Mỗi mùa Tết qua đi, là bao nỗi niềm đọng lại!

author 06:14 15/02/2018

(VietQ.vn) - Mỗi dịp Tết, phố phường lại náo nhiệt với hình ảnh những chậu đào, cây quất. Thế nhưng ít ai biết rằng, để có được một chậu đào, cây quất cho mọi người trưng Tết thì đằng sau đó là những nỗi niềm mà chỉ người nông dân mới thấu.

Nếu những cây trồng nông nghiệp khác một năm thường có hai đến ba vụ canh tác và thu hoạch thì với đào, quất mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch vào dịp Tết. Cùng với đó, ngoài công chăm sóc tỉ mỉ và chu đáo để đào, quất sinh trưởng và phát triển đúng dịp Tết cũng khiến những người nông dân trồng đào, quất vất vả hơn bội phần.

Tại Hà Nội, Nhật Tân được coi là thủ phủ của đào, quất Tết. Đây là địa chỉ mà dịp Tết hàng năm thường cung cấp cho thị trường thủ đô nói riêng và cả nước nói chung hàng vạn gốc đào, quất cảnh. Chẳng thế mà, thương hiệu đào Nhật Tân, quất Tứ Liên đã đi sâu và gắn bó với người dân Hà thành xưa. Cứ khi nào, trên những khu chợ như Quảng An, Quảng Bá (Tây Hồ) hay Hàng Lược (Hoàn Kiếm) thấy bóng dáng của những chậu đào, cây quất thì khi đó mùa xuân đã về.

Tại Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội), những ngày Tết Mậu Tuất người dân trồng đào nơi đây như tất bật hơn và nụ cười thường trực trên môi. Có lẽ, qua nhiều năm nay, Tết Mậu Tuất được coi là năm mà người trồng đào “an nhàn” hơn chút vì thời tiết thuận lợi. Bởi, thời tiết chính là một trong những yếu tố chi phối rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây đào.  

Mỗi mùa Tết qua đi, là bao nỗi niềm đọng lại!

 Tết Mậu Tuất người dân trồng đào vui hơn vì thời tiết ủng hộ.

Tết Mậu Tuất năm nay, thời tiết “đứng về phe” những người trồng đào. Người dân Nhật Tân đã thoát được “ác mộng” về những cánh đào bung hoa trước Tết như nhiều năm trước. Dù rằng, giá đào không tăng cao, thế nhưng những khoản chi phí dành cho việc chăm sóc đào như dùng điều hòa, hệ thống tưới sương… đã không cần sử dụng đến. Năm nay, nhiều nhà vườn đã tiết kiệm được tối đa chi phí phát sinh cũng như có một mùa Tết bội thu, không còn cảnh “đào cười người khóc”.

Ông Phạm Văn Toan, chủ một vườn đào tại Nhật Tân chia sẻ: Khi đào đã lên chậu xuống phố rồi chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tết Mậu Tuất có thể nói là một năm mà người trồng đào tuy mồ hôi rơi nhưng nụ cười đã nở trên môi. Bởi vì, không còn phải tự tay mình chặt bỏ những cành đào bung hoa do nắng nóng nữa. “Năm 2017 đúng là năm mà chúng tôi vừa rơi mồ hôi, vừa rơi nước mắt trong cuộc chạy đua với thời tiết. Có thể, với người dùng, họ chỉ cần quần áo đẹp và đi chợ chọn những cây đào ưng ý nhất về chưng Tết. Nhưng với chúng tôi, để có được những cành đào, cây đào lên chậu không chỉ chân lấm tay bùn quần áo thấm dẫm mồ hôi mà là ngày ngày mất ăn mất ngủ. Là những đêm âu lo mong trời trở lạnh để đào không nở sớm”, ông Toan vui vẻ nói.

Theo ông Toan, mỗi mùa đào Tết qua đi, đọng lại với người nông dân trồng đào là những giọt mồ hôi và sự thở phào nhẹ nhõm để chuẩn bị bắt tay vào vụ mùa mới. Bởi, một năm chỉ có một mùa đào, dù mất mùa hay được mùa nhưng chỉ cần được thấy những chậu đào xuống phố là người trồng đào cũng thấy an ủi phần nào.

Bà Nguyễn Thị Chi, tổ dân phố 8 Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, những ngày cận Tết là những ngày mà người dân trồng đào lo âu nhất. Bởi đây là khi mà những công đoạn cuối cùng đã hoàn thành, là thời điểm mà thời tiết chính là nhân tố quyết định sự được, mất của những vườn đào Nhật Tân.

“So với những thương hiệu đào khác thì đào Nhật Tân có được vị thế cũng như chỗ đứng trong lòng người Hà Nội. Cánh đào Nhật Tân luôn dày, sắc thắm đặc trưng và có mùi thơm nhẹ. Ngày nay, đa phần người dùng thường ưa chuộng đào thế, đào lâu năm vậy nên việc chăm sóc đào đòi hỏi phải tỉ mỉ cũng như kĩ lưỡng hơn rất nhiều”, bà Chi cho biết.

Và ngay say khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất qua đi, chỉ đầu tháng 3 Dương lịch, người dân Nhật Tân lại bắt đầu một mùa đào mới với những buồn vui cho vụ mùa Tết năm sau.

Cũng giống như đào, những người trồng quất Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) cũng đã có một mùa bội thu nhờ thời tiết thuận lợi. Tết Mậu Tuấn năm 2018 đã đánh dấu sự lên ngôi của nhiều dáng quất “độc lạ” được các nghệ nhân tung ra thị trường. Trong đó, với sự sáng tạo theo Phong thủy những cây quất bonsai được tạo hình trên lưng chó đốm đẹp mắt chính là điểm nhấn của mùa Tết năm nay. Theo những nhà vườn trồng quất tại Tứ Liên thì để tạo ra một cây quất thế không hề đơn giản, phải mất nhiều năm mới có thể có được sản phẩm như ý.

“Tại vườn quất nhà tôi, bình quất chó đốm có giá rẻ nhất là 3 triệu đồng, đắt nhất là hơn 10 triệu đồng. Giá quất tùy thuộc vào dáng, thế và cành chuyền, gốc có lâu năm hay không. So với những năm trước thì năm nay, giá quất có cao hơn một chút”, ông Nguyễn Văn Hội chủ một vườn quất tại Tứ Liên cho biết.

Ông Hội chia sẻ thêm, công đoạn để chăm sóc quất thế rất phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Quất thế Tứ Liên phải tạo dáng ít nhất hai năm. Thậm chí, nhiều cây quất thế còn phải đợi gốc có thâm niên mới có thể bắt đầu tạo dáng.  

Mỗi mùa Tết qua đi, là bao nỗi niềm đọng lại!

 Tết Mậu Tuất, quất cảnh trên lưng chó đốm lên ngôi.

Đặc điểm lớn nhất của quất thế Tứ Liên là phải có cành huyền, cành rủ xuống tới gần đáy bình. Người dùng chọn mua quất Tứ Liên nên chọn mua những cây có cành huyền đẹp, xuống sát đáy bình và nhìn màu sắc của lá cây. Nếu lá cây màu xanh, tràn đầy sức sống thì đó là những cây quất khỏe mạnh.

“Chọn quất thế Tứ Liên ngoài việc chọn dáng độc, người dùng nên chọn những cây có nhiều mầm, nhiều chồi. Những cây có quả xanh, quả chín hoặc có thêm cả hoa nữa thì càng tốt. Tuy nhên, những cây quất hội tụ đủ các tiêu chí trên thì khá là đắt tiền” ông Hội nói.

Với những gia đình Hà Nội xưa, mỗi độ Tết đến, Xuân về dù gia đình nghèo khó hay giàu sang trong nhà cũng phải có một chậu đào Nhật Tân hay bình quất Tứ Liên cùng những chiếc bánh chưng xanh vưng vức để mong một năm mới bình an, sung túc.

Phương Nam

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang