Mối lo từ những quảng cáo 'thổi phồng' công dụng thuốc đông y

author 06:17 05/04/2021

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, người dân không nên quá tin tưởng vào những quảng cáo thuốc đông y trên mạng xã hội vì dễ ‘gặp họa’.

Sử dụng chiêu bài thổi phồng công dụng chữa bách bệnh của các loại thuốc đông y tự chế…, nhiều “thần y” đã bắt bệnh, bán thuốc rầm rộ trên mạng xã hội. Tin vào những lời quảng cáo "có cánh", nhiều người đã phải chịu hậu quả nặng nề. Dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về hệ lụy khi khám, chữa bệnh trên mạng xã hội, nhưng mối lo vẫn còn đó khiến nhiều người rước họa vào thân.

Tính mạng bị đe dọa vì... mua thuốc đông y online

Thời gian gần đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết trung ương đã tiếp nhận 3 bệnh nhân đái tháo đường tự ý mua thuốc Nam, thực phẩm chức năng được quảng cáo kiểm soát đường huyết cấp tốc trên mạng xã hội. Sau một thời gian dùng thuốc, 3 người này đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, đường huyết tăng cao. Thậm chí, có trường hợp bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Người dân không nên tin tưởng quảng cáo thuốc đông y trên mạng. Ảnh minh họa 

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân nam 64 tuổi (ở Hà Nội), mắc bệnh đái tháo đường 3 năm, tăng huyết áp 2 năm kèm biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2 nhưng đã tự ý bỏ đơn thuốc do bác sĩ chỉ định, thay vào đó dùng thuốc đông y rao bán trên mạng xã hội. Sau 22 ngày uống, bệnh nhân phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt, đau tức ngực. Khi bệnh nhân vào viện đã trong tình trạng suy hô hấp, tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi... May mắn, nhờ được cứu chữa kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 55 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng cổ chân sưng to, đau nhức, đi lại khó khăn sau khi sử dụng thuốc đông y mua trên mạng xã hội.

Là nạn nhân của việc mua thuốc đông y trên mạng xã hội, ông Trần Văn Yên, đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) kể lại, cách đây 6 tháng, đi khám tại bệnh viện, ông được bác sĩ chẩn đoán ung thư sỏi mật phải phẫu thuật. Tuy nhiên, ông không thực hiện theo chỉ định của bác sĩ mà tự uống thuốc đông y mua trên mạng xã hội Facebook. Sau 1 tháng sử dụng, ông bị những cơn đau bụng hành hạ nên phải nhập viện và bác sĩ đã phải chỉ định phẫu thuật ngay vì sỏi đã gây tắc nghẽn đường dẫn mật.

Tương tự, phát hiện mắc u tuyến giáp từ 2018, bà Đ.T.T (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) hàng tháng vẫn đều đặn đi khám và nhận thuốc điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, sau khi xem trên ti vi thấy có quảng cáo nhà thuốc Đông y gia truyền “đặc trị tuyến giáp, bướu cổ”, bà T. chuyển hướng chữa bệnh.

Theo lời kể của bà T: “Nhà có ti vi kết nối mạng nên các cháu hay bật các chương trình lên xem, xen vào đó thường có các quảng cáo bán hàng. Tình cờ có lần bà nghe thấy thông tin bán thuốc đông y đặc trị tuyến giáp, đúng với triệu trứng mình gặp phải lại cam kết “chữa bệnh dứt điểm”, nên ghi lại số điện thoại và địa chỉ tìm đến".

Sau lần khám đầu, bà T. nhận được liều điều trị “lâu dài và kiên nhẫn”, cứ 3 tháng uống thuốc, nghỉ 1 tháng rồi uống lại. Đi kèm với thuốc là danh sách hàng loạt các thực phẩm phải kiêng như: Tôm, cua, cá, ốc, thịt bò, thịt gà, chim bồ câu…

Bà T cho biết thêm: “Họ cam kết nếu theo đúng hướng dẫn sẽ tiêu, thu nhỏ kích thước, giảm số lượng các khối u trong cơ thể, ngăn chặn khối u tái phát… Thế nhưng sau 1 năm dùng thuốc, tôi tới bệnh viện tái khám, bác sĩ thông báo buộc phải phẫu thuật gấp khi các khối hạch đã tràn ra đầy cổ, chuyển sang giai đoạn ung thư”.

Tương tự, bà V.T.M (Quang Minh, Kiến Xương, Thái Bình) cũng vừa phải nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong tình trạng viêm phế quản, tím tái, khó thở. Qua tìm hiểu, bà M. cho biết, trước đó đã nghe lời quảng cáo, tìm mua thuốc đông y điều trị hen suyễn trên mạng. Nghe họ quảng cáo thì có thể điều trị hen suyễn lại chữa được cả xương khớp nên tin tưởng mua. Hai tháng họ lại gửi thuốc về tận nhà với giá hơn 2 triệu đồng/lần. Sau khi uống được một thời gian thì bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm khiến bà phải đi bệnh viện khám trong tình trạng nguy kịch".

Tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc kháng histamin chống dị ứng(VietQ.vn) - Thuốc kháng histamin chống dị ứng làm giảm hoặc ngăn chặn histamin, từ đó ngăn chặn các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này cần đặc biệt lưu ý tới các tác dụng phụ của nó.

Cần tỉnh táo trước các 'chiêu' thổi phồng công dụng của thuốc đông y

Hiện nay, trên các trang Facebook, Zalo... nhan nhản quảng cáo bán các loại thuốc chữa bệnh thần kỳ. Ví như, Facebook “Chữa ung thư bằng thuốc đông y quảng cáo bệnh sẽ biến mất chỉ sau 6 tháng uống thuốc...Trước thông tin này, bác sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo, mọi người khi có vấn đề về sức khỏe thì nên đến khám, chữa bệnh ở những cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Nếu sử dụng thuốc đông y phải có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc đông y có trộn thành phần thuốc Tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nội tiết trung ương) lưu ý, người bệnh cần tỉnh táo, tránh dùng các sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không được cấp phép đang rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Về nguy hại của việc tự ý mua và sử dụng thuốc đông y trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thực trạng này rất nguy hiểm vì hầu hết người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Chưa kể, thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm..., khiến người bệnh có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trong mọi trường hợp, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Cũng theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhấn mạnh, nhiều loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc có thể bị trộn lẫn tân dược như corticoid, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen... Đáng chú ý, việc điều trị bệnh nhân dùng thuốc trộn corticoid còn khó khăn hơn nhiều lần so với thông thường bởi không thể định lượng được hàm lượng thuốc đã được sử dụng.

Mối họa từ việc mua, bán thuốc đông y trên mạng xã hội tồn tại đã lâu và gây nhiều bức xúc cho xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho những "thần y" này. Chỉ khi kết hợp nhiều giải pháp thì mối lo về thuốc đông y trôi nổi trên mạng xã hội mới dần được loại trừ.

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang