Một năm vất vả lo “túi tiền” quốc gia

author 08:35 04/02/2014

Ngay từ cuối năm 2012, những nỗ lực để hoàn thành dự toán thu ngân sách đã cho thấy tín hiệu không mấy khả quan trong năm 2013. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp quản “ghế nóng” với bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng những sáng kiến, nỗ lực của toàn ngành nhằm tăng thu ngân sách và sự quyết đoán của người đứng đầu ngành Tài chính đã khiến tình thế xoay chuyển. Nhìn lại chặng đường năm qua, có thể thấy đan xen những nguy cơ nhưng lại mở ra thời cơ và vận hội mới trong mối lo sự vơi đầy của “túi tiền” quốc gia.

Nguy cơ

Năm 2013, các tổ chức quốc tế đua nhau dự báo kinh tế tăng trưởng toàn cầu nhưng đều trật mốc. Các mức tăng trưởng liên tục điều chỉnh theo hướng hạ thấp dần trong sự trầm lắng của kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam cũng trải qua một năm chật vật. Sự suy giảm kinh tế, nguồn thu mỗi lúc một hẹp lại trong khi vẫn phải đảm bảo các nhu cầu chi thiết yếu đã vắt kiệt “túi tiền” ngân sách.

Sau hơn một thập kỷ vượt thu và vượt thu lớn, lần đầu tiên ngân sách Nhà nước (NSNN) có nguy cơ hụt thu. Thông điệp được Chính phủ phát đi vào thời điểm tháng đầu tiên của quý IV, tức chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, ngân sách có nguy cơ hụt khoảng 63.630 tỷ đồng. Đối với những người làm công tác tài chính- ngân sách, đặc biệt các cơ quan thu của ngành Tài chính, đó không phải là thông tin vui. Tuy nhiên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đã có cái nhìn khá công tâm khi nguyên nhân phần lớn được cho là do khách quan. Theo Ủy ban này, dự toán thu NSNN năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế làm giảm số thu NSNN khá lớn.

Nhận nhiệm vụ “chèo lái con thuyền tài chính” vào thời điểm đã qua gần một nửa chặng đường của một năm với bộn bề khó khăn phía trước, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những định hướng ưu tiên của riêng mình. Gặp gỡ báo chí trong những ngày đầu đảm nhận trọng trách mới, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính đã định hướng đúng và trúng với những ưu tiên chính sách nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013.

3 nhóm giải pháp lớn được Bộ trưởng chỉ ra đó là chống thất thu ngân sách, tiết kiệm chi và kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế. Khi đó, người đứng đầu ngành Tài chính đã khẳng định một quyết tâm, dù trong bối cảnh nào, ngành Tài chính cũng quyết tâm thực hiện cao nhất dự toán NSNN.

Bộ trưởng nói và làm. Một loạt những sáng kiến nhằm tăng thu, chống thất thu được phát đi từ người đứng đầu ngành Tài chính. Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với các cơ quan thu của ngành Tài chính, các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn và có phương án triển khai kịp thời nhằm mục tiêu đã định. Các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương “vào cuộc”, đồng lòng cùng ngành Tài chính triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách và mạnh mẽ nhằm tăng thu ngân sách.

Giải pháp hợp lý

Trong bối cảnh ngân sách phải “giật gấu vá vai”, thu giảm mạnh, áp lực tăng chi lại không thể giảm, sức ép nợ công quá căng thẳng, nhất là khi Chính phủ xin phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Vấn đề đặt ra với ngân sách đó là phải tiết kiệm chi. Có thể xem đây là cơ hội để thực hiện kỷ luật ngân sách một cách thực chất và nghiêm túc nhất.

Trong điều hành các cuộc họp, giao ban hoặc trả lời phỏng vấn báo chí, không ít lần Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc đến yêu cầu tiết kiệm chi. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu theo đánh giá của Bộ trưởng là tiết kiệm chi tiêu thường xuyên khi ngân sách hụt thu lớn. Do đó, ông yêu cầu "tăng cường thắt chặt", "tiết kiệm hơn nữa" các khoản như tiền nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước... Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ không bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Đến hết năm, dự toán chi thường xuyên đã giao nhưng sử dụng chưa hết sẽ bị hủy bỏ.

Bộ Tài chính đã có một loạt các giải pháp cấp bách, mạnh mẽ như tăng cường triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách ở từng địa phương, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… Cùng với đó là các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc kịp thời miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế chính sách thu thuế theo hướng công bằng, dễ hiểu, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Không đơn độc, ngành Tài chính nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế và nhiều đại biểu Quốc hội. Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Cao Phúc cho rằng, bản thân ông đánh giá rất cao nỗ lực của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính trong thời gian qua đã chỉ đạo công tác thu quyết liệt. Ủy viên Ủy ban Kinh tế Lê Nam, người vốn thẳng thắn với nhiều phát biểu gai góc tại Nghị trường bày tỏ đồng cảm với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông nói: “Tôi xin được chia sẻ với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Chúng ta nhớ là năm ngoái tình hình ngân sách rất vui vẻ. Năm nay chúng ta đang bàn đến những nhiệm vụ hết sức cấp thiết cho tình hình ngân sách”.

Nhìn nhận nguyên nhân giảm thu có nhiều nhưng phải nói rằng, yếu tố “tự thân” của nền kinh tế, nghĩa là kinh tế suy giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, doanh nghiệp không có phát sinh doanh thu và một số doanh nghiệp không có lãi gia tăng. Theo một số chuyên gia kinh tế, phải có cái nhìn công bằng hơn, không thể “đổ lỗi” do quản lý thuế yếu, bởi nếu quản lý yếu thì hụt thu phải diễn ra trong nhiều năm, đằng này nhiều năm chúng ta đều thu đạt và vượt.

Đành rằng trong điều hành ngân sách hiện nay rất khó khăn, nhưng theo một số chuyên gia “khó thì mới cần phải tính”, và phải đổi mới trong điều hành ngân sách mới có hiệu quả. Trả lời báo chí mới đây, người đứng đầu Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần đẩy mạnh cơ chế khoán, xây dựng và công khai bộ tiêu chuẩn định mức sử dụng ngân sách, tài sản công thì mới giám sát được việc chi tiêu của cán bộ. Ông Hiển cũng đồng tình cho rằng hiện nay chi tiêu công đang rất lớn, vì vậy cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chi tiêu và thực hiện chế độ tài chính, cũng như xây dựng được hệ thống các chế độ chi tiêu chuẩn định mức phù hợp với cán bộ, tránh gây lãng phí.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua thực sự mở ra thời cơ mới trong quản lý chi tiêu ngân sách. Càng có ý nghĩa hơn trong điều kiện chúng ta đang thiếu nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên không chỉ trong lúc khó khăn như hiện nay mà kể cả khi chúng ta trở thành một quốc gia phát triển thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn phải đặt lên hàng đầu và nếu chúng ta thực hiện có hiệu quả, sẽ giảm đáng kể gánh nặng cho những người làm công tác tài chính - ngân sách.

Một năm nhìn lại, không phải khởi đầu nào cũng tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, cùng đoàn kết và kiên định ý chí vượt khó sẽ là động lực, tạo sức mạnh để thành công. Xuân mới đang về; ngoài kia cây cối và vạn vật vui mừng đón nắng xuân và dù phía trước còn nhiều thách thức, nhưng hy vọng chờ đón chúng ta là những thời cơ mới, vận hội mới.

Theo Báo Đầu Tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang