Miền Bắc đón không khí lạnh, người dân ‘chống’ lại thời tiết bằng cách nào?

author 15:43 07/12/2018

(VietQ.vn) - Đêm 7/12, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng một số nơi vùng núi phía Bắc. Từ 9/12, Bắc Bộ xảy ra rét đậm, vùng núi rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét ở vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 11 đến 14 độ, vùng núi từ 9-11 độ.

Sự kiện: Cảnh báo sức khỏe

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo ngày và đêm 7/12, không khí lạnh ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía đông Bắc Bộ. Sau đó, ảnh hưởng tới phía tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở miền Trung Bộ. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Trời trở rét.

 Cần giữ ấm cho người già, trẻ nhỏ khi trời trở lạnh. Ảnh minh họa

Như vậy, từ ngày 9/12,  Bắc Bộ xảy ra rét đậm, vùng núi có nơi rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm này ở vùng đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ, vùng núi 9-11 độ. Đợt rét đậm này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.

Cảnh báo mưa lớn, dông, lốc, sét do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tại Hà Nội, 3 ngày tới sẽ có mưa, mưa rào, trời trở rét. Nhiệt độ ngày 9/12 thấp nhất từ 12-14 độ.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, vào thời điểm mùa Đông - Xuân, nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. Bởi thời tiết trong thời gian này thường hanh khô, ban ngày nắng nóng, oi bức nhưng chiều tối thì lại lạnh, nhiệt độ giảm sâu về đêm. Ngoài ra, có nhiều đợt gió mùa cùng rét buốt đổ về nên nhiều người sẽ không kịp thích nghi với thời tiết, đặc biệt là trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch còn yếu.

Không chỉ trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ nhập viện khi thời tiết chuyển mùa, lạnh rét. Theo bác sĩ Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, các nghiên cứu chứng minh, trong thời tiết lạnh, số bệnh nhân bị đột quỵ cũng như các bệnh lý tim mạch tăng tới 25%.

Mùa lạnh, huyết áp bao giờ cũng có xu hướng tăng cao so với thời tiết không lạnh. Khi huyết áp tăng cao thì luôn có nguy cơ đột quỵ. Khi trời lạnh, cơ thể của chúng ta thường có hiện tượng co mạch. Máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch và đó chính là nguyên nhân gây đột quỵ.

Hơn nữa, trong môi trường lạnh, người bệnh thường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và cúm. Chính vì những điều này làm cho những người bị mắc các bệnh nền trước đó dễ dàng bị đột quỵ hơn những bệnh nhân thông thường.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết vẫn có xu hướng rét đậm, rét hại kéo dài, người dân nên giữ ấm cơ thể, không đi ra ngoài vào đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể. Những bệnh nhân huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị, tránh mất ngủ và căng thẳng thần kinh.

Triệu Vy

Tại sao Hà Nội lại nóng rộp da trong mùa đông?Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, miền Bắc đã bước vào mùa đông nhưng vẫn có nắng nóng như mùa hè không phải là dấu hiệu bất thường về thời tiết.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang