Mối họa...nước ngầm

author 22:12 17/09/2013

Lún sụp mặt đất, ô nhiễm, xâm nhập mặn… là những hậu quả đang xảy ra tại TP HCM có sự “đóng góp” từ việc hạ thấp mực nước ngầm.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đang lấy ý kiến các địa phương, sở - ngành, viện - trường… về đề án lập bản đồ phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất. Dự kiến việc lấy ý kiến sẽ kết thúc trong tháng 10 để sở tổng hợp và trình UBND TP phê duyệt.

Mực nước hạ thấp 13 m

Ông Phan Văn Tuyến, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (đơn vị tư vấn lập đề án), cho biết mực nước ngầm tại TP sụt giảm đáng kể trong 10 năm qua (2002-2012). Cụ thể, tầng chứa nước qp2-3, mực nước giảm từ 0,9-13,45 m, mức độ suy giảm mạnh nhất là tại quận 12 (tới 13,45 m). Tầng chứa nước qp3, mực nước giảm từ 0,09 m - 3,73 m. Tầng chứa nước qp1, mực nước giảm từ 1,63 m (huyện Cần Giờ) đến 10,03 m (huyện Bình Chánh). Tầng chứa nước n2, mực nước giảm từ 1,06 m (huyện Cần Giờ) đến 8,85 m (quận 12)… Tốc độ đô thị hóa cùng với việc gia tăng sản xuất đã khiến tài nguyên nước ngầm bị khai thác quá khả năng của nó và khai thác không đúng cách. Mực nước ngầm liên tục hạ thấp là một trong những nguyên nhân gây ra các tai biến môi trường trên địa bàn TP trong thời gian qua: lún mặt đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước… Đồng thời, mực nước hạ thấp cũng làm tăng chi phí điện, lưu lượng công trình sẽ giảm và làm tăng vốn đầu tư cho 1 m3 nước, hiệu quả sản xuất vì thế cũng sẽ bị giảm. Do đó, việc hạn chế và cấm hẳn khai thác nước ngầm đối với một số khu vực là cần thiết và cấp thiết. Thống kê của Sở TN-MT cho biết công suất khai thác nước ngầm tại TP vào khoảng 700.000 m3/ngày đêm với trên 300.000 giếng.

Theo quy hoạch cấp nước TP HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất này sẽ giảm còn 440.000 m3/ngày đêm vào năm 2015 và 100.000 m3/ngày đêm vào năm 2025.

Phải phủ nhanh mạng lưới cấp nước sạch

Sở TN-MT và đơn vị tư vấn đã lập đề án phân chia 3 vùng khai thác nước ngầm: vùng cấm (gồm các quận nội thành, tập trung đông dân cư: 1, 2, 3, 4, 5,…) là vùng mực nước hạ thấp lớn, nguy cơ lún mặt đất xảy ra mạnh hơn các vùng khác, gần ranh mặn và có bãi rác. Nếu thực hiện cấm khai thác sẽ tạo điều kiện dâng mực nước ngầm lên. Do đó, quy mô lún mặt đất, ô nhiễm sẽ được giảm, đặc biệt là có thể đẩy ranh mặn ra xa hoặc là giữ nguyên vị trí cũ; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất gồm các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Cần Giờ và một phần huyện Nhà Bè; vùng khai thác nước dưới đất (vẫn hạn chế khai thác một số tầng) gồm quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi…

Hiện nay, hệ thống cấp nước của TP vẫn chưa đến được với nhiều quận - huyện, nước ngầm vẫn là nguồn chủ lực để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Chính vì vậy, các địa phương đề nghị Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cần nhanh chóng phủ kín mạng lưới đến các phường - xã cũng như bảo đảm chất lượng nước cấp. Lộ trình thực hiện bản đồ hạn chế, cấm khai thác nước ngầm phải trùng với lộ trình phủ kín mạng lưới của SAWACO. Dẫu vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm triệt để việc khai thác nước ngầm. Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản Sở TN-MT, khẳng định nước ngầm vẫn là một phần trong hệ thống cấp nước hoàn chỉnh của TP. Năm 2014, Sở TN-MT sẽ tiến hành điều tra, đánh giá hệ thống giếng khai thác có lưu lượng từ 200 m3/ngày trở lên. Những giếng tốt sẽ được cải tạo, nâng cấp để kết hợp với mạng cấp nước mặt, phục vụ toàn TP; đồng thời dự phòng trong trường hợp mạng lưới nước mặt xảy ra sự cố. Một số giếng sẽ được sử dụng cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Các giếng có cấu trúc không tốt, xuống cấp… sẽ lên kế hoạch trám lấp để tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nhiều chỉ số vượt quá tiêu chuẩn

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN-MT) vừa thông báo diễn biến tài nguyên nước dưới đất năm 2012 và dự báo diễn biến từ tháng 6 đến tháng 9-2013. Theo đó, nhiều điểm quan trắc tại TP HCM có chỉ số vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, xã Lê Minh Xuân, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), xã Bình Khánh và Long Hòa (huyện Cần Giờ) vượt về chỉ số TDS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước), trong đó chỉ số TDS xã Long Hòa là 36.900 mg/lít (tiêu chuẩn cho phép 1.500 mg/lít). Các xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), phường Tân Chánh Hiệp và Thạnh Lộc (quận 12) vượt về hàm lượng amoni. Thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), phường Đông Hưng Thuận (quận 12) vượt về hàm lượng mangan; trong đó thị trấn Tân Túc có hàm lượng mangan lên đến 3,86 mg/lít (tiêu chuẩn cho phép: 0,5 mg/lít)…

Thu Sương

Theo Người lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang