Bật mí mô hình mới giúp nông dân làm giàu nhờ nông sản sạch

authorHiệp Lê 17:35 15/11/2016

(VietQ.vn) - Mô hình Hợp tác xã kiểu mới giúp nông dân khởi nghiệp, làm giàu, không còn cảnh "một người, một ngựa", vừa sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường

Sự kiện: Khởi nghiệp

Không để nông dân 'một người, một ngựa'

Những mặt hàng nổi bật của người nông dân như tinh dầu, thuốc tắm, cao Atiso, mạch gân hoạt cốt, bột đắp mặt… cùng với đó là thực phẩm sạch được lòng người tiêu dùng tại Hà Nội. Với giá thành phải chăng, chất lượng đảm bảo, có chứng nhận tiêu chuẩn của nhiều tổ chức xã hội, các mặt hàng của người nông dân đã thực sự là điểm nhấn tại hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 16 lần này.

Để có được những sản phẩm chất lượng và mẫu mã chuyên nghiệp như ngày hôm nay, các tổ chức, doanh nghiệp cùng nhiều cá nhân tâm huyết đã hướng người nông dân đến với mô hình Hợp tác xã kiểu mới.

Đặc biệt, những người nông dân tại các khu vực miền núi phía Bắc bằng những lợi thế nhất định, phù hợp đã nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp mà nhiều địa phương không có được. Từng bước, các sản phẩm của người nông dân được các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ về mọi mặt và xây dựng thương hiệu riêng. Khi có thương hiệu tốt, bền vững thì những sản phẩm này có khả năng chiếm lĩnh thị trường rất lớn.

 Chị Nguyễn Thị Hội giới thiệu về sản phẩm chất lượng cao của người nông dân. Ảnh: Xuân Hiệp

Tại hội chợ, trả lời phỏng vấn của PV Chất lượng Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hội, trưởng phòng kinh doanh một tổ chức khởi nghiệp đang đồng hành cùng các sản phẩm của người nông dân cho biết: Khi còn là sinh viên của Đại học Dược, nhóm của chị đã được thành lập và tham gia một số dự án khởi nghiệp dành cho người nông dân.

"Dự án của nhóm mình sẽ tập hợp sản phẩm từ nhiều tỉnh thành vùng núi phía Bắc, xây dựng nên các sản phẩm then chốt giúp người nông dân có được thương hiệu cho riêng mình. Tiến tới, không còn tình trạng nông dân tự sản xuất và tự tìm đầu ra cho sản phẩm nữa mà sẽ xây dựng theo một chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến và sau đó là phân phối ra thị trường" - chị Hội nói.

Vị trưởng phòng kinh doanh này cũng nhấn mạnh, sau khi ra trường, dự án của nhóm chị tiếp tục được triển khai trong một công ty trực thuộc Bộ Y tế. Một số đề án ở Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn cũng như một số tỉnh thành khác đã và đang được nhóm xây dựng với mục tiêu là: Không chỉ đi theo mô hình thương mại hàng hóa mà còn đi theo mô hình chuỗi giá trị, đó là Hợp tác xã kiểu mới.

Mô hình "Hợp tác xã kiểu mới" khá đặc biệt, hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 2012. Khâu đầu tiên của mô hình là tư vấn về doanh nghiệp cho người dân. Sau đó, cùng người dân khai thác các thế mạnh sẵn có ở địa phương như nông sản, các bài thuốc dân gian… Tiếp theo, hỗ trợ người dân tạo ra những sản phẩm chuyên nghiệp hơn về chất lượng, mẫu mã. Khi tạo ra những sản phẩm như thế này thì giá trị sản phẩm sẽ lớn hơn và cạnh trạnh trên thị trường tốt hơn.

 Những sản phẩm sạch của người nông dân được quảng bá tại hội chợ. Ảnh: Xuân Hiệp

Chị Hội khẳng định: "Chúng tôi sẽ đồng hành cùng nông dân từ khâu trực tiếp thu hái đến chế biến, bảo quản và đóng gói cũng như xây dựng thương hiệu. Có cán bộ thường trực tại từng địa phương sẽ tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm từ giống cây trồng,... đến khí hậu. Nếu những địa phương có thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp thì sẽ canh tác những loại cây phù hợp nhằm mang lại giá trị cao".

Ví dụ như cây Atiso nổi tiếng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hay tại Sa Pa (Lào Cai), sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng và khí hậu ở Hà Giang thấy loại cây này hợp với điều kiện canh tác nên nhóm của chị đã tư vấn cho người dân và họ tiến hành trồng thử nghiệm. Không ngờ rằng, cây Atiso lại sống tốt ở Hà Giang, đem về những kết quả bất ngờ.

Trong khi, ở Lâm Đồng, người dân chủ yếu dùng Astiso làm thực phẩm thì với địa chất cao nguyên núi đá ở Hà Giang, người nông dân có thể sử dụng cây Astiso làm thuốc do hàm lượng Cynarin chiếm 8% (gấp 3 lần so với những nơi khác và có tác dụng tốt trong việc giải độc gan). Cùng với đó, độ đắng cao hơn cây Atiso lâm Đồng, nhờ thế mà sản phẩm cao Atiso khởi nghiệp của người nông dân Hà Giang khá nổi tiếng và có giá trị kinh tế đặc biệt, công dụng và hiệu quả cực tốt.

"Sau khi tạo nên những sản phẩm cho người dân thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp người dân thương mại hóa, kết hợp cùng với họ để đưa sản phẩm trở thành thương hiệu và đến với mọi người. Bước này có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về việc chứng nhận sản phẩm sạch, an toàn và  sau đó cùng đồng hành để gúp người dân quảng bá sản phẩm qua các kênh thông tin, đại chúng, các hội chợ...

Mỗi sản phẩm chính hãng của người nông dân đã được chứng nhận đều có có tem của Hợp tác xã, mã QR để người sử dụng sẽ kiểm tra trực tiếp nguồn gốc xuất xứ. 100% các sản phẩm hiện nay đều được chứng nhận tiêu chuẩn GACP WHO với các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới" - Chị Hội chia sẻ.

Như vậy, những người nông dân giờ đây đã không còn cảnh ‘một mình, một ngựa’ vừa sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường. Với mô hình mới này, sản phẩm của họ sẽ được xây dựng thương hiệu và đến với tay người tiêu dùng bằng một quy trình khép kín.

Người dùng yên tâm với nông sản sạch

Có mặt tại hội chợ sáng ngày 15/11, bác Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) - một người tiêu dùng, tỏ ra khá thích thú với những mặt hàng của người nông dân được bày bán và giới thệu tại đây. Với bác Vân, đây là cơ hội tốt để bác lựa chọn cho mình những sản phẩm sạch tuyệt đối và thực sự yên tâm, phục vụ cho bữa ăn gia đình của mình.

“Bác thấy cũng hay, hội chợ có nhiều thứ và mọi người nên đến thăm quan mua sắm. Bác yên tâm tuyệt đối, năm nào cũng đi và mua rất nhiều thứ. Hôm nay, bác đã mua hoa quả như táo, nho, bánh sữa, rau và thịt nữa. Mua ở đây vừa an toàn lại chất lượng tốt hơn, giá thành phải chăng” – Bác Vân nói.

 Người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng nông sản sạch tại hội chợ.

Chung quan điểm với bác Vân, cô Nguyễn Thị Nga (Nghĩa Tân – Cầu Giấy) cho biết: "Những sản phẩm của người nông dân được cấp giấy chứng nhận, đồng thời, có các tổ chức đứng ra giúp họ tổ chức quảng bá tại hội chợ như này, tôi thấy không còn gì bằng!".

Theo cô Nga, thông qua hội chợ, thực phẩm an toàn có thể đến tiếp cận và đến tận tay người tiêu dùng. Giá cả cũng phải chăng giúp người mua thỏa sức lựa chọn như thị lợn sạch giá 150.000 đồng/kg, thịt bê giá 200.000 đồng/kg, rau cải sạch giá 20.000 đồng/kg, cam Vinh 70.000 đồng/kg…

"Ở những hội chợ bày bán thực phẩm an toàn, tôi thường mua về chất đầy tủ lạnh để ăn dần bởi cơ hội này rất hiếm. Khi mua, tôi thực sự rất yên tâm. Hơn nữa, đây lại là hàng của chính nông dân nước mình nên tôi ủng hộ bà con. Tôi mong sẽ có nhiều hơn các mô hình giúp đỡ nông dân để họ có thể phát triển sản phẩm của mình. Chúng tôi cũng sẽ bớt đi nỗi lo thực phẩm bẩn trà trộn" - cô Nga tâm sự.

Tại gian hàng thực phẩm sạch của một Chi cục nông nghiệp, chưa đến 10 giờ sáng, các mặt hàng đã được bán với số lượng lớn, nhiều sản phẩm đã "cháy hàng" như súp lơ, thịt bê, bánh tét…

Chị Ngọc Khanh, nhân viên bán hàng tại đây cho biết: "Từ khi hội chợ diễn ra, gian hàng của mình luôn đông khách bởi giá thành rẻ cộng với nhiều chính sách ưu đãi, trợ giá. Thay vì đi chợ hàng ngày, nhiều người dân đã đến hội chợ mua thực phẩm về dự trữ".

Chị Khanh khẳng định: Thực phẩm tại gian hàng mà chị giới thiệu và bán bao gồm: Thịt sạch, gạo sạch, rau sạch và đồ khô như măng, nấm, mộc nhĩ, miến dong… tất cả đều được kiểm định chất lượng và là thực phẩm 100% của nông dân Việt.

Còn anh Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty nông sản sạch tại miền Trung cho biết, qua hội chợ lần này, ngoài việc giới thiệu sản phẩm, công ty anh cũng sẵn sàng kiếm tìm đối tác. Anh Trung nhắn nhủ: "Nếu bạn trẻ nào ở Hà Nội có nhu cầu khởi nghiệp từ chính các sản phẩm mà chúng tôi mang đến hội chợ, chúng tôi sẽ hợp tác và sẵn sàng hỗ trợ tối đa về mọi thứ".

Như vậy, thông qua hội chợ, các sản phẩm không chỉ được quảng cáo, giới thiệu, bày bán mà nhiều bạn trẻ với đam mê khởi nghiệp còn có thể tìm được cho mình nguồn hàng tốt để tiến tới thực hiện ước mơ kinh doanh trong tương lai. 

Cùng xem một số hình ảnh diễn ra tại hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 16 diễn ra sáng nay tại Hà Nội (Ảnh: Xuân Hiệp):

Những sản phẩm được chế biến từ dầu dừa Bến Tre cũng có mặt tại hội chợ lần này. 

 Một gian hàng bày bán và giới thiệu ngũ cốc sạch. 

 Sản phẩm nước mắm sạch nhận được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng Hà Nội. 

 Gian hàng thịt lợn sạch luôn đông đúc. 

 Thịt lợn có giá khoảng 150.000 đồng/kg.

 Đặc sản gạo Tây Bắc cũng được giới thiệu và bán tại hội chợ.

 Nhiều mặt hàng đồ khô và bánh chưng được bày bán thu hút người tiêu dùng.

 Đặc sản Cam Vinh được nhiều người chọn mua.

 Hội chợ đang diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông Nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).

 Hiệp Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang