MobiFone cổ phần hóa: Chọn đối tác nào?

author 09:16 10/10/2014

Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn viễn thông lớn đã và đang “nhòm ngó” đến kế hoạch cổ phần hóa MobiFone...

mobiphone, viễn thông, cổ phần hóa, nhà đầu tư, truyền thông

Tại buổi họp giao ban tháng 9 (6/10/2014), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo đến cuối năm 2014, sẽ trình phương án cổ phần hóa MobiFone lên Chính phủ và đến năm 2015 thì triển khai cổ phần hóa.

Kế hoạch cổ phần hóa MobiFone thời điểm hiện tại đang được đốc thúc và triển khai khẩn trương hơn bao giờ hết.

Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn viễn thông lớn đã và đang “nhòm ngó” đến kế hoạch này. Gần đây nhất là công ty Telenor (Na Uy).

Trong buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Arne Kjetil Lian, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Telenor cho biết, công ty này rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa của MobiFone. Công ty muốn tham gia vào việc cổ phần hóa MobiFone cũng như góp cổ phần chi phối.

Trước đó, đầu tháng 8/2014, đại diện Comvik (Thụy Điển) - đối tác chiến lược với MobiFone trong hợp đồng hợp tác kinh doanh thời gian từ 1990-2005, cũng đã có buổi gặp lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông và bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư vào Việt Nam, trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone cổ phần hóa.

“Comvik đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư vào MobiFone. Với quá trình hợp tác lâu dài trước đây, Comvik có cơ hội và khả năng thành công tốt hơn để đầu tư vào MobiFone so với các nhà đầu tư nước ngoài khác”, ông M. A Zaman, Chủ tịch Comvik International Vietnam AB, nói.

Ở thời điểm hiện tại, sẽ không ngạc nhiên nếu một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, nhà đầu tư “ngoài ngành” cũng muốn thành đối tác chiến lược của MobiFone, nhà mạng viễn thông được xem là làm ăn hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các mạng di động tại Việt Nam.

Trong một lần trò chuyện với VnEconomy, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone (khi đó là Tổng giám đốc MobiFone) cho rằng, chủ trương cổ phần hóa là tốt, hợp với xu thế, nhưng nếu cổ phần hóa bằng mọi giá thì không hẳn đã tốt.

Ông phân tích, thị trường viễn thông cạnh tranh rất khắc nghiệt, công nghệ thay đổi nhanh, nên nếu các nhà đầu tư chiến lược và đối tác đơn thuần chỉ có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng ngoài ngành, không am hiểu, thì đôi khi còn làm tụt lùi doanh nghiệp.

“Các đối tác, nhà đầu tư chiến lược của MobiFone chắc chắn phải là những người am hiểu, yêu nghề và luôn có những sáng tạo với nghề, thì mới giúp MobiFone phát triển mạnh lên được”, ông Mai Văn Bình nói.

Theo VnEconomy

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang