc phân tầng ĐH theo chất lượng, để HS có thể thấy rõ được mặt bằng chất lượng của từng nhóm trường, từ đó có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mình.

Do đó, ngoài việc cách thức tổ chức xét tuyển quá nhiều “sạn” của Bộ GDĐT, cũng cần thấy rằng HS hiện nay chưa có ý thức định hướng rõ về nghề nghiệp của mình, chưa đặt thành vấn đề về lý tưởng nghề nghiệp. Cùng một nghề nhưng trường số 1 đông rồi thì chạy sang trường thứ 2, tất nhiên ai cũng muốn vào trường tốt nhưng HS phải tự lượng sức, điểm số của mình. Không nên “lao bừa” vào mọi ngành. Nếu ý thức nghề nghiệp tốt thì việc chọn trường mới đúng. Lỗi ở nhà trường là chưa giáo dục hướng nghiệp cho HS, chỉ đơn thuần là giới thiệu về trường ĐH này, CĐ nọ chứ không giúp HS tự đánh giá năng lực sở trường của mình - đây mới là điều quan trọng. Thực tế là các em chỉ đua nhau, chen chân vào ĐH là xong.

Qua đợt này, tôi tin là HS sẽ rút ra bài học của mình. Chỗ học thì có hạn. Cần nhắc nhở HS và phụ huynh phải có ý thức về điều này chứ không chỉ cốt bước chân vào ĐH là có thể yên tâm. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT phải đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp.

GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐHQG Hà Nội): Đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về các trường!

Vào các năm tới, để khắc phục nhiều hạn chế đã thấy rõ, và Bộ GDĐT cũng cần thẳng thắn nhìn nhận sai sót, thì không nên duy trì kỳ thi kiểu “2 trong 1” nữa. Thực tế là đề thi chung cao hơn đề thi tốt nghiệp phổ thông và thấp hơn đề thi ĐH hằng năm. Vì vậy, tôi đề nghị nên đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về các trường, Nhà nước chỉ giữ quản lý quy chế và đóng vai trò thanh tra để đảm bảo sự nghiêm túc và công bằng, kiến nghị nằm trong xu thế chung của khu vực Châu Á, vừa đỡ tốn kém và gánh nặng cho xã hội. Đồng thời, cần chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân, hết lớp 9 ta tách ra làm hai, phần học nghề phải chiếm tới 50-60% học sinh (nhánh nghề), phần còn lại học tiếp chương trình THPT và học lên.

Theo Lao động


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang