Món nợ của Thứ trưởng Bùi Văn Ga

author 15:02 16/07/2013

(VietQ.vn) – Được giao nhiệm vụ quản lý giáo dục ĐH và đổi mới tuyển sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đến nay vẫn chưa làm trọn vẹn nhiệm vụ của mình.

Vị Thứ trưởng được báo giới quý mến

Phóng viên nào viết về giáo dục cũng thích phỏng vấn “thầy Ga” – cái tên mà nhiều nhà báo hay trìu mến gọi vị Thứ trưởng có khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu như ông Bụt.

“Thưa thầy, chúng em có vấn đề này của bạn đọc muốn xin ý kiến của thầy…”, với những lời mở đầu như vậy, dù rất bận nhưng GS.TSKH Bùi Văn Ga chưa bao giờ từ chối trả lời nhà báo nào. Có lẽ trong Bộ Giáo dục, ông là vị chính khách bị báo giới “quay” nhiều nhất.

GS Bùi Văn Ga bảo vệ thành công tiến sĩ khoa học ở Pháp. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
GS Bùi Văn Ga bảo vệ thành công tiến sĩ khoa học ở Pháp. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Mấy hôm nay, thấy người ta dèm pha ông qua quy định cộng điểm thi ĐH cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Dường như, những bức xúc của cơ quan, áp lực của công sở đặt lên mỗi người…sẽ dễ tìm được liều thuốc xoa dịu bằng cách…hạ thấp người khác (và qua đó nâng mình lên).

Chỉ trích quy định đó nhưng người ta không nghĩ về những tình huống trong tương lai, không thấy biết bao điều mà các nhà quản lý giáo dục đã làm được để động viên, khích lệ…

Từ chân đất đi lên

Đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Thanh Niên kể lại rằng, “thầy Ga” tuổi Đinh Dậu, sinh năm 1957, tên thật là Bùi Văn Gà. Quê ở Bàu Lác, Phú Tài, thuộc phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong gia đình bố mẹ đều làm nông.

Năm học lớp 4, cha ông có mua một chiếc máy Yanmar để bơm nước từ Bàu Lác vào ruộng. Hết dầu, máy tắt nhưng khi đổ đầy dầu trở lại, máy vẫn không thể nào khởi động lại được. Cha ông đã cầu cứu tới thợ cơ khí nhưng chiếc máy vẫn không chịu nhúc nhích (không ai biết là do đường cấp dầu có chứa không khí!).

Điều đó khiến ông ấm ức, giá như mình biết rành về động cơ thì cha đâu có cực. Và sự ấm ức đó đã đeo đẳng ông cho đến khi trưởng thành, ông quyết tâm theo đuổi ngành cơ khí động lực.

Ông thi đỗ ĐH Bách khoa Đà Nẵng và được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp. Ông đã nghiên cứu thành công đề tài xe máy chạy bằng khí hóa lỏng LPG thay cho xăng như cách thông thường.

Hồi làm đề tài đó, chàng trai trẻ Bùi Văn Ga thường xuyên đèo thêm chiếc bình gas trên xe máy để thử nghiệm khiến nhiều người ở Đà Nẵng nghĩ ông bị…hâm. Có người còn tưởng ông giáo sư này nghèo quá, phải tranh thủ... bán hột vịt lộn để kiếm thêm thu nhập…

Thế rồi, cùng các thành công trong khoa học và giảng dạy, ông được cất nhắc lên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, rồi ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, phục trách đào tạo ĐH và đổi mới tuyển sinh.

Món nợ chưa trả

Hôm họp báo kết thúc thi ĐH 2013, Bộ Giáo dục đã khéo léo lấy ví dụ của Nhật và Hàn Quốc đang thận trọng đổi mới tuyển sinh (5 năm một lần) để nói rằng: “Việt Nam cũng chưa thể vội”.

Nghĩa là sau 2015, các trường mới có thể “thoát ra” khỏi đề thi chung, áp dụng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại sao học Kinh tế lại phải thi Vật lý và Hóa, tại sao học Công nghệ thông tin lại thi Hóa, tại sao các ngành nghệ thuật lại không đề cao các môn năng khiếu mà vẫn phải dựa vào điểm các môn cơ bản khác…

Đó là những câu hỏi mà những kỹ sư, cử nhân có thể quay lại đặt câu hỏi với “Bộ Thượng thư”, sau khi họ hoàn thành chương trình đại học.

Đằng sau mỗi câu hỏi đó là sự lãng phí lớn của xã hội, là việc tạo ra một thế hệ có nhiều “gà công nghiệp” chỉ biết cắm đầu vào luyện thi các khối, mà coi thường hiểu biết xã hội, các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Nhiều ông bố bà mẹ ngày nay tự hào vì con mình…không biết nấu ăn, không biết giặt quần áo…nhưng lại suốt ngày vùi đầu vào sách vở, với chiếc giấy khen và bảng điểm chói lọi.

Nghĩa là “bỏ qua’ kỹ năng sống độc lập, coi thường những công việc nhỏ…là những thứ mà các nền giáo dục tiên tiến luôn coi trọng.

Đừng chậm nữa

Cứ chậm 1 năm đổi mới tuyển sinh là tạo ra một thế hệ còn thiếu kiến thức xã hội và kỹ năng ngoại ngữ. Cứ chậm 1 năm như thế là kéo theo biết bao cái chậm trong cuộc chạy đua trên con đường tri thức giữa người Việt với toàn thế giới.

Thế nên, nhiều nhà báo đã thông cảm với vị Thứ trưởng hiền lành, đã có phần mệt mỏi sau các đợt tuyển sinh mà không đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao Bộ chỉ lấy ví dụ với các nước Á Đông, mà không lấy ví dụ về việc tuyển sinh của Mỹ và Anh, là những nơi mà có khi, con của nhiều cán bộ của chúng ta đã và đang được gửi sang học tập?”.

Đề thi của họ nhẹ nhàng, không đánh đố, nhưng chỉ có ai có tố chất, năng khiếu thực sự mới đạt điểm tối đa. Đề thi GMAT, SAT, GRE…của họ đề cao sự hiểu biết xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy logic – mạch lạc…chứ không sa vào các tình huống lắt léo, không bao giờ có trong cuộc đời thực.

Nhưng nhân dân không thể thông cảm như vậy mãi được. Họ yêu các nhà khoa học, mến mộ các nhà giáo sống mô phạm, đàng hoàng.

Nhưng nhân dân cũng đòi hỏi những nhà giáo sau khi được trao nhiệm vụ thành nhà quả lý, phải quyết đoán và mạnh dạn hơn nữa trong các cải cách, để các thế hệ sau được hưởng nền giáo dục tiến bộ, văn minh ngay trên quê hương mình.

Hoàng Lan

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang