Món ăn 'rùng mình' trứng luộc nước tiểu có tác dụng gì?

author 08:03 31/10/2017

(VietQ.vn) - Trứng luộc nước tiểu là một phần di sản văn hoá của một thành phố ở Trung Quốc. Vậy nguyên liệu có phần “kỳ quái" này có tốt cho sức khỏe con người?

Trứng gà vốn là loại thực phẩm rất thông dụng, được người dân trên thế giới chế biến với muôn kiểu món ăn khác biệt. Nhưng tại Trung Quốc, người ta có món trứng lạ thoạt nghe có thể khiến thực khách không muốn ăn – trứng luộc trong nước tiểu bé trai. Đây là món ăn được người dân thành phố Đông Dương, tỉnh Triết Giang, rất ưa chuộng. Thử tìm hiểu món ăn cũng đồng thời là bài thuốc độc lạ này xem sao.

Những gia đình có truyền thống bán món ăn này cho hay, họ lấy nước tiểu của các bé trai ở trường tiểu học trong vùng. Đây là thành phần quan trọng tạo nên món trứng độc đáo. Người ta lấy nước tiểu đựng trong xô hay chậu của học sinh nam. Lưu ý, nước tiểu của các bé trai dưới 10 tuổi sẽ có tác dụng tốt hơn. Chưa có cơ sở nào giải thích cho loại nguyên liệu có phần “kỳ quái này”, còn người bán hàng khẳng định, món ăn này tốt cho sức khỏe con người.

Người dân Đông Dương cho rằng, họ ăn món trứng kỳ lạ này hàng ngày và coi là vị thuốc, giúp chống bệnh đột quỵ, làm lưu thông máu, chữa đau xương khớp, phục hồi chức năng cơ thể. Nhiều người thậm chí ngỏ ý, muốn xuất khẩu món trứng để toàn thế giới hiểu thêm về nét đặc biệt trong ẩm thực Trung Hoa.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Trung Quốc đã cảnh báo về vấn đề vệ sinh trong việc sử dụng nước tiểu để luộc trứng. Dù vậy, người dân Trung Quốc vẫn không ngừng ưa chuộng món ăn có phần... gai người này.

Năm 2008, chính quyền địa phương đã tuyên bố trứng luộc nước tiểu là một phần di sản văn hoá của thành phố, đồng thời đề xuất việc công nhận di sản văn hoá thế giới cho món ăn độc đáo này. Họ tin rằng trứng luộc nước tiểu là một phần trong ẩm thực Trung Hoa và xứng đáng được vinh danh như kim chi Hàn Quốc hay washoku của Nhật Bản.

Trứng luộc nước tiểu - món ăn lạ của Trung Quốc

Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", cố GS-TS Đỗ Tất Lợi cũng có ghi: ‘Nước tiểu còn gọi là đồng tiện, nhân niệu, luân hồi tửu, hoàn nguyên thang’. Đồng tiện chỉ nước tiểu của trẻ em, thường là của bé trai dưới 12 tuổi, khỏe mạnh.

Người xưa không coi nước tiểu là chất cặn bã của cơ thể thải ra mà coi đây là một vị thuốc quý. Chính vì vậy người ta gọi thứ nước này là luân hồi tửu, hoàn nguyên thang. Những nghiên cứu hiện đại ngày nay cho thấy, nước tiểu có nhiều chất có lợi cho sức khỏe như ure, acid uric, acid hipuric, kiềm puric, acid amin, acid béo, các chất nội tiết (hormone) vitamin và các men...

Nhờ những thành phần hóa học và tác dụng của những thành phần ấy, các nhà khoa học đã giải thích được công dụng chữa bệnh của nước tiểu có ghi trong tài liệu cổ mà trước đây chưa giải thích được. Theo đó, nước tiểu trẻ em có tác dụng cho phụ nữ sau sinh gầy yếu, ho sốt, thổ huyết, dùng để bào chế một số vị thuốc.

Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" còn cho rằng, nước tiểu vị mặn, tính hàn (lạnh) không độc. Có tác dụng chữa hàn nhiệt, đau đầu, ấm khí, ho lâu mất tiếng, chữa sốt rét, nhức đầu, cầm máu, bổ âm, giáng hỏa, dùng ngoài xoa bóp khi bị ngã hay bị thương, bị đánh người thâm tím. Ngày uống 100 đến 200ml, lúc còn đang ấm. Tây y không dùng.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang