Mì ăn liền tiềm ẩn nhiều nguy hại

author 06:57 20/08/2014

(VietQ.vn) - Mì ăn liền ramen tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Thông tin cập nhật trên trang The Guardian cho biết, mì ăn liền ramen, thức ăn tối giản của sinh viên đại học và học sinh thuộc diện ngân sách ở mọi nơi, lại có thể gây bệnh tim mạch và tiểu đường.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy mì ramen, cũng như nhiều sản phẩm mì ăn liền khác, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ nghiêm trọng, đặc biệt ở phụ nữ. 

"Nghiên cứu này rất quan trọng vì nhiều người đang sử dụng mì ăn liền mà không biết nó tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe", trưởng nhóm nghiên cứu, ông Hyun Joon Shin, MD, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Mỳ ăn liền có thể chứa hóa chất gây hại cho người tiêu dùng

Mỳ ăn liền có thể chứa hóa chất gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, ông Shin, một thành viên trong nhóm nghiên cứu về tim mạch lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học Baylor đồng thời là tiến sĩ dịch tễ học dinh dưỡng tại Trường Y tế công cộng Harvard, đã không đưa thêm bất cứ bình luận nào. 

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã tìm hiểu dữ liệu từ 10.711 người trưởng thành trong độ tuổi 19 – 64 được thu thập thông qua cuộc khảo sát Sức Khỏe và Dinh Dưỡng Quốc Gia tại Hàn Quốc năm 2007 – 2009. Kết quả cho thấy, sử dụng mì ăn liền, mì lo mein, mì Thái Lan hoặc nhiều loại mì khác khoảng hai lần trở lên/tuần, người dùng có thể mắc hội chứng tim mạch, gây ảnh hưởng cho thận và hệ thống trao đổi chất. 

Mặc dù nguyên nhân cụ thể vẫn chưa rõ, nhưng tiến sĩ Shin lưu ý, thực tế rất có thể là do mì ăn liền được đóng gói trong hộp xốp chứa hóa chất bisphenol A (BPA), một loại hormone gây rối loạn, đây cũng là lý do tại sao phụ nữ lại bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nam giới. Mặt khác, trong sản phẩm cũng chứa nhiều thành phần không lành mạnh, bao gồm bột ngọt, chất bảo quản hóa học tertiary - butylhydroquinone (TBHQ) và chất béo bão hòa. 

Tiến sĩ Shin cho biết thêm, nghiên cứu tập trung vào từng cá nhân tại Hàn Quốc, vì nước này có lượng bình quân đầu người tiêu thụ mì ăn liền cao nhất thế giới. Hơn nữa trong những năm gần đây, vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tim và béo phì ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, những phát hiện tỏ ra khá phù hợp với người tiêu dùng tại Mỹ, cũng như trong bảng xếp hạng Mỹ đứng thứ sáu trên thế giới về tiêu thụ mì ăn liền hàng năm. Theo Hiệp Hội mì ăn liền trên toàn cầu, Mỹ đã bán 4.300 tỷ gói mì vào năm 2013 (chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ, một số nơi còn tiêu thụ lượng  mì nhiều hơn tại Hàn Quốc). 

Đây không phải là lần đầu tiên mì ramen bị phát hiện dễ gây nguy hại cho người dùng. Vào năm 2012, một video được quay trong đường tiêu hóa, một phần nhỏ của nghiên cứu và chưa có kết luận chính thức do Tiến sĩ Braden Kuo thực hiện, cho thấy tiêu thụ mì ăn liền không hề tốt cho sức khỏe. 

Dạ dày phải làm việc thêm nhiều giờ để nghiền các thành phần; thêm nữa, chất phụ gia dầu khí TBHQ cũng có thể là một thủ phạm gây hại cho người dùng. Năm trước, các quan chức y tế Malaysia đã ban hành lệnh cảnh báo về việc sử dụng mì ăn liền vì các thành phần trong sản phẩm như chất làm đặc, chất ổn định, natri và chất bảo quản có thể gây bệnh tim, đột quỵ và tổn thương thận. 

Nissin Foods, hãng sản xuất mì ăn liền ramen đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1958 (sau đó sản phẩm được phân phối đến Mỹ vào năm 1972), đã không đưa ra bất kì bình luận nào về vấn đề này.

Linh Nguyễn


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang