Môi trường thể chế với sự phát triển của doanh nghiệp thời kì Covid-19

author 07:24 10/05/2020

(VietQ.vn) - Với sự kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt thì làn sóng quốc tế đang có sự chuyển dịch về nước ta bởi đây là điểm đến an toàn. Tuy nhiên để đón nhận cơ hội này, việc đẩy mạnh thể chế là nền tảng quan trọng nhất.

Một cuộc khảo sát vào giữa tháng 4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, gần 85% doanh nghiệp cho biết đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào và phải thu hẹp lực lượng lao động. Hiện VCCI đã nhận được hơn 200 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nâng trần tín dụng, nới room hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng quan trọng là phải đẩy nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày có thể doanh nghiệp sẽ không còn. Khi ấy thì các biện pháp hà hơi tiếp sức không còn tác dụng.

Tạo môi trường thể chế thuận lợi là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển, nhất là thời kì chịu tác động không mong muốn từ dịch Covid-19.

Tuy nhiên khi xét về dài hạn, ông Lộc cho hay, mặc dù nền kinh tế không tránh khỏi chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, thế nhưng Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh rất tốt và làn sóng quốc tế đang chuyển dịch về nước ta bởi đây là điểm đến an toàn. Nhưng để đón nhận cơ hội này, việc đẩy mạnh thể chế là nền tảng quan trọng nhất.

“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát chính sách pháp luật để xây dựng phương án trình Chính phủ xóa bỏ những chính sách pháp luật chồng chéo bất hợp lý. Nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, triển khai nhanh các cơ sở hạ tầng”, ông Lộc cho biết.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế chiến thắng. Chính sự minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới chính là cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.

“Chỉ riêng khoản đầu tư công cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch, tiền tươi thóc thật trị giá trên 30 tỉ USD đã nằm trong túi các bộ, ngành. Chúng tôi đề nghị tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà, cản trở để đẩy nhanh đầu tư công, sử dụng hết khoản đầu tư này để có thể tạo thị trường, việc làm, tạo nền tảng và kích hoạt, cộng hưởng với đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và đối tác công tư. Tôi tin rằng nếu làm được điều này chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay như quyết tâm của Chính phủ”, ông Lộc thẳng thắn nói.

Do đó, ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ giao VCCI đẩy mạnh chiến lược đầu tư cấp quốc gia, tiếp cận đại bản doanh chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo, phù hợp, có chuỗi giá trị gia tăng cao hơn ở Việt Nam, không thụ động họ tìm đến với mình. Đây là yếu tố thành bại của doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI nêu một đề xuất nữa, đó là xây dựng phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng doanh nghiệp đầu tư nâng cao nguồn nhân lực, yêu cầu quốc tế hóa và số hóa. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay của doanh nghiệp Việt hiện nay là thị trường tiêu thụ. Ông Lộc đề nghị phát động tháng cao điểm từ nay đến cuối năm: Phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.

Đồng thời, ông Lộc kiến nghị thành lập tổ công tác khai mở trên mặt trận kinh tế, Thủ tướng đích thân đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh, trưởng ban chỉ đạo. Tại các địa phương có ban chỉ đạo tương tự do chủ tịch các địa phương trực tiếp đứng đầu để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tái khởi động kinh tế.

Doanh nghiệp cần lưu ý các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa(VietQ.vn) - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cả về trước mắt cũng như lâu dài, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định về bao gói, nhãn mác... để chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang