Mua bán nhau thai là bất hợp pháp

author 15:56 21/05/2012

Trong 2 ngày 15 và 17/5, bạn đọc đã theo dõi bài viết 2 kỳ "Đột nhập "động" bán... nhau thai", phản ánh tình trạng mua bán nhau thai diễn ra công khai trên thị trường. Xung quanh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, PV Chất lượng Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Bùi Mạnh Hùng - chuyên gia Pháp lý Công ty luật TNHH Dải Ngân Hà (Hà Nội).

Thưa ông, việc mua bán, xử lí nhau thai được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Theo Quyết  định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế thì nhau thai là loại chất thải nguy hại (CTNH) nằm trong nhóm chất thải lây nhiễm. Điều 4, Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm: 1. Thải các chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn vào môi trường; 2. Xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật và không đúng nơi quy định; 3. Chuyển giao chất thải y tế cho tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải; 4. Buôn bán chất thải nguy hại; 5. Tái chế chất thải y tế nguy hại. Như vậy, nhau thai thuộc nhóm chất thải nguy hại bị nghiêm cấm buôn bán, tái chế. 

Về xử lý nhau thai, theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý CTNH, chủ nguồn chất thải nguy hại có trách nhiệm: áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu phát sinh CTNH và phòng ngừa, ứng phó sự cố do CTNH; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng CTNH phải đăng ký và quản lý; chịu trách nhiệm đối với CTNH cho đến khi CTNH được xử lý an toàn, triệt để; CTNH phải được nhanh chóng đưa đi xử lý; phân công ít nhất một cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để đảm nhiệm việc phân định, phân loại và quản lý CTNH; được sử dụng dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài (nếu cần thiết);
Việc mua bán nhau thai là trái quy định pháp luật
Việc mua bán nhau thai là trái quy định pháp luật
 
Trường hợp không có công trình bảo vệ môi trường để tự xử lý CTNH, chủ nguồn thải CTNH có trách nhiệm ký hợp đồng chuyển giao CTNH với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép quản lý CTNH có địa bàn hoạt động và danh sách CTNH được phép quản lý phù hợp; theo dõi, giám sát việc chuyển giao và xử lý CTNH căn cứ vào nội dung hợp đồng và chứng từ CTNH...
 
Việc các bệnh viện bán nhau thai ra bên ngoài có đúng không, thưa ông? Nếu không đúng thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm như thế nào?
 
Quyết  định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế quy định nghiêm cấm buôn bán CTNH. Nếu bệnh viện bán nhau thai ra bên ngoài là vi phạm, tùy tính chất mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trong trường hợp người bệnh phát hiện nhau thai của mình bị bán ra bên ngoài, họ có quyền khiếu nại không, thưa ông?
 
Chất thải y tế, trong đó có nhau thai là chất thải bị nghiêm cấm mua bán. Nếu người bệnh phát hiện nhau thai của mình bị bán trên thị trường hoàn toàn có thế khiếu nại với các cơ quan chức năng về việc không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải y tế. 
 
Vậy các nhà thuốc đông y công khai rao bán nhau thai khô có vi phạm pháp luật?
 
Pháp luật đã nghiêm cấm việc mua bán CTNH, trong đó có nhau thai. Vì vậy việc các nhà thuốc đông y rao bán nhau thai khô là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
 
Ông đánh giá như thế nào về vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng như sở y tế, bộ y tế và các cơ quan liên quan khi để xảy ra tình trạng mua bán nhau thai rầm rộ như thế trên thị trường?
 
Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của bộ y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong việc quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh đến khâu tiêu hủy cuối cùng.
 
Các cơ quan chức năng như sở y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: quản lý và xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế trên địa bàn trình chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét phê duyệt và tổ chức thực hiện; thủ trưởng các cơ sở y tế trực thuộc bộ y tế; thủ trưởng y tế các ngành chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế của cơ sở và các đơn vị trực thuộc trình bộ trưởng bộ chủ quản để xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện; các vụ, cục, thanh tra bộ y tế chịu trách nhiệm trong việc quản lý chất thải y tế theo chức năng, nhiệm vụ do bộ trưởng bộ y tế quy định. 
 
Nếu để tình trạng mua bán nhau thai diễn ra là các cơ quan trên chưa làm tốt vai trò quản lý, giám sát việc mua bán chất thải y tế nói chung và mua bán nhau thai nói riêng.
 
Có người nói rằng, mua bán, sử dụng nhau thai không khác gì việc ăn thịt người. Ý kiến của ông về vấn đề này?
 
Tôi đồng tình với ý kiến này vì nhau thai cũng là một bộ phận cơ thể người. Việc mua bán, sử dụng nhau thai không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy ngại cho sức khỏe cộng đồng mà về mặt đạo đức cũng là hành vi đáng bị lên án. Nhà nước cần có các chế tài nghiêm khắc hơn nữa nhằm ngăn ngừa, trừng trị những hành vi bất hợp pháp này.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Phan Huynh
 
(Bài viết được thực hiện với sự phối hợp, giúp đỡ của Công ty TNHH luật Dải Ngân Hà, 103 Nguyễn Xiển, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 04.2963.965; website: www.galaxyfirm.com.vn)
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang