Mỉm cười đón Xuân

author 06:38 10/02/2013

Người ta thường nói: "Xấu đẹp tùy người đối diện", thế nên tâm trạng vui hay buồn, hào hứng hay mệt mỏi, "xả láng sáng về sớm" hay "vừa xài vừa run" trong những ngày nàng Xuân đang thập thò ngoài khung cửa cũng tùy cảm nhận và hoàn cảnh của mỗi người.

 

Riêng tôi thì buồn vui lẫn lộn và thường có những phút giây hoài niệm về những cái Tết thuở xa xưa, lúc còn bé tí, hớn hở với tấm áo mới, với những phong bao lì xì... Nhưng có lẽ in sâu trong ký ức tôi là những điều nên và không nên làm trong những ngày đầu Xuân mà bà ngoại đã căn dặn chúng tôi rất kỹ.

Hồi đó vì bé quá, chẳng hiểu tại sao phải làm vậy nhưng mấy anh chị em chúng tôi vẫn răm rắp làm theo, và thật lạ là khi đã làm rồi cũng thấy yên bụng rằng mình sẽ có một năm mới tốt lành.

Giờ tất cả chúng tôi đều đầu hai thứ tóc rồi nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những điều căn dặn của ngoại dù cũng biết chúng ít nhiều mang hơi hướng mê tín dị đoan.

Nhưng xét cho cùng chúng chẳng có hại gì, mà có lẽ còn là một nét văn hóa ngồ ngộ, giúp chúng tôi luôn nhớ đến ngoại và thấy những ngày Xuân vẫn thật thi vị dù thời thế đã đổi thay, xã hội đã văn minh, tiến bộ rất nhiều rồi.

Này nhé, tại sao cả năm cũng có những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày phép thường niên hoặc những dịp lễ rơi vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, được nghỉ bù một lúc mấy ngày liền sao không làm siêng mỗi ngày dọn dẹp nhà cửa một chút cho sạch sẽ, gọn gàng mà cứ phải để dành tới những ngày cuối năm mới hè nhau tổng vệ sinh nhà cửa cho láng cóng?

Cứ làm như ngày Tết khách đến thăm viếng sẽ đi kiểm tra điền thổ để cấp giấy chứng nhận gia đình ngăn nắp, nhà cửa sạch đẹp không bằng.

Hồi xưa những người buôn bán ở chợ thường nghỉ Tết rất dài ngày để ăn chơi cho đã, cho bõ cả năm làm lụng vất vả, nên nhà nào cũng phải lo dự trữ lương thực đủ dùng trong mấy ngày Tết.

Nhưng chuyện đó bây giờ "xưa rồi Diễm", chợ chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết thôi, ngày mùng 2 thì hàng rau cỏ, hoa hòe, bún tươi, bánh mì..., nói chung là rất nhiều hàng bán thực phẩm đã hoạt động trở lại rồi.

Còn không thì siêu thị mùng 3 cũng mở cửa lại, vậy hà cớ gì cứ phải chất đầy tủ lạnh rau cỏ, thịt thà, rau sử dụng không kịp thì lại hư hao, đổ bỏ, mà có rẻ rúng gì cho cam...

Nghe nói năm nay trái cây Tết mất mùa nên giá sẽ rất đắt nhưng tôi đảm bảo kiểu gì thì nhà nào cũng phải có mâm ngũ quả "cầu vừa đủ xài, sung túc" (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung) cúng giao thừa để cầu mong sang năm mới nếu không sung túc, dư dả thì cũng kiếm đủ xài, đủ trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống trong tình hình lương chạy hụt hơi cũng không theo kịp giá cả hàng hóa, xăng dầu, điện, nước, viện phí...

Nhưng cẩn thận cúng kiếng như vậy cũng chưa yên tâm, nhà nào có xây bể xi măng, hoặc dùng lu, vại chứa nước thì đến trước giao thừa tất cả đều phải nước đầy tới miệng, cũng là thể hiện ước mong năm mới được no đủ.

Rồi để tẩy sạch những gì xui xẻo đã gặp phải trong năm cũ, dọn mình thanh khiết để đón nhận những điều may mắn trong năm mới thì dứt khoát phải tắm rửa sạch sẽ trước giao thừa, không thể lố dù chỉ một giây.

Đó là những việc cần làm trong ngày cuối cùng của năm cũ, giờ đến những "quy định" của ngày đầu năm mới. Sáng mùng 1 phải thức dậy sớm đi xuất hành theo đúng hướng đã "nghiên cứu" trước để gặp Hỷ thần cho cả năm gặp toàn chuyện vui vẻ, cười nhiều hơn mếu; hoặc gặp Tài thần để làm ăn phát đạt, tiền vô như nước...

Rồi vì "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" nên trên đường đi xuất hành về hay buổi đi chợ đầu tiên trong năm mới chớ quên mua một bịch muối cho năm mới được mặn mà, cũng như đừng quên mua một bịch nhỏ vôi ăn trầu vào ngày cuối năm đi chợ để tống tiễn hết những gì bạc bẽo như vôi đã đến với mình trong năm cũ.

Rồi trẻ con sáng mùng 1 vẫn phải ngồi vào bàn học để khai bút đầu Xuân, nắn nót viết mấy chữ cho sang năm mới sẽ học hành tấn tới, văn hay chữ tốt.

Ngoại tôi tính sạch sẽ nên một ngày quét nhà tới mấy bận, nhưng đặc biệt ba ngày Tết quét ít lại và khác với ngày thường là quét từ ngoài vào trong để không xua tài lộc, may mắn ra khỏi cửa.

Ngoại dặn muốn không bị "dông" cả năm thì trẻ con phải ráng ngoan ngoãn trong ngày mùng 1, đừng để bị la rầy (chúng tôi chỉ mang máng hiểu "dông" là sẽ xui xẻo, thậm chí còn được lì xì roi mây, nên dứt khoát phải ngoan thôi).

Tôi bị cao huyết áp nên bác sĩ dặn tuyệt đối không được quên uống thuốc vào mỗi sáng, thế nên tôi đành vi phạm quy định của ngoại là có đau bệnh gì thì cũng ráng chịu đựng qua tới mùng 2 hãy uống thuốc để khỏi cả năm phải thăm viếng bác sĩ và bệnh viện...

Người ta thường bảo "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" và trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, xã hội ngày càng bất ổn thì xem ra chuyện kiêng cữ trong những ngày đầu năm mới cũng phần nào có tác dụng như một liệu pháp giúp người ta có được niềm tin để nở nụ cười thật tươi đón mừng năm mới. Mong lắm thay!

Theo DNSG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang