Môn lịch sử đứng trước nguy cơ bị ‘xóa sổ’

authorHòa Lê 10:22 16/11/2015

(VietQ.vn) - Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, còn quá nhiều điểm bất cập và bày tỏ trăn trở trước việc môn Lịch sử đang đứng trươc nguy cơ bị “xóa sổ”.

Sáng ngày 15/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề: “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm giáo sư, phó giáo sư và các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử. Về phía đại diện Bộ GD-ĐT có sự tham gia của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể…

Nhiều chuyên gia về lịch sử đã phản ứng gay gắt trước việc tích hợp môn Lịch sử với các môn khác trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT. Đa số ý kiến cho rằng, việc tích hợp này là thiếu nền tảng khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn.

Theo báo Dân trí đưa tin, mở đầu Hội thảo, với bài tham luận dài 4 trang của mình, GS.NGND. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ: Ở cấp THCS và THPT mà môn Lịch sử vẫn bị cắt xén, lấy một ít nội dung đem tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. Trong chương trình cấp THPT còn có môn Lịch sử tự chọn, nhưng với sách giáo khoa và cách dạy, cách học như hiện nay thì chắc chắn chẳng có mấy học sinh chọn môn Lịch sử. Dù Bộ GD-ĐT giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử”, đã “xóa bỏ” môn Lịch sử.

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt NamGS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

GS.TS Trần Thị Vinh (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra những bất cập trong việc biến môn Lịch sử trở thành một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc. Theo bà Vinh, việc lắp ghép này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Trong hệ thống giáo dục toàn cầu, không thể tìm thấy một nền giáo dục nào tích hợp môn Lịch sử với giáo dục quốc phòng -  an ninh, giáo dục đạo đức công dân thành một môn học.

GS.TS Trần Thị Vinh tham luận tại Hội thảoGS.TS Trần Thị Vinh tham luận tại Hội thảo

Theo báo Vnexpress đưa tin, PGS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng "cách nhìn mới" về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm hoạ thấy rõ.

Tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ rất tôn trọng ý kiến của các chuyên gia sử học. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, vì chưa nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo nên một số nội dung các chuyên gia phê phán là "oan cho Bộ". Cụ thể, trong dự thảo đã nói rõ Lịch sử là bắt buộc. Trước ý kiến phản biện cho rằng Bộ GD-ĐT nói học sinh chán học sử là không đúng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Đây là giáo viên nói oan cho Bộ. Chúng tôi nói sách giáo khoa lịch sử và cách dạy hiện nay làm học sinh chán chứ không nói học sinh chán học sử, điều này được thể hiện rất rõ qua cuộc thi “Em yêu Lịch sử Việt Nam” được tổ chức rất thành công.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh HiểnThứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Hiển cũng khẳng định, để làm tốt về chương trình tích hợp thì sau năm 2030 chưa chắc đã làm tốt. Tuy nhiên nếu không bước bắt đầu chập chững thì không thể tiến đến bước thành thạo được. Cũng theo Thứ trưởng Hiển, lần đổi mới này sẽ không cầu toàn nhưng phải đặt ra một tiền đề để nghiên cứu, suy nghĩ tiếp và làm tiếp.

Sau hội nghị, GS Phan Huy Lê cho biết, Hội thảo đã nhận được hàng trăm ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử gửi về. Sau khi tổng hợp, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ gửi kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Mặt khác, Hội cũng nhất trí kiến nghị của Bộ Giáo dục không thể chậm trễ hơn nữa, bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không thể chờ đợt đến khi biên soạn lại sách giáo khoa vì phải vài ba năm nữa mới hoàn thành.

Hòa Lê (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang