'Mô hình VAT' phiên bản 4.0: Nền tảng phát triển bền vững

author 06:47 26/09/2020

(VietQ.vn) - Mô hình vườn ao chuồng (VAT) từ lâu là nền tảng hướng đến sự phát triển bền vững, ngày nay được cải tiến và trở thành mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giúp doanh nghiệp gắn sản xuất sản phẩm chất lượng cao với bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, để phát triển bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành chủ đề rất nóng tại các diễn đàn kinh tế Việt Nam, trong khi kinh tế tuyến tính quy trình bắt đầu từ vốn nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ thì đối với kinh tế tuần hoàn chính là nói đến mô hình ưu việt, thể hiện ở chỗ giúp doanh nghiệp các quốc gia thúc đẩy phát triển bền vững và hướng đến thải bỏ bằng zero.

Chính vì điều này, bài toán kinh tế tuần hoàn đã giải quyết vấn đề giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Thảm hoạ do con người gây ra không chỉ là chiến tranh giữa các quốc gia, mà gần đây là con người với môi trường và dịch bệnh. Rất nhiều quốc gia giành nhiều nỗ lực và chung tay giải quyết vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

 TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp, ở Việt Nam hiện nay, các bộ ngành cũng như các doanh nghiệp đang tích cực hưởng ứng sáng kiến liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, có thể thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua đã rất tích cực đưa các quy định, vấn đề quản lý vào trong các văn bản, dự thảo sắp tới. Bên cạnh đó, ở góc độ cơ quan quản lý, Hiệp hội doanh nghiệp phát triển bền vững (trực thuộc VCCI) hằng năm đều tổ chức diễn đàn về kinh tế tuần hoàn chuyên sâu và mời các nhà công nghệ, các đơn vị tài chính… để trao đổi và chia sẻ những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn. Ngay cả Viện Năng suất Việt Nam cũng luôn có dự án hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp về năng suất xanh và phát triển bền vững.

Ở góc độ doanh nghiệp có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam rất quan tâm đến kinh tế tuần hoàn. Vào tháng 6/2019, Nestlé đã cùng một số các tập đoàn lớn thành lập nên Liên Minh PRO VIỆT NAM giúp ứng phó xử lý tái chế các nguyên liệu, các sản phẩm của các doanh nghiệp và hướng đến 100% sản phẩm được tái chế vào năm 2025.

Cùng với đó, Hội đồng công trình xanh Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng, ví dụ chúng ta hướng đến việc giảm mức sử dụng nguyên liệu nhiều nhất, giảm mức sử dụng các vật liệu gây ô nhiễm, tăng cường các thiết bị, công cụ thay thế được và giảm các không gian chôn lấp trong quá trình xây dựng. Hướng đến quy trình khép kín từ vấn đề thiết kế, xây dựng, sử dụng và tháo dỡ công trình.

 Ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp ngày càng diễn ra mạnh mẽ

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp có rất các doanh nghiệp hướng đến mô hình này. Ví dụ như Vinamilk đã áp dụng mô hình kinh tế vào toàn bộ quy trình và hướng các sản phẩm đến tay người tiêu đều hướng đến bảo vệ môi trường.

Để khuyến khích và hỗ trợ hoạt động kinh tế tuần hoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức rất nhiều chương trình đào tạo cũng như nâng cao nhận thức, thông qua Tổ chức Năng suất Châu Á. Hằng năm, Tổ chức Năng suất Châu Á mở ra rất nhiều khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn cũng như nghiệp vụ huy động các nguồn lực thể thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó, trái phiếu xanh là một ví dụ như vậy. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, xây dựng hợp tác cụ thể từ các tổ chức, đơn vị như VCCI, CBI, Trung tâm Năng suất của Đài Loan…

Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình 1322 hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất chất lượng đến năm 2030, trong đó  quy định rất cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các công cụ năng suất xanh và hướng tới kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hội nhập.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, các bộ công cụ hướng tới phát triển và bảo vệ môi trường. Ví dụ như: bộ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, bộ tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… Sắp tới, Tổng cục TCĐLCL cũng sẽ hướng đến phổ biến đưa bộ tiêu chuẩn của Anh BI 8001:2017 vào trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng các khung phát triển về kinh tế tuần hoàn.

 Hà My

Thủ thuật xử lý nhanh khi phát hiện điện thoại bị phồng pin(VietQ.vn) - Pin điện thoại bị phồng pin không chỉ ảnh hưởng tới quá trình sử dụng mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vậy đâu là thủ thuật xử lý nhanh và chuẩn nhất?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang