"Moi" tiền Ngân sách sử dụng không hiệu quả

author 07:56 17/06/2013

(VietQ.vn) - "Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước người ta có rất nhiều cách để người ta moi tiền từ ngân sách và xin được ngân sách nhà nước càng nhiều thì càng tốt nhưng mà họ tiêu xài lại không phải là hiệu quả ”, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội nói.

Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 18/6 tới đây. Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH Hà Nội) cho biết, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đối với đầu tư xây dựng cơ bản, tài sản công đang có những dấu hiệu đáng lo ngại.

Theo ông Thạch, việc quản lý trong đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù luật có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn còn có những sơ hở. Chúng ta thấy rất nhiều công trình bị rút ruột, thất thoát là do những kẽ hở trong quy trình phê duyệt, quy trình đấu thầu khi thực hiện dự án. Cái này rất đáng lo ngại.
 
 
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đông Quốc hội
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đông Quốc hội
 
Cái bất cập trong xây dựng cơ bản, đó là giai đoạn phê duyệt dự án, giai đoạn ấy có rất nhiều chủ dự án bằng “mưu” lợi dụng các kẽ hở của luật để làm dự án, rồi là lobby các cơ quan nhà nước để chạy dự án. Đấy là một thực trạng.
 
Về những quy định để giám sát việc  việc sử dụng ngân sách ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, sử dụng ngân sách nhà nước cũng như tài sản công thì có nhiều cách để giám sát. Trong luật cũng quy định nhưng mà nó phải rõ cơ chế thế nào để giám sát, mà ở đơn vị, cơ quan sự nghiệp nhà nước nào cũng có một bộ phận thanh tra, thanh tra xây dựng cũng có nhưng thanh tra nhiều khi không có đủ khả năng để phát hiện ra những vi phạm, đặc biệt là những vi phạm ở trình độ tinh vi thì rất khó chưa kể nhiều khi họ còn sợ nữa. Sợ thủ trưởng, sợ bị trù úm cho nên cơ chế giám sát cũng phải được thể hiện rõ trong luật một cách rất cụ thể.
 
Vậy, ông đề xuất kiến nghị như thế nào để việc thực thi luật có hiệu quả?
 
Theo tôi Luật phải cụ thể chứ luật không giao quá nhiều cho chính phủ quy định. Cụ thể thế nào đó để người thực hiện có hành lang thuận tiện để thực thi mà khi cụ thể rồi thì người giám sát cũng rất dễ. Ví dụ như nêu ra quy định về sử dụng công sản, tài sản thì định mức như thế nào, kiểm soát định mức ấy như thế nào và đối với từng phân cấp từng bộ từng ngành, từng chức vụ quản lý có định mức rồi. Ở đây là định mức quá chung chung giao cho quá nhiều đơn vị sự nghiệp ra một định mức nêu một quy chế chi tiêu nội bộ của họ do chính họ viết và kho bạc nhà nước thực hiện là họ được dùng là sai.
 
Thưa ông, việc sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí lần này phải có những điểm mới như thế nào để khắc phục được những hạn chế ấy?
 
Tôi đọc dự thảo luật trong nguyên tắc thì nêu ra phải tập trung vào việc chống lãng phí là chính nhưng nói về chống lãng phí trong này thì không rõ.
 
Theo quan điểm của tôi thì phải đưa ra luật mới là luật phòng, chống lãng phí rồi sau đó thực hành tiết kiệm. Mà hai khái niệm tiết kiệm và chống lãng phí nếu được cái này thì sẽ được cái kia. Chống lãng phí sẽ đồng nghĩa với tiết kiệm nên cái luật phòng, chống lãng phải tập trung mạnh vào cơ chế phòng. Phòng tức là tạo ra những cơ chế mà anh không thể lãng phí được sau đó là thiết kế một loạt điều về chống lãng phí. Nhưng mà dự thảo luật viết thế này thì còn rất chung chung các cơ chế để thực hiện phòng và chống còn rất chung chung.
 
Theo tôi thì các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước người ta có rất nhiều cách để người ta moi tiền từ ngân sách và xin được ngân sách nhà nước càng nhiều thì càng tốt nhưng mà họ tiêu xài lại không phải là hiệu quả vì vẫn có quan niệm ngân sách nhà nước như là của chùa và người ta lợi dụng tối đa ngân sách nhà nước để phục vụ cho việc cá nhân của những người làm.
 
Như ông nói “quan niệm tiền ngân sách nhà nước như là của chùa” nên thỏa sức phung phí, vậy theo ông cần có những biện pháp như thế nào để giám sát việc này?
 
Thực ra, biện pháp giám sát tiêu tiền chùa thì có đấy nhưng cũng hơi khó. Bản thân là chính người sử dụng họ phải ý thức đầu tiên, cái người sử dụng tiền phải biết có lương tâm có trách nhiệm sử dụng tiền. Giám sát đầu tiên chính là lương tâm của người ấy.
 
Vậy chưa có chế tài để xử lý việc này, thưa ông?
 
Đấy là vấn đề. Các nước họ có cơ chế làm cho anh không thể nào lãng phí nổi nhưng ta thì chưa có cái đấy. Ta cứ giao khoán cho một cục thế là xong và người ta làm cái gì là không cần biết thì cơ chế đầu tiên là bản thân người sử dụng ngân sách, sử dụng tài sản ấy phải có ý thức trước và giám sát cái ấy là khó nhất. Tự mình phải tự giám sát mình đầu tiên cái thứ hai là bản thân mỗi cơ quan nhà nước phải có một chế tài giám sát, cơ chế giám sát. Ví dụ như giám sát của cán bộ công nhân viên chức, giám sát của công đoàn của các bộ phận và cũng phải mạnh dạn phát hiện, mạnh dạn thông báo và thậm chí kiến nghị với cấp trên có thẩm quyền để xử lý các vi phạm. Cái này thì ta chưa làm được, vẫn còn nể nang e dè, thậm chí là sợ trù úm, cơ chế ấy chúng ta chưa có.
 
Vậy theo ông chế tài như thế nào là đủ mạnh. Có nên quy định hẳn vào luật?
 
Tôi nghĩ là nên quy định. Nếu như anh phát hiện ra mà anh không thông báo thì trách nhiệm của anh đến đâu, đấy là một loại chế tài. Xử lý như thế nào những cơ quan đơn vị mà hàng năm báo cáo kinh phí mà có những dấu hiệu mà phạm trong tiêu kinh phí, sử dụng tài sản không đúng thì từ những vi phạm ấy phải kỷ luật được cán bộ. Ví dụ như khi kiểm toán thấy anh mua một cái xe vượt quá định mức thì phải kỷ luật anh chứ, tuy nhiên từ trước đến nay vẫn có rất nhiều trường hợp vẫn thoải mái mua xe vượt quá quy định nhưng chẳng có chế tài nào, lại vẫn hòa hết. 
 
Tôi biết có nhiều đơn vị chỉ được mua với mức xe này nhưng vẫn mua vượt lên rồi bảo là tiền của đơn vị mình còn nhà nước lại bảo kho bạc nhà nước đã duyệt rồi thế là xong. Làm gì có chuyện như thế, người đó phải bị kỷ luật. 
 
Tuy nhiên dự thảo lần này không quy định như thế chưa đạt tới việc ấy cho nên chúng tôi mới thất vọng. Tôi đang đề xuất chuyện đó, tức là phải bổ sung chế tài kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm vào trong luật.
 
Lê Trang (ghi)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang