Mua đồ chơi trẻ em, thấy dấu hiệu bất thường người tiêu dùng phải tránh xa

author 14:05 03/06/2018

(VietQ.vn) - Qua kiểm tra, Cục QLCLSPHH phát hiện nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng, sai nhãn mác.

Sự kiện: Đồ chơi trẻ em an toàn và đồ chơi trẻ em không an toàn

Đồ chơi “thiếu chuẩn” chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), đồ chơi trẻ em là mặt hàng thiết yếu của trẻ nhỏ, đặc biệt trong các dịp 1/6 khi bắt đầu nghỉ hè và dịp Tết Trung thu. Qua thực tế đã chứng minh, đồ chơi có ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu được sử dụng đồ chơi phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường thể lực, sự khéo léo, khả năng tư duy và sáng tạo.

“Là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, các yếu tố an toàn của đồ chơi trẻ em đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các văn bản, các quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồ chơi trẻ em trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu và sử dụng đều phải được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay thì bên cạnh những đồ chơi phù hợp quy chuẩn, đảm bảo chất lượng vẫn còn những loại đồ chơi mang tính bạo lực, không an toàn cho trẻ là vấn đề các bậc phụ huynh quan tâm”, ông Tuấn thông tin.

Đồ chơi bạo lực, đồ chơi xuất xứ Trung Quốc vẫn xuất hiện trên thị trường.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Cục QLCLSPHH) cho biết, qua những đợt kiểm tra, thanh tra trước đây do đơn vị tổ chức, các đồ chơi không đảm bảo chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, thông qua các con đường nhập tiểu ngạch để vào Việt Nam và không được cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra đánh giá được chất lượng.

Những sản phẩm đồ chơi này được sản xuất đa dạng, phù hợp với tâm lý và nhu cầu trẻ em, giá thành rẻ (do nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu không chịu thuế, không mất các chi phí kiểm tra, chứng nhận hợp quy….), do vậy các đồ chơi này cũng là một trong những lựa chọn của phụ huynh, trẻ nhỏ.

 
Hầu hết đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc không có nhãn hàng hóa, hoặc có nhãn (bằng tiếng Trung Quốc) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Hoặc, có nhãn phụ bằng tiếng Việt thì nội dung rất “mơ hồ”, chung chung, như “đồ chơi trẻ em”, “đồ chơi trẻ em dùng pin”, “đồ chơi trẻ em không dùng pin” cho các loại đồ chơi. Với các dấu hiệu như vậy người tiêu dùng không nên lựa chọn đồ chơi cho trẻ.
 

Trên thị trường, theo phân tích của ông Trần Quốc Tuấn, cũng có nhiều trường hợp nhà nhập khẩu, nhà phân phối in sẵn nhãn hàng hóa, in sẵn dấu hợp quy và giao cho cơ sở bán lẻ tự dán. Do đồ chơi trẻ em có nhiều chủng loại, mẫu mã, nhiều tên gọi khác nhau, nhiều cơ sở bán lẻ dán nhầm lẫn lên các loại đồ chơi. Nhãn hàng hóa của loại đồ chơi này thì lại có tên của đồ chơi khác; dấu hợp quy (cũng tự dán) của loại đồ chơi này lại dán lên loại đồ chơi kia.

Cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu đồ chơi trẻ em giao nhãn hàng hóa, dấu hợp quy cho người bán tự dán lên sản phẩm dẫn đến việc nhập nhằng giữa hàng hóa nhập lậu và hàng hóa đã được kiểm tra, trong khi cơ quan chức năng rất khó phân biệt tem nhãn, dấu hợp quy thật-giả. Có xảy ra tình trạng dấu hợp quy (thật) dán lên sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy hay sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng, thậm chí dán lên sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu.

Đồ chơi  trẻ em rất đa dạng, có nhiều chủng loại khác nhau nên việc quản lý chứng nhận hợp quy đối với tất cả các loại đồ chơi là một vấn đề phức tạp. Ở các tỉnh phần lớn các cửa hàng nhỏ lẻ, đồ chơi không tập trung ở một cửa hàng chuyên biệt mà nằm rải rác tại các cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm,… việc lưu giữ hồ sơ tại các cửa hàng kinh doanh này chưa được thực hiện đầy đủ.

Sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra chất lượng đồ chơi

Theo Cục trưởng Cục QLCLSPHH, trong các thời điểm cao điểm như Tết thiếu nhi (1/6 hàng năm), Tết Trung thu các mặt hàng đồ chơi trẻ em chưa được chứng nhận hợp quy, đảm bảo chất lượng vẫn ồ ạt được tung ra thị trường. Do đó công tác kiểm tra, thanh tra là rất quan trọng nhằm kiểm soát, hạn chế và ngăn chặn những đồ chơi độc hại, nguy hiểm được mua, bán và sử dụng.

Hiện nay, đồ chơi trẻ em được bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, bày bán riêng lẻ hoặc xen lẫn các mặt hàng khác tại cửa hàng văn phòng phẩm, tạp hoá, xe đẩy bán hàng rong…. Do vậy việc thanh tra, kiểm tra cần có những kế hoạch cụ thể để đạt hiệu quả, ngăn ngừa tối đa số lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em không phù hợp được bán ra thị trường.

Cũng từ việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa đồ chơi trẻ em lưu thông, khi phát hiện sản phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hàng hóa, cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra các đơn vị sản xuất có dấu hiệu vi phạm, và ngược lại từ công tác kiểm tra sản xuất nếu phát hiện sẽ xử lý và kiểm tra trong lưu thông.

 Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCLSPHH (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, Cục QLCLSPHH đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em trên thị trường. Kể từ thời điểm Tết Trung thu năm 2017, đơn vị đã chủ trì, phối hợp kiểm tra tại 03 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.

Qua các đợt, có tổng số 29 cơ sở được kiểm tra với 292 mẫu. Kết quả, về nhãn hàng hóa, có 178/292 mẫu (tương đương 61,0%) có nhãn phù hợp quy định, 114/292 mẫu (tương đương 39,0%) không phù hợp quy định về nhãn hàng hóa.

Về thực hiện chứng nhận hợp quy, có 212/292 mẫu (tương đương 72,6%) có dấu hợp quy (CR), 80/292 mẫu (tương đương 27,4%) không có dấu hợp quy, 147/248 mẫu (tương đương 59,3% không có Giấy chứng nhận hợp quy).

Thông qua các đợt kiểm tra, Cục QLCLSPHH cũng đã lấy 12 mẫu thử nghiệm. Trong đó, có 03/03 mẫu chất lượng đạt theo QCVN 3: 2009/BKHCN và 09 mẫu đang chờ kết quả thử nghiệm.

Thời gian tới, ông Tuấn cho biết, Cục QLCLSPHH cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa, nguồn gốc đồ chơi trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối trên cả nước, góp phần hạn chế việc phát tán, sử dụng đồ chơi có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người.

Phong Lâm

Tết thiếu nhi (1/6): Đồ chơi trẻ em nguồn gốc không rõ ràng vẫn len lỏi ra thị trường(VietQ.vn) - Đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, được bày bán ở các vỉa hè, cổng bệnh viện, trường học, chợ…tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lớn, gây hậu quả khôn lường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang