Miền Trung lại chìm trong lũ dữ

author 10:23 16/11/2013

Nhiều khu vực bị cô lập, hàng trăm nhà dân ngập sâu trong nước lũ. Mưa lớn đã khiến nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó một vụ sạt lở núi tại thôn Pà Dồn (xã Cà Dy) đã khiến 5 căn nhà bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp.

Hôm qua 15.11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên có mưa rất to, xuất hiện lũ lớn cộng với việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng...

Tại Bình Định, buổi sáng, nước lũ trên sông Côn bắt đầu lớn nhanh khiến nhiều nơi trên địa bàn H.Tây Sơn bị cô lập. Theo UBND H.Tây Sơn, các xã Bình Thành, Tây Giang, Tây Thuận, Tây Phú... đã bị lũ chia cắt. Đặc biệt, nhiều khu vực của thị trấn Phú Phong (H.Tây Sơn) lần đầu tiên trong vòng 30 năm nay mới bị ngập lũ.

mưa lũ.vietq.vn.jpg

Khu vực đầu cầu Diêu Trì (H.Tuy Phước, Bình Định) bị ngập sâu trong lũ

Nhiều nhà dân sống gần sông Côn bất ngờ vì lũ lớn nên không kịp di dời tài sản. Sáng 15.11, hai anh Trần Văn Sang (40 tuổi) và Phan Minh Hải (43 tuổi, cùng ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong) phát hiện có lũ nên tiến hành di dời gia súc và gia cầm đang chăn nuôi tại bãi bồi ven sông Côn. Bất ngờ lũ lớn khiến hai anh bị cuốn trôi. Anh Hải may mắn được người dân địa phương cứu sống, còn anh Sang bị chết đuối. Ngoài ra, H.Tây Sơn còn phát hiện chị Đỗ Thị Kim Loan (33 tuổi, ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận) chết đuối tại kênh Vân Phong vào sáng cùng ngày.

Cũng trong sáng 15.11, nhiều người dân ở các xã Tây Giang, Tây Thuận (H.Tây Sơn) gọi điện đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Tại khu vực Đông Lâm (thị trấn Phú Phong) và thôn Phú Thọ (xã Tây Phú, H.Tây Sơn)... có nhiều người dân đứng trên nóc nhà kêu cứu. UBND H.Tây Sơn phải điều 3 ca nô của công an, quân đội đi tiếp tế mì tôm, nước uống và cứu hộ.

Huyện Tây Sơn có 3 cây cầu bị sập khiến nhiều khu vực bị cô lập. Đến chiều 15.11, nhiều nơi trên QL19 bị lũ chia cắt và đoạn qua đèo An Khê bị sạt lở gần 300 m khiến giao thông ách tắc hoàn toàn. Đến tối cùng ngày, toàn huyện đã có hơn 3.530 nhà dân bị ngập lũ. Toàn huyện bị mất điện. “Nước lũ năm nay lớn bất thường do mưa lớn và hồ Định Bình xả lũ với lưu lượng 2.611 m3/giây”, ông Nguyễn Chí Quang, Chánh văn phòng UBND H.Tây Sơn cho biết.

Trong khi đó tại H.Tuy Phước, đến trưa, nước lũ đổ về nhanh và mạnh làm cho một số đoạn đê sông Hà Thanh khu vực dưới cầu Diêu Trì bị vỡ, 100 hộ dân ở thôn Cảnh An, xã Phước Thành và hơn 20 hộ dân thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì bị lũ cô lập.

Tại H.Hoài Ân, sáng cùng ngày, em Trần Thế Giảng (17 tuổi, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân) khi đi chăn bò đã bị nước cuốn trôi, mất tích. Còn ở H.Hoài Nhơn, ông Phạm Minh Hớn (ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam) bị thương trong khi đang chằng chống nhà. Trên địa bàn H.Vân Canh có một trường hợp bị mất tích do lũ, nạn nhân tên Điền (28 tuổi, ở thôn An Long 1, xã Canh Vinh).

Đến chiều 15.11, các huyện Hoài Ân, Vân Canh, Phù Mỹ... có 2.000 ngôi nhà bị ngập hoặc bị sập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường bị sạt lở và ngập nước, gây ách tắc giao thông.

TP.Quy Nhơn, từ trưa 15.11, nước lũ ào ạt đổ về khiến hàng ngàn hộ dân vùng trũng thấp ở các phường: Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú bị ngập, có nơi ngập sâu hơn nửa nhà.

mưa lũ 2.vietq.vn.jpgQL24 đoạn qua Kon Tum bị lũ cuốn trôi

Tại Quảng Ngãi, từ đêm 14.11 bắt đầu có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ các sông trong tỉnh lên nhanh đã gây chia cắt nhiều địa phương. Tại H.Nghĩa Hành có 9 xã thuộc lưu vực các sông Vệ, sông Phước Giang bị ngập. Riêng 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây nước tràn vào nhà dân hơn 1 m. Các xã ven sông Vệ, sông Trà Khúc thuộc H.Tư Nghĩa và 4 thôn thuộc 3 xã Phổ Văn, xã Phổ Minh, xã Phổ Khánh (H.Đức Phổ) cũng bị ngập lụt nghiêm trọng.

Tại H.Sơn Hà, các xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba, Sơn Linh, Sơn Giang, Sơn Nham bị chia cắt do đường giao thông và cầu bị ngập. Mưa lớn cũng đã làm sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường Sơn Hà - Sơn Tây bị sạt lở tại Km 9+400 và QL24 Quảng Ngãi - Kon Tum tại Km 63 - Km 69 nằm trên tuyến đèo Viôlăk thuộc địa bàn H.Ba Tơ bị sạt lở 36 điểm, trong đó có 11 điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông hoàn toàn, khiến nhiều người bị mắc kẹt giữa những đoạn đường bị sạt lở. Cũng tại H.Ba Tơ, trưa 15.11, lực lượng chức năng đã giải cứu 5 hộ dân ở xã Ba Vì bị cô lập do nước lũ đến nơi an toàn, cả H.Ba Tơ bị mất điện hoàn toàn.

Trong ngày, các địa phương trong tỉnh đã di dời 5.874 người ở các vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Tính đến tối 15.11, mưa lũ làm 1 người chết, 1 người bị thương. Nạn nhân tử vong là em Vương Thị Thu Thảo, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hành Minh (H.Nghĩa Hành) bị gió lớn cuốn ngã xuống cống nước sâu khi đến trường.

Trên địa bàn H.K’bang (Gia Lai) mưa lớn kéo dài. Nước trên nhiều sông suối dâng cao bất thường cộng với thủy điện An Khê - Kanak xả lũ khiến nước sông Ba lên nhanh. Nhiều đoạn đường thuộc huyện này bị ngập trong lũ, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Sáng 15.11, tại ngầm tràn qua suối Tà Nang (thuộc xã Đông, H.K’bang) 2 cô giáo trên đường đi dạy đã bị lũ cuốn trôi dù người dân trước đó đã phát hiện hai cô này mắc kẹt giữa suối nhưng bất lực do nước chảy quá xiết. Sau đó, lực lượng cứu hộ và người dân đã tìm được thi thể cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (ngụ tại thị trấn K’Bang) là giáo viên mẫu giáo ở xã Kông Lơng Khơng.

Đến chiều 15.11 đã có 10 ngôi nhà ở xã Xuân Thọ 2, TX.Sông Cầu (Phú Yên) bị sập, 1 người mất tích, 4 tàu cá bị chìm... Còn tại huyện miền núi Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai gần 2 m nên nhiều xe bị kẹt lại; tuyến đường ĐT 641, ĐT 647 bị ngập nên chia cắt nhiều khu vực dân cư. Hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ (cả vận hành) với lưu lượng 1.400 m3/giây.

Đêm 14 và cả ngày 15.11 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa to đến rất to, sông Đăk Bla đã có lũ lớn, hàng loạt tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Đến cuối ngày 15.11, QL24 đoạn thuộc xã Pờ Ê (H.Kon Plong) bị lũ cuốn trôi một đoạn, chia cắt hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Nước lên nhanh nên một số điểm trường học tại H.Kon Plong bị ngập sâu. Chiều 15.11, chị Y Hiên (38 tuổi, trú tại thôn Đăk Bút, xã Đăk Nên, H.Kon Plong) khi đi làm rẫy về qua suối bị lũ cuốn trôi.

Mưa lớn bất ngờ ập xuống trong tối 15.11 khiến nhiều người dân ở Thừa Thiên-Huế không kịp trở tay. Đến 22 giờ tối qua, trừ một số tuyến đường như Hà Nội, Lê Lợi, cả TP.Huế nước đã ngập sâu và gây chia cắt hầu hết các tuyến đường trong thành phố, giao thông hỗn loạn và tê liệt.

Tại xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy những thôn thấp trũng, nằm ven sông Phù Bài như các thôn 4, 6, 7, 9, 10 nước đã tràn vào nhà từ lúc 20 giờ khiến nhiều người dân hốt hoảng chạy lũ. Xã Phú Mậu, H.Phú Vang đến 22 giờ nước lũ đã ngập hầu hết các tuyến đường.

21 giờ tối qua, mưa lớn vẫn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến mực nước các sông lên nhanh. Riêng nước lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (H.Đại Lộc) đã ở mức 9,45 m, vượt mức báo động 3 là 0,45 m. Bắt đầu từ chiều cùng ngày, 4.000 người trú tại các xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Minh... đã được sơ tán. Nhiều khu vực bị cô lập, hàng trăm nhà dân ngập sâu trong nước lũ. Các tuyến đường nội thị Ái Nghĩa cũng chìm sâu trong nước. Trong khi đó, tại huyện miền núi Nam Giang, mưa lớn đã khiến nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó một vụ sạt lở núi tại thôn Pà Dồn (xã Cà Dy) đã khiến 5 căn nhà bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp

Theo Thanh Niên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang