Món tết ở khắp nơi

author 08:01 09/02/2013

Ngày nay, chúng ta có thể ăn bất kỳ lúc nào những món ăn ngày tết, điển hình như bánh chưng, bánh tét - được coi là “linh hồn” của món ăn truyền thống ngày tết tại Việt Nam, có bán quanh năm. Ở nhiều nước khác cũng vậy. Thế nhưng đó là những món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

Thật ra, món ăn ngày tết ở Việt Nam cũng như các nước chưa hẳn đã là món ngon, món đặc sắc. Tuy nhiên, người ta chưa bao giờ đặt vấn đề chất lượng các món ăn đã thành truyền thống vào dịp đón năm mới.

Bánh chưng trong xê-ri ảnh “Món ăn nổi tiếng thế giới” (World celebration foods) của tạp chí National Geographic
Bánh chưng trong xê-ri ảnh “Món ăn nổi tiếng thế giới” (World celebration foods) của tạp chí National Geographic

Cái chính là tình cảm của các dân tộc khác nhau dành cho những món ăn đó, cho dù là món rất khó… nuốt như “cà ri của quỷ” ở Singapore. Ký ức cũng đóng vai trò quan trọng đối với các món ăn ngày tết.

Ai chẳng có một tuổi thơ với những ngày đầu năm mới không thể nào quên bên bữa ăn ngày tết cùng gia đình. Và ai đi xa cũng muốn trở về nhà vào những ngày cuối năm, để được đoàn tụ với những người thân yêu nhất trong bữa tiệc mừng năm mới.

Bánh tourtière của người dân xứ Québec
Bánh tourtière của người dân xứ Québec

Nếu bạn đến xứ Québec nói tiếng Pháp của Canada vào ngày đầu năm, chắc chắn bạn sẽ được mời món bánh nhân thịt tourtière cho dù đây là loại bánh hết sức phổ thông. Cũng có vị trí đặc biệt như bánh chưng đất Việt, tourtière là bánh nướng nhân thịt heo, bò hoặc cá hồi (với người dân sống ở gần biển) xắt hạt lựu và mật đường.

Được ăn kèm với xốt cà chua hay các loại nước xốt hoa quả, tourtière là món mở đầu cho bữa tiệc đón năm mới. Đây cũng là món tết truyền thống của cư dân gốc Pháp ở các tiểu bang thuộc vùng New England của nước Mỹ (Maine, Rhode Island, Vermont, New Hampshire…). Trước khi ăn, theo một tập tục lâu đời, người ta sẽ đốt một ít vỏ bánh để tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất của gia chủ.

Người Mexico đón năm mới với bánh romeritos
Người Mexico đón năm mới với bánh romeritos

Ở Mexico người ta đón lễ hội năm mới Posadas kéo dài trong chín ngày với món bánh nướng romeritos được làm với bột mì, tôm khô và lòng trắng trứng, ăn kèm nước xốt ớt đặc trưng của Mexico gọi là mole. Món ăn này luôn có vài nhánh romerito – một loại rau thơm – rắc lên trên nên được gọi tên như vậy.

Bánh bibingka ở Philippines
Bánh bibingka ở Philippines

Ở Philippines, bữa tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu món bánh bibingka được chế biến đơn giản bằng bột gạo nhào nước cốt dừa sau đó gói lá chuối đem nướng trong nồi đất, bên trên phết một lớp kesong puti – một loại phó mát trắng bản xứ, rắc thêm dừa nạo và có khi có cả trứng vịt muối.

Ngày nào người ta cũng có thể ăn bibingka vốn được bán khắp nơi, tuy nhiên nó vẫn là món quan trọng trong bữa ăn đầu năm ởPhilippines. Bibingka phải được ăn nóng hổi, khi vừa lấy ra từ nồi đất. Nó thường được làm cỡ lớn, khi ăn cắt ra nhiều phần như bánh chưng ta.

Món ăn truyền thống “Cà ri của quỷ” của người dân đảo quốc Sư tử
Món ăn truyền thống “Cà ri của quỷ” của người dân đảo quốc Sư tử

Trong khi đó, người dân đảo quốc Sư tử đón năm mới bắt đầu từ Giáng sinh và ngày lễ Tặng quà (Boxing day, 26-2) với món ăn đã thành truyền thống có tên “cà ri của quỷ” (devil’s curry) bởi vị cay xé lưỡi của nó. “Cà ri của quỷ” được chế biến với thịt gà, xúc xích nướng, bắp cải, củ cải, bột cà ri và rất nhiều ớt khô, ớt tươi.

Người Nhật ăn tết không thể thiếu mì soba
Người Nhật ăn tết không thể thiếu mì soba

Còn trong bữa ăn ngày đầu năm mới của người Nhật, món căn bản là một tô hoặc một khay mì soba làm bằng bột kiều mạch với những sợi thật dài, bởi người Nhật tin rằng ngày tết được ăn những sợi mì soba càng dài sẽ càng đem lại sự sung túc và trường thọ cho người ăn.

Nếu được mời dự nghi thức đón năm mới dành cho những bậc cao niên tại nhà hàng nổi tiếng Washoku ở Tokyo, bạn sẽ có dịp ngắm nhìn và thưởng thức rất nhiều cách chế biến món ăn truyền thống và phổ biến này ở xứ mặt trời mọc.
Nhiều tuần trước ngày đầu năm mới ở Ethiopia, người dân đã chuẩn bị cho một món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mỗi gia đình: yebeg wot – thịt cừu xắt miếng dày hầm nhừ với các loại gia vị mạnh và gắt nhướt, tiêu, tỏi, gừng, húng quế khô…

Để có thể làm món yebeg wot ngon nhất, phải có thịt cừu thật béo, đó là lý do nhà nhà ở Ethiopia đều chăm bẵm một chú cừu cho dịp lễ trọng đại này. Món yebeg wot nay hầu như đã được quốc tế hóa, có mặt trong thực đơn nhiều nhà hàng khắp năm châu do hương vị thật đặc trưng và lôi cuốn của nó.

Bắp cải nhồi sarmale ở Romania và vùng Balkan
Bắp cải nhồi sarmale ở Romania và vùng Balkan

Món bắp cải cuốn sarmale là thức ăn phải có trên bàn tiệc đón năm mới của người dân Romania. Lá bắp cải gói thịt heo hay bò cùng với cơm được ninh trong nước xốt cà chua cũng là món tết ở các nước vùng Balkan và Trung Âu.

Còn ở Nga, món súp nấm zaprashka đóng vai trò chủ lực trong bàn tiệc 12 món của tiệc đêm Giao thừa, mà theo lịch Chính thống Nga thì là ngày 6/1 hằng năm. Súp được nấu với bột mì, dầu ăn, rất nhiều nấm cùng hành tây và phải ăn nóng bỏng lưỡi trong tiết trời buốt giá của mùa đông phương Bắc.

Với người dân Thụy Điển cũng đón năm mới trong cái rét tê tái thì món chủ lực là Jansson’s temptation – chế biến từ sò điệp, cá trích, khoai tây và hành – được đặt tên theo ca sĩ opera huyền thoại Pelle Janzon (1844-1889), một người sành ăn đặc biệt thích món này.

Theo DNSG CT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang