Mua bán xăng dầu trái phép đều xảy ra ngoài biển

author 11:10 15/01/2013

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của Bộ Công an sau thời gian theo dõi, kiểm tra , đấu tranh chống gian lận xăng dầu trong nước.

Thời gian qua, dư luận phản ánh về nhiều vi phạm, trốn thuế, lợi dụng chính sách để lợi dụng phạm tội trong lĩnh vực tạm nhập nhưng không tái xuất xăng, dầu, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, về vấn đề này, theo Bộ Công an, hiện nay, cả nước có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, ngày 15/10/2009 của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương ban hành Quy chế kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu; Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng, dầu và tạm nhập, tái xuất xăng dầu. Chỉ những doanh nghiệp đầu mối đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định 84/2009 thì mới được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu.
 
Theo quy định hiện hành, xăng dầu tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế và chịu sự giám sát của ngành Hải quan cho tới khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Xăng dầu tạm nhập tái xuất được lưu tại Việt Nam không quá 90 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục nhập khẩu.
Một tàu buôn gian bán lận xăng dầu bị phát hiện trên biển
Một tàu buôn gian bán lận xăng dầu bị phát hiện trên biển
 
Trong trường hợp cần gia hạn, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị gia hạn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục, thời hạn gia hạn không quá 03 lần cho mỗi lô xăng dầu tạm nhập tái xuất, mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày.
 
Như vậy mỗi lô xăng dầu tạm nhập - tái xuất chỉ được lưu tại Việt Nam không quá 180 ngày. Khi doanh nghiệp tái xuất không hết số xăng, dầu đã tạm nhập thì được làm thủ tục đưa vào kinh doanh nội địa và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu ...). Việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất được các cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế quản lý chặt chẽ.
    
Để tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với vi phạm, trốn thuế, lợi dụng chính sách để phạm tội trong lĩnh vực tạm nhập nhưng không tái xuất xăng, dầu gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg, ngày 07/9/2012 về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan”; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng trong lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, buôn lậu, trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
 
Bộ Công an cũng cho biết, ngày 28/7/2012, lực lượng Công an phát hiện, bắt, xử lý Tàu Giang Châu của Trung Quốc đang bán xăng trái phép cho 3 tàu Việt Nam, thu giữ 2.000 tấn xăng tương đương 40 tỷ đồng; đã khởi tố bắt tạm giam 14 bị can (trong đó, 2 bị can là người Trung Quốc).
 
Ngày 6/8/2012, tại vùng biển Vũng Tàu bắt quả tang Tàu Arafura mua bán dầu không có giấy tờ với Tàu BV 98459TS do Lê Minh Giáo điều khiển, đã tạm giữ gần 400.000 lít dầu.  
 
"Qua theo dõi, Bộ Công an chưa phát hiện việc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất xăng dầu để trốn thuế", Bộ Công an khẳng định.
 
Về nguyên nhân tình hình trên, theo Bộ Công an do nhiều doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất mà tìm mọi cách đưa tiêu thụ nội địa như bán ngoài khơi phao số 0 hoặc bán cho tàu thuyền tại các vùng biển trong nước...Khâu thanh toán trong việc mua - bán không quản lý được do bên kê khai tạm nhập không thanh toán trực tiếp mà do bên thứ 3 thanh toán; việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt...Công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất rất khó khăn, bị buông lỏng vì phần lớn các vụ mua bán xăng dầu trái phép đều xảy ra ở ngoài biển. 
 
Đối với việc dư luận phản ánh nghi ngờ về những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong quản lý Nhà nước, điều hành kinh doanh xăng dầu. Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng của các tổ chức, cá nhân liên quan đến điều hành kinh doanh, điều hành giá, hạn ngạch xuất nhập, hải quan. Hiện nay, Bộ Công an chưa phát hiện và xử lý vụ việc vi phạm nào trong lĩnh vực này.

Xăng dầu kém chất lượng thẩm lậu từ đường biển

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) nhận định, trên thực tế còn hiện tượng xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nhập lậu, thẩm lậu vào thị trường nội địa qua đường biển. Ngoài ra, có hiện tượng xăng dầu không đảm bảo chất lượng từ sản xuất đưa ra thị trường.

Bắt nhiều vụ buôn bán xăng dầu trên biển

Ngày 28/7/2012, tại vùng biển giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nam Định, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung (Hải đội 2) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan phát  hiện và bắt quả tang tàu nước ngoài có tên Giang Châu, quốc tịch Campuchia đang tổ chức bơm xăng trái phép sang cho 3 tàu: Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 và Minh Châu 08, đều của Công ty TNHH Hoàng Sơn, có trụ sở tại Thanh Hóa.

 Tại hiện trường, lực lượng Hải quan bắt giữ 23 đối tượng, trong đó có 9 đối tượng quốc tịch Trung Quốc và 14 đối tượng quốc tịch Việt Nam. ước đầu, các đối tượng trên tàu Giang Châu khai nhận đã lợi dụng mua xăng tại Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất nhưng không vận chuyển về Trung Quốc mà bán lại cho các đối tác Việt Nam để hưởng chênh lệch. Vào thời điểm bị lực lượng Hải quan bắt giữ, tàu Giang Châu đang chở khoảng 2.000 tấn xăng tương đương khoảng 40 tỉ đồng.
 
Ngày 6/8/2012, Cụm Trinh sát số 2 và Vùng Cảnh sát Biển 3 (Cảnh sát Biển Việt Nam) đã niêm phong, tạm giữ và lấy lời khai các đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra vụ trao đổi hàng chục nghìn lít dầu trái phép trên vùng biển Vũng Tàu. 
Buôn lậu xăng dầu hoành hành dữ dội
 
Trước đó, rạng sáng 5/8, Cụm Trinh sát số 2 và Vùng Cảnh sát Biển 3 đã phối hợp bắt quả tang tàu có số hiệu BV 98459 TS (do ông Lê Minh Giáo, trú tại hẻm 969/24, đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu điều khiển) đang cặp mạn, tiếp nhận dầu từ tàu Arafura (Quốc tịch Singapore). 
 
Qua kiểm tra, thuyền trưởng của 2 tàu không có giấy tờ chứng minh được việc trao đổi dầu là hợp pháp. Tại thời điểm kiểm tra, tàu Arafura đang chứa 382.000 lít dầu và đã chuyển sang tàu BV 98459 TS khoảng 10.000 lít dầu. Lực lượng Cảnh sát Biển đã lập biên bản và yêu cầu thuyền trưởng 2 tàu vào bờ để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
 
Thủ đoạn tinh vi 
 
Sử dụng hồ sơ vận chuyển nội địa để hợp thức hóa trên đường vận chuyển sau đó cho tàu chạy sang Trung Quốc tiêu thụ; hợp thức hóa chứng thư chất lượng để XK khoáng sản không đủ tiêu chuẩn XK… là thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu trên biển thường sử dụng, đối phó với lực lượng chức năng để buôn lậu hàng hóa trái phép trên biển. Cá biệt, một số đối tượng còn nâng cấp trọng tải của tàu, không qua đăng kiểm, mở tờ khai số lượng ít tăng số lượng thực xuất, trộn lẫn số than được cấp phép với số than không rõ nguồn gốc để XK ra nước ngoài hoặc lợi dụng việc XK than tiểu ngạch hợp thức hóa chứng thư chất lượng để đưa than có chất lượng tốt hơn ra nước ngoài tiêu thụ.
 
Phan Mạnh (lược ghi) 
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang