Mỗi năm có 2,2 triệu người chết vì thực phẩm bẩn

author 10:08 19/06/2015

(VietQ.vn) - Thực phẩm mỗi năm đang giết chết đi 2,2 triệu người, là nguy cơ lớn gây ra nhiều vụ ngộ độc tại nhiều nước phát triển trên thế giới.

Thông tin nói trên được cung cấp tại Hội thảo “Vệ sinh An toàn thực phẩm vì quyền lợi của người tiêu dùng” vừa được tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, trên toàn cầu thường hay xảy ra khoảng 40 triệu vụ ngộ độc khác nhau, trong đó đa số là xảy ra tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại những nước phát triển, ước tính có khoảng 1/3 dân số là là bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây nên.

Bệnh tiêu chảy do thực phẩm và nguồn nước ô nhiễm đã làm cho 1/3 dân số ở các nước này bị ảnh hưởng, trong đó ước tính đã có 2,2 triệu người chết mỗi năm, đa số là trẻ em.

Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 2,2 triệu người chết vì thực phẩm 'bẩn', ngộ độc (ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINATAS) cho biết, thực phẩm bẩn làm gia tăng bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim và các loại bệnh ung thư. Thống kê cho thấy, với chế độ ăn không lành mạnh, người dân sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường, khiến cho chi phí chống 2 căn bệnh này lên đến 2 triệu USD mỗi năm.

Những tác hại của thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người được đánh giá là còn hơn tác hại của hút thuốc lá. Đây là một vấn nạn chung của các nước trên toàn thế giới, nhất là đối với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Số vụ ngộ độc tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, từ 167 vụ ngộ độc trong năm 2013 đã tăng lên 194 vụ trong năm 2014. Số người chết vì ngộ độc trong năm 2013 là 28 người, thì trong năm 2014 đã tăng lên 43 người.

Chính phủ, Quốc hội đã ban hành rất nhiều văn bản, luật có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm chấn chỉnh kịp thời công tác này, nhưng số vụ ngộ độc vẫn không ngừng gia tăng. Về nguyên nhân của việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra rằng: Do chế biến vật nuôi, cây trồng bị ô nhiễm bởi hóa chất, sử dụng tràn lan các chất nằm ngoài danh mục hay bị cấm, sử dụng tràn lan phẩm màu công nghiệp không được cho phép…

Những thực phẩm không an toàn đến với tay của người tiêu dùng là vì các công ty quảng cáo làm tràn lan, thiếu kiểm chứng, quảng cáo không trung thực, gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng, lực lượng tiếp thị thiếu cập nhật các thông tin mới.

Là một trong những nơi tiêu thụ thực phẩm lớn nhất Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi Cục vệ sinh An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng: Việc phần lớn các nguồn gốc thực phẩm là do nơi cung cấp chịu trách nhiệm, đã đặt ra nhiều vấn đề thách thức lớn cho TP.HCM trong việc đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho địa bàn này.

Trước tình hình này, ngoài việc tăng cường kiêm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở thực phẩm, nhân rộng các điển hình quản lý chuỗi thực phẩm an toàn tại TP.HCM, bác sĩ Huỳnh Mai còn khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nếu phát hiện có thực phẩm sai phạm, cần tiến hành báo ngay cho các cơ quan chức năng, để kịp thời ngăn chặn nguồn lây lan ngoài thị trường từ thực phẩm không thể sử dụng.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang