Tràn đê Bùi 2 và vỡ đê Tế Nông: Hơn 600 hộ dân ở Hà Nội và Thanh Hóa chìm trong biển nước

author 14:16 12/10/2017

(VietQ.vn) - Mưa lũ đã khiến nước tràn đê Bùi 2 (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến - Chương Mỹ - Hà Nội) và vỡ đê xã Tế Nông (huyện Nông Cống) khiến hơn 600 hộ dân bị ngập trong nước.

Vào khoảng 6h sáng nay (12/10) đê Bùi 2 (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến - Chương Mỹ - Hà Nội) đã bị tràn nước.

Dẫn lời Vietnamnet, theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.

 Tràn đê tại Chương Mỹ - Hà Nội. Ảnh: VOV.

Đặc biệt, có 9.900 mét đê bị ngập, bao gồm các địa bàn: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn…

Trước đó, tại xã Tượng Sơn (Nông Cống – Thanh Hóa),  hồ Yên Mỹ xả lũ từ 3 ngày trước, cộng với triều cường dâng cao khiến nhà của hơn 400 hộ dân của thôn Bồng Sơn, Cát Lễ và thôn Kén đến sáng nay bị ngập tràn trong nước.

Tại xã Tế Nông (Nông Cống – Thanh Hóa), một đoạn đê bối của sông Hoàng bị vỡ với chiều dài khoảng 5m, khiến nhà của hơn 100 hộ dân thuộc xã này bị ngập trong nước.

Cũng tại Thanh Hóa, tuyến đê tả Chu từ K17+245 – K17+332, đoạn K27+350 – K27+360 bị sạt lở và xảy ra sự cố đê hữu sông Cầu Chày (đê cấp 4) tại vị trí cống Quan Hoa K14+400, tràn một số vị trí tại tuyến đê tả, hữu Cầu Chày.

Hàng trăm người thức cả đêm để cứu đê bị vỡ ở xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: VTC. 

Tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), khoảng 3h50 sáng 12/10, do mưa lớn, nước sông Cầu Chày (một nhánh của sông Chu) dâng cao khiến đoạn đê qua thôn Quang Hoa bị vỡ. Đây là đoạn cống đang xây dựng, nước sông dâng cao, xoáy sâu vào mép cống, khiến đoạn đê bị vỡ 4-5m.

Trước đó, Hồ Yên Mỹ xả lũ, khiến vỡ đê tại xã Tế Nông (huyện Nông Cống) khiến hơn 500 hộ dân bị ngập trong nước và cô lập với bên ngoài.

Sáng ngày 12/10, Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Bộ NN&PTNT cho hay, theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại đợt mưa lũ đang diễn ra đã khiến 77 người chết và mất tích; 21 người bị thương. Trong đó, tại Hòa Bình có số người chết và mất tích nhiều nhất (32 người), Yên Bái 15 người. Ngoài ra, tại các tỉnh như: Sơn La, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị.

Tính tới thời điểm này, các địa phương nằm trong vùng lũ phải di dời khẩn cấp gần 800 nhà, ước tính có 217 nhà bị sập, 1059 nhà bị hư hỏng, gần 17.000 nhà bị ngập.

 Nhiều nhà dân chìm trong nước. Ảnh:VOV

 

Thiệt hại về nông nghiệp ước tính khoảng 8.000 ha lúa bị thiệt hại; hơn 30.000 ha ngô, hoa màu bị thiệt hại; gần 900 ha cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả, hơn 1.100 con gia súc và gần 40.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Đồng thời, về giao thông, sạt lở và ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 6, sạt lở 02 điểm tại Quốc lộ 217, 21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, 02 điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái.

Ngoài ra, một số điểm quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An). Không những thế, các đường tỉnh lộ, huyện lộ cũng sạt lở nhiều điểm, ngập sâu từ 0,4 – 1,5m tại các tuyến đường thuộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An gây ách tắc giao thông.

Sập 1 nhịp cầu Thia (Thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái), sập hoàn toàn cầu bê tông nối làng Nhồng với Na mén (Vạn Xuân, Thường Xuân – Thanh Hóa).

Lan Lan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang