Minh bạch thông tin, tăng cạnh tranh cho nông sản

author 05:49 18/07/2013

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất nông sản thủy sản của Việt Nam chưa coi trọng việc cung cấp thông tin rõ ràng, cụ thể đến người tiêu dùng, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Đó là ý kiến đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TS. Hà Công Tuấn tại Hội thảo “Tăng năng lực canh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam. Minh bạch thông tin-con đường phát triển bền vững,” diễn ra sáng nay (17/7), tại Hà Nội.

Doanh nghiệp "ngại" minh bạch

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, khá nhiều doanh nghiệp ngại ngần trong cung cấp thông tin, thậm chí còn "quan liêu" khi coi việc minh bạch sẽ làm cho họ yếu thế hoặc mất đi khả năng cạnh tranh. Tình trạng gian lận thương mại, làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng còn diễn ra phổ biến... 

Một thực tế cho thấy, tuy Việt Nam luôn đứng ở tốp đầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên thế giới như gạo, cà phê, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu trong nhiều năm qua, nhưng nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá thấp hơn giá nông sản cùng loại xuất xứ từ các nước khác. 

Khá nhiều doanh nghiệp ngại ngần trong cung cấp thông tin, thậm chí còn "quan liêu" khi coi việc minh bạch sẽ làm cho họ yếu thế hoặc mất đi khả năng cạnh tranh.
Khá nhiều doanh nghiệp ngại ngần trong cung cấp thông tin, thậm chí còn "quan liêu" khi coi việc minh bạch sẽ làm cho họ yếu thế hoặc mất đi khả năng cạnh tranh.

"Mặc dù, Việt Nam có không ít nhà sản xuất có uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức khắt khe như BAP, GAP, ASP, MSC. Thế nhưng, thông tin về sản phẩm cũng như về doanh nghiệp hầu như không được truyền tải đúng lúc, đúng kênh phân phối đến người tiêu dùng” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Chính vì nhiều doanh nghiệp tỏ ra ái ngại, né tránh trong việc minh bạch thông tin nên đã khiến thị trường tiêu dùng trên thế giới e ngại về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam. Đó cũng chính là yếu điểm làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản thương hiệu Việt trên trường quốc tế, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng nói chung và các nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng như nhà nước. 

Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc công khai truy xuất nguồn gốc thông tin là khâu tối cần thiết trong thời điểm tái cơ cấu sản xuất, phát triển theo hướng bền vững và góp phần nâng vị thế sản phẩm nông-thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực hiện: Lợi cả đôi đường...

Ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc dự án Truy xuất nguồn gốc điện tử, Phó giám đốc Công ty Sắc Ký Hải Đăng cho biết: “Truy xuất nguồn gốc hiện là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm. Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ phía Chính phủ, từ các tổ chức tiêu chuẩn độc lập (ISO, BAP, ASC, MSC…) mà cả từ phía người tiêu dùng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.”

Doanh nghiệp đăng ký truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ được thực hiện miễn phí thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) với dự án xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử "Traceverified."

Đặc biệt, người tiêu dùng và cơ quan quản lý có thể dễ dàng nhận báo cáo truy xuất qua các phương tiện thông tin hiện đại ngày nay như smart phone (điện thoại thông minh). Qua đó, họ có thể tiếp cận đầy đủ các thông tin về nhà sản xuất ở tất cả các khâu, quá trình sản xuất, chất lượng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, nhà nhập khẩu. Và thông tin sẽ trở nên tin cậy hơn do được cung cấp qua hệ thống độc lập của bên thứ ba. 

Mặt khác, khi áp dụng hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử, tên tuổi doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được người tiêu dùng biết đến (hiện nay người tiêu dùng chỉ biết đến thương hiệu của nhà bán lẻ).

Tuy có những lợi ích như trên, nhưng hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp còn lại không muốn hoặc không thích minh bạch thông tin. Doanh nghiệp thực hiện truy xuất chủ yếu là để đối phó với các quy định của nhà nước, mặc dù hệ thống được thiết kế riêng cho mỗi doanh nghiệp và miễn phí thiết kế cũng như hướng dẫn thực hiện.

"Do đó, để đưa truy xuất nguồn gốc điện tử vào thực hiện rộng rãi cho các doanh nghiệp thì nhà nước cần vận động, thuyết phục nhằm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và có sự tham gia của  các cơ quan quản lý," ông Lý Hoàng Hải kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Dũng-Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định khuyến nghị áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử bên cạnh việc thực hiện đơn giản thủ tục đối với doanh nghiệp khi thông quan, cấp CO, ưu tiên trong kiểm tra an toàn thực phẩm nếu áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử...

Thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu, từ năm 2012-2014, Chính phủ Đan Mạch thực hiện hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, dự án đã hoàn chỉnh việc xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho các chuỗi sản xuất tôm, cá tra, rau, trái cây và đã được áp dụng thành công tại 12 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Theo Vietnam+

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang