Mũ bảo hiểm "rởm": Biến tướng để lách luật

author 09:55 08/05/2012

Thông tin đội mũ bảo hiểm (MBH) "rởm" sẽ bị phạt khiến hàng loạt cơ sở chuyên sản xuất MBH dạng này tại TP.HCM nhanh chóng ứng biến để lách luật.

Tem, nhãn "rởm" để đánh lừa người tiêu dùng và lách luật

Mỗi ngày hàng ngàn mũ rởm ra đời, giống như MBH thật nhưng lại gắn mác mũ thể thao để qua mắt đơn vị kiểm tra.

Các loại mũ này cũng có đủ thành phần như MBH thật, gồm vỏ nhựa cứng, lớp xốp chống va đập và quai đeo theo mẫu mã..., có điều những thành phần này được làm với chất liệu... hàng chợ và không đạt chuẩn.

Hàng dỏm như thật

Trong vai người mua MBH số lượng lớn, chúng tôi gặp ông Lưu, chủ cơ sở chuyên lắp ráp, phân phối các loại MBH rởm tại P. Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân, TP.HCM). Ông Lưu quảng cáo hiện cơ sở của ông có hơn 30 loại MBH với đủ kiểu dáng, chất lượng và tem nhãn... Giá thành mỗi chiếc cũng đa dạng, từ 25.000-70.000 đồng tùy loại. Nếu muốn mua 1.000-2.000 cái chỉ cần đặt trước 2-3 ngày là có hàng. Với hơn ba năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh MBH, ông Lưu tư vấn rành rọt: “Bây giờ loại MBH kiểu cũ (hai thành phần: vỏ và quai đeo) không “ăn hàng” nhiều như hai năm gần đây nữa. Người dân không dám mua vì sợ bị phạt. Còn nếu mua MBH loại này (mũ rởm nhưng đủ ba thành phần - PV) mang hàng về tỉnh bán không ai kiểm tra, bởi đã có dán tem mũ thể thao.

"Bản thân người tiêu dùng nếu tinh ý một chút có thể nhận biết ngay mũ thật, rởm. Tuy nhiên do tâm lý ham rẻ, đội mũ chỉ để đối phó khiến các MBH loại này vẫn tồn tại ngang nhiên với đủ kiểu biến tướng".

Ông Trần Văn Xiêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam.

Chứng kiến tận mắt công đoạn sản xuất một chiếc MBH rởm mới thấy việc cho ra đời MBH hết sức thủ công và dễ dàng. Chỉ với chiếc búa và đe để dập quai, trong vòng chưa đầy một phút đã có 4-5 MBH được hoàn thành. Riêng mút xốp mỏng như “lá lúa”, chỉ cần chọc nhẹ tay là thủng. Còn vỏ MBH - thành phần cấu tạo có vai trò chống va đập, đâm xuyên quan trọng nhất, nồng nặc mùi nhựa phế phẩm tái chế. Tất cả thành phần cấu tạo mũ đều được các cơ sở sản xuất đơn lẻ từ các quận huyện vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh... Nhiều cơ sở sản xuất mũ dỏm thừa nhận để có được mức lời cao nhất, hầu hết vỏ mũ được sản xuất từ các loại nhựa tái chế, phế phẩm với giá thấp hơn 3-4 lần nhựa dùng làm MBH chất lượng.

Theo một cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, mút xốp đạt tiêu chuẩn chống va đập, hấp thụ xung động có trọng lượng tối thiểu khoảng 120g, trong khi lớp mút xốp để làm MBH rởm chỉ vào khoảng 30-40g.

Bóc tem là xong

Theo khảo sát trên địa bàn TP.HCM, các loại MBH giả mạo đủ ba thành phần nhưng dán mác mũ thể thao, đi bộ... bày bán khá nhiều trên thị trường. Tại khu vực công viên Phú Lâm (Q.6) tập trung khá nhiều điểm bán MBH tự phát. Tại đây, ngoài các loại mũ cấu tạo hai thành phần, người tiêu dùng có thể nhìn là thấy rõ thật, giả với giá chỉ 35.000-50.000 đồng/cái. Còn lại hầu hết MBH khác có hình dáng giống hệt MBH dành cho người đi xe gắn máy với đủ thành phần cấu tạo, tem nhãn (giả) có giá cao hơn, 70.000-90.000 đồng/cái. Tuy nhiên, chỉ cần cầm trên tay, người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng "rởm" bởi trọng lượng rất nhẹ do vỏ và lớp mút xốp được làm cho có. Đáng chú ý là các sản phẩm này được dán giấy lưu ý “dành cho người đi bộ, thể thao”. Nhiều người bán hàng giải thích: “Làm vậy cho đúng luật! Chứ mua rồi cứ bóc tem ra là xong, sau này nếu công an thổi phạt cũng không lo...”.

Tại một số tuyến đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), Lý Thường Kiệt (Q.10)... các loại MBH rởm đủ ba thành phần có tem nhãn giả cũng được bày bán khá nhiều. Anh Hùng, một người bán MBH trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10), cho biết: “Các loại mũ thời trang trước kia bán rất chậm, rất ít khách hỏi mua vì tâm lý sợ bị phạt. Tuy nhiên MBH kiểu này vẫn bán chạy vì giá rẻ”.

Ông Lý Ngọc Thắng - Đội trưởng đội 3A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, bức xúc cho biết: “Rõ ràng ai cũng thấy đây là một kiểu biến tướng dù không hoàn toàn mới. Ra ngoài đường có thấy ai đi bộ hay chơi thể thao đội mấy cái mũ này! Vì vậy, theo tôi, các loại mũ này phải được áp tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của MBH hiện nay”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh:

Thu hồi giấy phép kinh doanh nếu làm mũ rởm

             Vỏ mũ làm từ nhựa phế phẩm đập nhẹ là vỡ. Ảnh: LÊ SƠN

"Liên bộ đã thống nhất về nội dung “thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy”. Hiện nay Bộ KH&CN đã ký thông tư này và chuyển cho các bộ Công an, Giao thông vận tải, Công thương ký. Sau khi các bộ ký kết, thông tư sẽ được ban hành ngay và có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề hiện có một số cơ sở sản xuất MBH đủ ba lớp vỏ cứng, lớp xốp chống va đập và quai đeo theo mẫu mã nhưng không đảm bảo chất lượng, thông tư cũng quy định rõ các nội dung này. Theo đó, bên cạnh việc MBH phải đảm bảo về mặt hình thức, cũng phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, theo quy định tại thông tư, người sản xuất bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh MBH, thực hiện chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy, phải thông báo cho chính quyền địa phương, phường xã để lực lượng này kiểm tra. Nếu không đảm bảo các điều kiện này thì cơ quan chức năng địa phương có thể xử lý ngay chứ không cần kiểm tra chất lượng. Trường hợp sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng hoặc giả MBH đã có nghị định quy định chi tiết về vấn đề xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị tịch thu, thu hồi, xử phạt hành chính, thu hồi đăng ký kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

 

Theo Tiền Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang