Mở rộng quy mô doanh nghiệp: 'Giục tốc bất đạt'

author 06:18 16/11/2019

(VietQ.vn) - Việc mở rộng hệ thống chi nhánh, showroom không những tạo ra sự lớn mạnh cho doanh nghiệp (DN) về quy mô mà còn giúp doanh nghiệp khẳng định năng lực sản xuất, gia tăng uy tín thương hiệu trên thị trường, mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng thị phần. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ, đây có thể là con dao hai lưỡi khiến DN phải trả giá rất đắt.

Vốn đâu phải là tất cả?

Món Huế là một trong những thương hiệu F&B (Food and Beverage Service - một loại hình dịch vụ về phục vụ ẩm thực) của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Và đây cũng là cái tên từng được xem là DN đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B) khi huy động hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo một nguồn tin, ông chủ Huy Nhật của công ty Huy Việt Nam từng nhờ một số bên tư vấn theo hai hướng nhượng quyền và tự mở rộng kinh doanh. Cuối cùng, Huy Việt Nam đã chọn con đường tự đầu tư mở rộng kinh doanh thông qua gọi vốn.

Trong kinh doanh, vốn không phải là tất cả. 

Sau khi nhận được vài chục triệu USD từ các quỹ đầu tư, Huy Việt Nam đã có tốc độ mở rộng chuỗi với quy mô chóng mặt. Chỉ riêng năm 2015, ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express đã nâng số cửa hàng gấp 7 lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015. Trước khi đóng cửa hàng loạt, Huy Việt Nam có 200 điểm bán với 10 thương hiệu khác nhau.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Món Huế 3 năm gần nhất cho thấy họ giữ nguyên mức doanh thu khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm, Món Huế từ chỗ lãi gần 300 triệu đồng năm 2016 đã lỗ lần lượt 54 tỷ đồng và 50 tỷ đồng vào các năm 2017 và 2018. Lỗ lũy kế của chuỗi này vào cuối năm 2018 là khoảng 107 tỷ đồng.

Và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Món Huế khi quy mô mở rộng chuỗi nhanh nhưng dung lượng thị trường không tăng nhiều. Khi doanh thu không cải thiện mà bộ máy ngày càng phình to thì đương nhiên sẽ phải đối mặt tình trạng lỗ luỹ kế.

Câu chuyện tương tự cũng xảy đến với The Kafe trước đây. Sau khi nhận vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, DN này đã mở rộng chuỗi rất nhanh nhưng vì tốc độ phát triển vượt quá khả năng quản trị sẽ dẫn đến sụp đổ. Vì thế mà chỉ sau hơn 1 năm gọi vốn thành công, The Kafe đã không còn trên thị trường.

Thế mới thấy, không phải cứ có vốn đã là có tất cả và “giục tốc thì bất đạt”!

Bài học về điều hành

Mở ra nhiều nhưng khi có những cửa hàng hoạt động không hiệu quả lại không đủ tỉnh táo để đóng cửa, cắt lỗ các khiến tình trạng lỗ rộng ra và nhiều hơn. Cụ thể, năm 2016 Món Huế còn lãi khoảng 300 triệu đồng nhưng sang năm 2017, 2018 liên tục lỗ 54 và 50 tỉ đồng.

Nếu nói về việc mở chuỗi nhanh, chuỗi Món Huế chưa là gì so với Thế giới Di động và FPT Shop. Nhưng 2 “ông lớn” này lại rất quyết đoán trong việc cắt lỗ. Bất kỳ cửa hàng hay siêu thị nào hoạt động được một khoảng thời gian khá lâu mà lỗ liên tục từ vài ba tháng trở lên là phải xem xét, rà soát thậm chí là đóng cửa. Ví dụ chỉ từ 2018 – 2019, Thế Giới Di Động đã đóng cửa 48 cửa hàng của mình vì kinh doanh không hiệu quả.

 
Sự sụp đổ của những Món Huế hay The Kafe sẽ là bài học nhãn tiền cho nhiều doanh nghiệp khi cứ mải mê chạy theo việc phát triển số lượng cửa hàng mà quên tính toán đến các rủi ro từ thị trường có thể xảy đến.
 

Ngoài ra, việc phát triển chi nhánh, mở rộng hệ thống kinh doanh cũng cần đi kèm với chất lượng các sản phẩm đến tay khách hàng luôn phải được đảm bảo, thậm chí phải ngày càng tốt hơn. Một khi đã không còn sự đồng bộ trong chất lượng và quản lý sẽ giống như một bánh răng chạy lệch trong đồng hồ và kéo theo những phản ứng dây chuyền khiến doanh nghiệp dễ sảy chân.

Phở 24 là một bài học. Trong thời kì cuối chuẩn bị chuyển giao từ chủ sở hữu Việt Nam cho phía nước ngoài, chất lượng phở dần bị thả nổi không kiểm soát. Từ một chuỗi phở thương hiệu có tiếng và đáng tự hào của Việt Nam lại dần bị chìm lắng và đến nay thì gần như không còn tạo được ấn tượng gì.

Ưu tiên vào chất lượng sản phẩm là chiến lược kinh doanh xuyên suốt của Tập đoàn Hải Âu. 

Trong khi đó, Tập đoàn Hải Âu tuy không rầm rộ trong việc phát triển số lượng showroom, đại lý nhưng lại phát triển ngày càng ổn định. Cụ thể, sau 8 năm thành lập, Tập đoàn này mới chỉ xây dựng 7 chi nhánh trên cả nước và hơn 200 đại diện thương mại.

Lý giải về điều này, đại diện Tập đoàn Hải Âu cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên, chú trọng vào việc đảm bảo, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm những chiếc máy làm đá viên, máy làm kem tươi, tủ nấu cơm công nghiệp,… bởi lẽ khi khách hàng cảm thấy hài lòng với sản phẩm của bạn sẽ giúp thu hút nhiều khách hàng khác, đây là điều tốt hơn so với việc chạy đua để phát triển các chi nhánh”.

“Ngoài ra, các chính sách bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng cùng việc cải thiện từng bước công tác quản lý, tối ưu chi phí vận hành thường xuyên cũng giúp Hải Âu giảm thiểu rất nhiều áp lực tài chính của doanh nghiệp”, vị đại diện Tập đoàn Hải Âu tiếp tục khẳng định.

Doanh Chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang