Mua hàng online: Cẩn thận với “hàng xịn giá bèo”

author 06:57 16/02/2014

Mất năm phút để có thể tạo một gian hàng online, chỉ vài thao tác để lập một website bán hàng. Nhưng trong số hàng vạn website bán hàng, gian hàng điện tử, chỉ một số rất ít có đăng ký hay thông báo...

Mua hàng Mỹ, nhận hàng Trung Quốc

 Có nhu cầu mua iPad Air loại 16G của Hãng Apple nhưng chưa đủ tiền, anh N.V.T. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sục sạo trên các website với hi vọng tìm được địa chỉ mua sản phẩm này với giá vừa túi tiền. Sau nhiều ngày lang thang trên mạng, anh T. mừng như bắt được vàng khi đọc thấy thông tin quảng cáo “giá giảm 60% nhân khai trương cơ sở mới” tại địa chỉ traitaovang.mov.mn. Anh T. càng tin tưởng hơn khi trang web này công bố thông tin khá đầy đủ, gồm hotline “09682617... Ms My” và địa chỉ trụ sở chính trên đường Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, kèm theo cam kết “bán hàng chính hãng, hoặc hoàn tiền 200% nếu là hàng giả”.

Đặt mua iPad của Hãng Apple qua website traitaovang.mov.mn nhưng anh N.V.T. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại nhận được một chiếc iPad Trung Quốc - Ảnh: Đình Dân

Sau khi cẩn thận xem kỹ các thông tin, anh gọi theo số điện thoại này và được người tên My hướng dẫn thủ tục mua hàng, đồng thời giới thiệu liên lạc với một nhân viên khác của website này tên là Lê Ngọc Thảo. Anh T. gọi cho người tên Thảo và được hướng dẫn chuyển số tiền 7 triệu đồng mua sản phẩm này vào tài khoản 4058.205.020... tại Agribank, do Nguyễn Phú Trung đứng tên chủ tài khoản. Hai ngày sau, anh T. tá hỏa khi bưu kiện mà anh nhận được là chiếc Novo Tap của Trung Quốc chứ không phải là sản phẩm mà mình đặt mua. Nghĩ rằng có nhầm lẫn, anh T. liên tục gọi điện cho cả nhân viên tên My và Thảo nhưng chỉ nhận được những câu trả lời phủi trách nhiệm.

Tìm đến tận địa chỉ mà website đã giới thiệu trên trang bán hàng, anh T. mới bật ngửa khi phát hiện đây là địa chỉ “ma”. “Bảo vệ tòa nhà cho biết rất nhiều người mua hàng của trang web này đã đến đây khiếu nại nhưng nơi đây không phải là cơ sở của trang web như đã rao. Tôi đã đến trình báo công an nhưng họ cũng chẳng giúp được gì, còn website này vẫn hoạt động” - anh T. bức xúc. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện website này vẫn vô tư hoạt động, quảng cáo và bày bán rất nhiều sản phẩm, chủ yếu là đồ điện tử của các hãng nổi tiếng như Apple, Samsung, Nokia...

Tương tự, khi đọc thấy thông tin quảng cáo “giảm giá 50%”, “cam kết hàng chính hãng” tại địa chỉ website thegioiapple.net.vn, chị Linh (Q.5) đã đặt mua một máy iPad của Hãng Apple. Liên hệ số điện thoại (08) 627112... và được nhân viên của website này hướng dẫn, chị Linh đã chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản 0109510... (Ngân hàng Đông Á) do Vũ Mạnh Hùng đứng tên chủ tài khoản và sập bẫy. “Sau khi chuyển tiền xong, sản phẩm mà tôi nhận được là một máy... đồ chơi của Trung Quốc” - chị Linh kể. Ngày 13-2, theo địa chỉ trên đường Tôn Đức Thắng mà công ty này ghi trên website, chúng tôi tìm đến nhưng không có Công ty Thế giới Apple nào.

Đây chỉ là một số trong nhiều trường hợp bị lừa khi mua hàng trên các trang bán hàng qua mạng xuất hiện nhan nhản hiện nay. Chiêu thức chung của các chợ điện tử này là quảng cáo rùm beng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, bán hàng chính hãng... Sau khi các “con mồi” cắn câu, chuyển tiền vào tài khoản theo như hướng dẫn, sản phẩm nhận được hầu hết đều là hàng dỏm, thậm chí mua sản phẩm này nhưng được giao sản phẩm khác. Nhiều nạn nhân gọi lại số điện thoại trước đó từng liên lạc thì không được nghe máy hay bị tắt máy ngay khi phản ánh, tìm đến các địa chỉ ghi trên trang bán hàng đều là địa chỉ “ma”.

5 phút một gian hàng online

 Chị Nguyễn Thị Diệu H. - chủ của nhiều gian hàng thời trang online - hướng dẫn chúng tôi vào thuê gian hàng online, lập website bán hàng. Theo chị H., chỉ cần năm phút là có thể có ngay một gian hàng online để bày đồ ra bán. “Tôi nhập hàng từ Trung Quốc, Đài Loan về và thuê lại các gian hàng online trên các trang như 5giay, 123 mua... hay đơn giản nhất là Facebook rồi rao bán cho khách. Rất dễ, chỉ cần năm phút là có ngay một gian hàng online ra vào mua bán thoải mái mà chẳng phải đóng thuế, cũng chẳng cần đăng ký gì cả” - chị H. nói.

Anh Lâm - chủ của nhiều gian hàng online bán hàng thời trang - bật mí: “Mỗi gian hàng VIP thuê lại từ các sàn giao dịch thương mại điện tử có giá chỉ 3-6 triệu đồng, hoạt động từ 6-12 tháng. Các gian hàng bình thường chỉ cần trả một ít tiền mỗi lần đăng tin. Không cần phải đăng ký, chỉ cần gửi cho website mà mình thuê gian hàng vài thông tin cơ bản”.

Anh Lâm cũng thừa nhận các shop online của anh hiện không có chứng thực (tức không có địa chỉ mua bán, tên shop) nên nếu có khiếu nại cũng chẳng có gì phải lo lắng. Ngoài các website bán hàng, các sàn giao dịch thương mại điện tử thì các trang mạng cá nhân cũng diễn ra hoạt động mua bán online rầm rộ. Từ các sản phẩm thời trang, thực phẩm đến đồ điện tử đang được rao bán tràn lan và gần như không thể kiểm soát về chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạnh, trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử phía Nam, cho biết đến cuối năm 2013 có 518 website thương mại điện tử bán hàng và 344 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã tiến hành đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. “Đây là con số rất ít so với các trang thương mại điện tử, website bán hàng đang hoạt động hiện nay. Thực tế con số các trang hoạt động chưa đăng ký, chưa thông báo còn cao hơn, không thể kiểm soát nổi có bao nhiêu trang như vậy” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó tổng thư ký, trưởng đại diện văn phòng phía Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử VN - cho biết các website bán hàng trên Internet bắt đầu phát triển rầm rộ từ năm 2011 đến nay, trong đó có cả các công ty nước ngoài. Đặc biệt, khi các dịch vụ kèm theo như dịch vụ thanh toán, ví điện tử và các dịch vụ giao nhận được đồng bộ hơn, lượng doanh nghiệp, cá nhân tham gia thương mại điện tử ngày càng nhiều, từ đó phát sinh những hệ lụy không nhỏ liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. “Từ trước đến nay các cơ quan quản lý nhà nước không thống kê được có bao nhiêu website bán hàng đang hoạt động. Sau khi nghị định 185 có hiệu lực, thị trường này được kỳ vọng sẽ lành mạnh hơn” - ông Dũng nói.

Sẽ thanh tra hàng loạt

Bà Nguyễn Thị Hạnh, trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử phía Nam, cho biết từ ngày 1-1-2014, sau khi nghị định 185 quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động mua bán trên thương mại điện tử bắt đầu có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký. “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên ngành kiểm tra các website mua bán, đơn vị nào không có đăng ký, hoạt động chui sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí rút hoạt động” - bà Hạnh nói.

Theo Tuổi trẻ

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang