Mía đường Việt Nam: Bao tiêu nhưng dân vẫn thiệt

author 06:28 23/07/2014

(VietQ.vn)-Những tưởng bao tiêu có thể giúp nông dân ngành mía đường Việt Nam yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập. Thế nhưng tới nay, người dân vẫn phải chịu thiệt dù toàn bộ diện tích mía đã được bao tiêu hoàn toàn.

Dân vẫn chịu thiệt dù đã được bao đầu ra

Theo tin tức từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, vụ mía 2014-2015, Hậu Giang xuống giống khoảng 16.000 héc ta và được 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) và Công ty Long Mỹ Phát bao tiêu thụ hoàn toàn.

Giá thu mua mía của Casaco đưa ra là 830 đồng/kg, loại 10 chữ đường (CCS), giao tại cầu cảng nhà máy, còn của Công ty Long Mỹ Phát là 700 đồng/kg loại 10 CCS,mua tại ruộng.

Mía đường Việt Nam đã được các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định

Mía đường Việt Nam đã được các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định hoàn toàn. Ảnh minh họa

Cứ ngỡ đây là tín hiệu tốt và có thể giúp người dân cải thiện thu nhập, thế nhưng, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang lại cho biết: “Quy định của hợp đồng bao tiêu công ty Casuco là nông dân phải giao mía tại cầu cảng của nhà máy, nghĩa là nông dân phải chịu chi phí vận chuyển mía từ ruộng đến cảng. Theo thống kê sơ bộ thì giá thành sản xuất vụ mía này khoảng 760 đồng/kg, trong khi giá bao tiêu là 830 đồng/kg, cho nên nếu nông dân phải chịu chi phí chuyển mía đến nhà máy, thì tính ra họ không có lãi. Còn nếu bán xô tại ruộng, giá 700 đồng/kg còn thấp hơn cả giá thành sản xuất.”

Là do giá thành sản xuất quá cao…

Ông Lộc cho biết giá thành sản xuất mía đường Việt Nam hiện quá cao

Vì giá thành sản xuất mía đường Việt Nam hiện tại quá cao mà nông dân phải chịu thiệt. Ảnh minh họa

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lộc, năng suất mía của ta hiện nay vẫn chỉ đạt 62 tấn/ha, trong khi năng suất mía của thế giới đã ở mức 120 tấn/ha. Năng suất thấp nhưng chữ đường trong cây mía của ta lại kém, mức trung bình của các nước lên tới CCS 12-16 thì ở Việt Nam chỉ đạt 10 CCS, thậm chí thấp hơn. Vì thế nên năng suất đường cũng chỉ cho khoảng 4-5 tấn/ha thấp hơn hẳn Thái Lan là trên 8 tấn/ha, Brazil trên 10 tấn/ha.

Năng suất mía, chữ đường thấp trong khi chi phí sản xuất lại cao. Chi phí phân bón cho 1 ha mía ở ta là 15 triệu đồng trong khi ở Thái Lan chỉ 10 triệu. Các chi phí khác như thuê đất, vận chuyển, lãi vay ngân hàng… cũng đều cao. Chính đó là những nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất mía lên trời, khiến nông dân không được lợi từ bao tiêu.

Hay do doanh nghiệp ép giá thu mua?

Mặc dù trước đây một số doanh nghiệp ngành mía “dính” nhiều tai tiếng chèn ép nông dân, tuy nhiên có thể thấy rằng việc doanh nghiệp ép giá là khó có thể xảy ra.

Theo ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, năm nay 2 doanh nghiệp thu mua mía ở địa phương đưa ra mức giá thu mua theo cơ chế thị trường. Trong đó, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ mua là 830 đồng/kg, mía 10 trữ đường tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp. Công ty Long Mỹ Phát là 700 đồng/kg và mua tại ruộng. Đây là giá sàn bảo hiểm, vào thời điểm thu hoạch, nếu giá thị trường tăng thì giá mua mía của người dân sẽ được tăng lên, tuy nhiên, nếu giá mía thị trường có giảm, các công ty nói trên cũng sẽ không mua thấp hơn mức giá đã hợp đồng từ trước.

Hơn nữa, các doanh nghiệp phải luôn đảm bảo duy trì giá mua nguyên liệu để nông dân có lãi (dù là rất ít), tránh việc nông dân chặt phá ruộng mía để trồng cây khác, nếu không nhà máy sẽ chết. Còn ngược lại, nếu tăng giá thu mua thì giá thành mỗi kg đường sẽ còn lên cao nữa, mà hiện giá đường Việt Nam  đã vào loại cao nhất nhì thế giới, không thể cạnh tranh được với đường nhập bán lẻ trên thị trường.

Nạn cháy mía ám ảnh hẳng năm của người nông dân

Nỗi ám ảnh hằng năm về nạn cháy mía của người nông dân. Ảnh minh họa

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những thiệt thòi mà người nông dân phải chịu cũng có một phần trách nhiệm của các doanh nghiệp. Thứ nhất, giá đường là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới giá mía thu mua. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp lại chỉ đầu tư công nghệ của Trung Quốc có hiệu suất thu hồi kém, thấp hơn tới 10% so với các loại máy móc hiện đại của các quốc gia khác, góp phần đẩy giá thành đường lên cao, tiêu thụ chậm chạp, tồn kho số lượng lớn, gián tiếp ảnh hưởng tới giá mía thu mua. Thứ hai, các doanh nghiệp không thống nhất ngày thu hoạch mía với nông dân, dù biết mía thu hoạch muộn có thể xảy ra nạn cháy bất cứ lúc nào, chữ đường cũng thấp hơn hẳn thời điểm chính vụ. Bên cạnh đó, những chi phí phát sinh người dân phải gánh chịu do doanh nghiệp gây ra khi thu hoạch muộn như phí phạt trả đất muộn, tiền lãi ngân hàng…cũng không phải là nhỏ.

Hướng đi nào cho ngành mía đường Việt nam

Bài toán bao tiêu mía đường hay tìm đường phát triển cho ngành mía đường Việt Nam nói chưa có lời giải thì cũng không đúng, bởi các chuyên gia từ lâu đã đưa ra lời giải thỏa đáng nhất: hạ giá thành sản xuất; giảm chi phí; tăng năng suất. Dù biết đó là con đường duy nhất để ngành mía đường của ta có thể cạnh tranh được ngay trên sân nhà với đường nhập và đường lậu, thế nhưng lối ra ấy vẫn chưa được khai thông trong chính tư tưởng của các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp này.

Phan Huyền(th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang