Mũ bảo hiểm mập mờ nguồn gốc lộng hành

author 12:13 17/10/2013

(VietQ.vn) – Dán tem CR, sử dụng địa chỉ “ma” hàng trăm mũ bảo hiểm rởm bị đoàn kiểm tra liên ngành do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học& Công nghệ chủ trì bắt giữ.

Sự kiện:

Kiểm tra mũ bảo hiểm tại Phường 3, Quận 5, TP.HCM

Thông tin từ Vụ Hợp chuẩn Hợp quy ( Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Tổng cục, Chi cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, công an TP.HCM đã phối hợp kiểm tra hàng loạt điểm bán MBH tại đường Nguyễn Trãi (phường 3, quận 5).

Tiến hành kiểm những điểm kinh doanh mũ bảo hiểm rầm rộ nhất tại Tp.HCM, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm. Việc để các điểm kinh doanh “chui”, bán mũ bảo hiểm “rởm” đang khiến thị trường MBH càng “loạn”.

Sau một thời gian lắng xuống, vấn đề liên quan đến mũ bảo hiểm (MBH) lại “nóng” lên tại thành phố. Không khó để bắt gặp hàng loạt điểm bán MBH “rởm” dưới lòng đường, vỉa hè. Thậm chí ngay cả những cửa hàng quy mô cũng bày bán những loại MBH “mập mờ” về nguồn gốc.

Dù hàng loạt thông tư, nghị định đã được ban hành, quy định cụ thể từ việc sản xuất kinh doanh, đến khâu quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các lực lượng chức năng. Không ít đơn vị đã “làm lơ” trước các chỉ đạo của thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy cho biết, Khi thấy Đoàn kiểm tra xuất hiện, các điểm bán MBH đã vội vã huy động nhân lực ôm hàng bỏ chạy, tạo nên cảnh hỗn loạn trên phố. Hầu hết những điểm bị lực lượng chức năng kiểm tra đều kinh doanh “chui”. Điều đáng nói, trong số hàng trăm MBH “rởm” bị tịch thu, có những loại MBH dán tem hợp quy (tem CR) đầy đủ nhưng đều là tem giả. Tem CR vốn được xem như biểu tượng đảm bảo chất lượng của hàng hóa, điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngại về khâu kiểm soát đã bị “nới lỏng”.

Những mũ bảo hiểm kinh doanh tại đây đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

Nhiều MBH được ghi thông tin nơi sản xuất là công ty Hùng Phát (tại số 155 đường Lê Bửu, phường 5, quận 2) và công ty Trường Thịnh (tại số A15/28 đường Lê Công Nhật, H.Bình Chánh) nhưng qua kiểm tra, địa chỉ cả hai công ty trên đều là địa chỉ “ma”. Việc để những điểm kinh doanh “ma” này tung ra thị trường hàng ngàn MBH kém chất lượng và các điểm bán vẫn ngang nhiên “lộng hành” cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ.

Theo ông Linh, việc doanh nghiệp gắn dấu hợp quy CR cho MBH mà chưa được chứng nhận hợp quy là hành vi giả mạo, bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Trong thời gian vừa qua, Bộ KHCN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cũng đã phối hợp với các Bộ Công Thương (Quản lý thị trường), Bộ Công an thực hiện kiểm tra chất lượng MBH trên toàn quốc.

Qua kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất MBH, Đoàn kiểm tra nhận thấy đa số các doanh nghiệp sản xuất là cơ sở lắp ráp MBH, không có đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng MBH (số lượng doanh nghiệp có đầy đủ trang thiết bị sản xuất MBH như máy ép khuôn đúc vỏ mũ, máy ép múp xốp, dây chuyền sơn, lắp ráp là không nhiều). Do đó, để việc sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh doanh, phân phối MBH trong cả nước ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, bổ sung MBH vào Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Thông tư liên tịch 06 cũng quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp xã, phường) trong việc kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng MBH của các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh đóng trên địa bàn. Cụ thể như: tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kiểm tra việc niêm yết các hồ sơ chất lượng MBH tại nơi kinh doanh... Xử lý các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo.

“Thời gian đầu khi thông tư có hiệu lực, thị trường mũ bảo hiểm dần vắng bóng loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện tượng này tiếp tục bùng phát trở lại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc các đơn vị chức năng phường xã quản lý lỏng lẻo, thiếu triệt để là một trong những nguyên nhân quan trọng. “Kinh doanh mũ giả mạo, trái phép, lấn chiếm lòng lề đường nhưng diễn ra hoàn toàn công khai là điều khó có thể chấp nhận!” – Ông Linh bày tỏ bức xúc.

Được dán tem CR và địa chỉ nhà sản xuất nhưng thực tế toàn là địa chỉ "ma"

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, hiện nay tại cấp xã, phường, Thông tư này chưa được triển khai quyết liệt ở một số địa phương nên vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân bày bán tràn lan MBH trên vỉa hè (các tổ chức, cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng MBH...), đồng thời gần đây xuất hiện trở lại hiện tượng bày bán mũ 02 bộ phận, không đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn.

Ông Giáp Đức Hiếu, phó chủ tịch UBND P.3, Q.5 (TP.HCM) cho biết: “Ngày nào các đơn vị chức năng của phường cũng như quận đều thực hiện việc kiểm tra. Không chỉ trong giờ hành chính, lực lượng trật tự đô thị tiếp tục thực hiện kiểm tra từ 18g30 đến 21g30. Tuy nhiên rất khó có thể dẹp triệt để những điểm kinh doanh này do đối tượng kinh doanh không phải người tại địa phương. Những đối tượng này thậm chí còn bố trí người “theo dõi” các đơn vị chức năng để kịp thời thông báo cho đồng bọn tẩu tán hàng hóa!”

Như vậy, với sự vào cuộc không quyết liệt, triệt để của chính quyền địa phương, công an phường, xã thì quy định pháp luật có đầy đủ đến đâu nhưng việc thực hiện và kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật không đến nơi đến chốn thì sẽ không thể giải quyết được vấn nạn MBH giả mạo như hiện nay.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang