Nhận định chuyện thứ trưởng gọi DN mía đường là "con hư"

author 11:06 20/12/2013

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp khó khăn thì phải tìm cách giải quyết chứ không thể cứ thụ động vin vào đó để chờ bảo hộ, phần thiệt lại đổ lên đầu người tiêu dùng.

Câu chuyện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phản đối  nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào, chỉ như giọt nước tràn ly càng chứng tỏ sức cạnh tranh của doanh nghiệp mía đường hiện thua kém ngay trên sân nhà.

Xung quanh vụ phản pháo của VSSA đối với văn bản đồng ý cho phép nhập khẩu mía đường của Bộ Công Thương, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định: “Trên góc độ phân tích khách quan, cả hai bên đều có lý lẽ của riêng mình, tuy nhiên cần xem lại thái độ ứng xử để rút kinh nghiệm” .

Theo ông Long, hơn lúc nào hết, Hiệp hội và các cơ quan chức năng cần phải chung lưng đấu cật để tạo cơ chế chính sách nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế thị trường hội nhập hiện nay. “Thời gian cho ngành mía đường không còn nhiều để đứng đó mà tranh cãi nữa, khi thời điểm thuế nhập khẩu đường chỉ còn 0% vào năm 2015”, ông Long nói.

doanh nghiệp mía đường

Với cung cách sản xuất lạc hậu, mía đường Việt Nam khó có thể trụ vững khi thuế nhập khẩu đường còn 0% vào 2015

“Một khi chuyển sang kinh tế hội nhập thì ông phải chấp nhận cạnh tranh, đây là vấn đề mấu chốt nhất. Nhà nước cũng không thể bảo hộ mãi, bởi như vậy không chỉ  vi phạm luật thương mại quốc tế mà còn khiến doanh nghiệp trong nước kém sức cạnh tranh, sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải”, ông Long nói.

Vị chuyên gia phân tích, nếu doanh nghiệp mía đường cứ thụ động vin vào khó khăn để trông chờ bảo hộ để hưởng lợi trước mắt thì sẽ tự đẩy mình dấn sâu  vào vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp không có sức cạnh tranh, người tiêu dùng chịu thiệt vì giá cao mà người nông dân trồng mía cũng không khá lên được.

Ngược lại, về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Long cho rằng cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện bằng cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tự đứng vững bằng đôi chân của mình. Câu chuyện nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp sản xuất mía đường liên quan tới nhiều Bộ ngành nhưng cơ quan chủ quản vẫn là Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn.

“Một khi chưa có cơ chế sản xuất phù hợp, hoặc nếu có thì cũng chưa thật công tâm, khách quan người nông dân chỉ biết tới cung cách làm ăn “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì làm sao có thể thoát được nguy cơ tụt hậu?”, ông Long đặt vấn đề.

Cuối cùng, về phía VSSA, ông Long cho rằng Hiệp hội đã chưa làm đúng vai trò chức năng của mình khi chỉ “kêu” cho phía doanh nghiệp. “ Rõ ràng, tôn chỉ, mục đích khi Hiệp hội được lập ra là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp với nhà nước, giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp. Chính vì thế Hiệp hội phải đứng ở góc độ khách quan, chứ không thể chỉ biết kêu cho một phía doanh nghiệp. Thiết nghĩ, đứng trước khó khăn, vướng mắc, Hiệp hội nên chủ động tìm ra những giải pháp tháo gỡ, kiến nghị lên Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước để xem xét giải quyết.”, ông Long nhận định.

Cũng là doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng Hoàng Anh Gia Lai lại tạo ra được sản phẩm giá trị cao, còn các doanh nghiệp mía đường trong nước được Nhà nước bảo hộ nhiều năm qua với thuế suất nhập khẩu cao nhưng giá lại quá đắt và chất lượng thấp hơn so với khu vực, khiến đường tồn kho ngày một tăng. Theo giá nhập hiện nay, mỗi tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)  rẻ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá đường trong nước. Trong khi đó, với giá đường trong nước, mỗi năm người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả thêm hơn 4.000 tỉ đồng cho khoản chênh lệch so với giá đường nhập khẩu.


Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang